Gia tăng hành vi lừa đảo mạo danh trên mạng
Lừa đảo mạo danh đã xuất hiện trong thời gian qua và đang có dấu hiệu bùng phát. Cảnh báo của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho thấy, các thủ đoạn lừa đảo phổ biến trên không gian mạng trong tuần qua chủ yếu liên quan đến lừa đảo mạo danh cá nhân, cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt, các đối tượng lừa đảo còn ngang nhiên giả danh cán bộ Công an để thực hiện các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của các nạn nhân.
Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết, cơ quan Công an một số đơn vị, địa phương vừa phát đi cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới liên quan đến hoạt động xuất nhập cảnh. Đây được xem là hình thức thuộc nhóm đối tượng giả danh cán bộ Công an thông qua mạng xã hội, mạng viễn thông để thực hiện hành vi lừa đảo nhưng cách thức tinh vi hơn.
Theo đó, các đối tượng thông qua mạng xã hội để tìm kiếm, tiếp cận với những người có nhu cầu xuất cảnh đi nước ngoài. Đối tượng lừa đảo sẽ hướng dẫn nạn nhân thực hiện các thủ tục nộp hồ sơ hộ chiếu, xin visa; yêu cầu nộp ảnh chân dung, ảnh chụp căn cước công dân để làm thủ tục. Chỉ trong thời gian ngắn, các đối tượng gửi lại cho nạn nhân ảnh chụp hộ chiếu, visa được xác định giả mạo kiểu cắt ghép, chỉnh sửa. Đối tượng thông báo cho nạn nhân biết về thời gian xuất cảnh, yêu cầu có mặt tại sân bay nhận giấy tờ.
Khi nạn nhân có lòng tin bước đầu thì các đối tượng tiếp tục gửi văn bản giả mạo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, có nội dung "xác minh, chứng minh nguồn thu nhập và tài chính", yêu cầu phải chuyển khoản tiền lớn vào tài khoản của Cục Quản lý xuất nhập cảnh để hoàn thiện hồ sơ và sẽ chuyển trả lại sau 30-40 phút. Nếu nạn nhân tin tưởng, thực hiện chuyển tiền thì bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt.
Cũng theo Cục An toàn thông tin, thời gian gần đây trên không gian mạng liên tiếp xuất hiện các nạn nhân sập bẫy chiêu trò lừa đảo giả danh Công an, hướng dẫn hoặc báo lỗi tài khoản VNeID dẫn đến bị chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là gọi điện cho nạn nhân, thông báo ứng dụng VNeID của họ bị lỗi. Sau đó, hướng dẫn họ tải ứng dụng sửa lỗi online. Sau khi nạn nhân cài đặt thì toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân bị chiếm đoạt. Các ứng dụng giả mạo này có tính năng thu thập thông tin cá nhân, kiểm soát, theo dõi, điều khiển điện thoại nạn nhân từ xa. Mục đích là đăng nhập tài khoản ngân hàng và tin nhắn mã OTP để chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Ngoài việc giả danh Công an, các đối tượng còn mạo danh một số tổ chức, đơn vị để lừa đảo. Theo Cục An toàn thông tin, Công ty cổ phần TV HUB, nhà sản xuất của chương trình Shark Tank Việt Nam vừa cảnh báo về việc một số đối tượng có hành vi giả mạo TV HUB, chương trình Shark Tank, sử dụng hình ảnh các nhà đầu tư của chương trình để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều cá nhân.
Trước thông tin và phản ánh của người dân về sự việc trên, Công ty TV HUB cùng chương trình Shark Tank khẳng định không tổ chức lôi kéo khán giả làm nhiệm vụ like, theo dõi, bình chọn, nạp tiền để nhận hoa hồng. Tương tự, đần đây, Công ty Giao hàng tiết kiệm (GHTK) cũng đã ghi nhận một số phản ánh về việc các đối tượng mạo danh, đăng tải các thông tin tuyển dụng sai lệch trên Fanpage giả mạo, liên hệ ứng viên yêu cầu nộp phí, chuyển tiền vào các ứng dụng (App) để được tuyển dụng hoặc tham gia vào hội nhóm hỗ trợ tuyển dụng.
Ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm giám sát An toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết: Mặc dù trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã liên tục đưa ra khuyến cáo về các thủ đoạn lừa đảo mạo danh nhưng vẫn có người dân nhẹ dạ cả tin sập bẫy đối tượng lừa đảo.
Trước thực tế này, Cục An toàn thông tin tiếp tục khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ những thông tin về lừa đảo trực tuyến để tăng cường biện pháp bảo vệ bản thân trên môi trường mạng; tuyệt đối không tin, không thực hiện theo yêu cầu của người lạ qua điện thoại, không truy cập vào các đường link hoặc kho ứng dụng không chính thống để tải và cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc. Riêng đối với thủ đoạn giả danh Công an, ông Nguyễn Phú Lương cho rằng, Công an các cấp tuyệt đối không bao giờ làm việc với người dân qua điện thoại và mạng xã hội nên người dân cần phải nắm rõ nguyên tắc này. Khi cần hỗ trợ về cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử người dân nên đến trực tiếp Công an địa phương nơi gần nhất để được hướng dẫn. Trường hợp nhận thấy bất kỳ hành vi lừa đảo hoặc mạo danh nào từ phía VNeID, người dân hãy thông báo cho Công an ngay lập tức thông qua các kênh liên lạc chính thức để lực lượng Công an có thể hỗ trợ xử lý vụ việc.
Cũng theo đại diện Cục An toàn thông tin, các chiêu trò lừa đảo giả danh này đã không còn quá xa lạ trên môi trường mạng tuy nhiên, các đối tượng giả danh lại luôn thay đổi hình thức, thao túng tâm lý người dùng một cách tinh vi.
Điều đáng nói, đối tượng lừa đảo thường nhắm vào sự thiếu hiểu biết của nạn nhân để ra tay lừa đảo, sử dụng các cách thức đe dọa, áp lực tâm lý như khống chế, hăm dọa hay những lời mời chào hấp dẫn. Vì thế, để đối phó với các đối tượng lừa đảo mạo danh, trước hết người dân cần phải trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết nhằm có thể phòng tránh một cách hiệu quả…
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Phú Lương cho biết, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm chuẩn hóa thông tin thuê bao; chủ động rà soát, nâng cao năng lực hệ thống chặn lọc tin nhắn, cuộc gọi rác; tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an để rà quét các tài khoản mạng xã hội mạo danh các đơn vị chức năng nhằm lừa đảo công dân Việt Nam.