Nhiều tồn tại, hạn chế trong hoạt động khoa học và công nghệ
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt đã ký báo cáo gửi tới Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 100/2023/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.
Tại văn bản này, người đứng đầu Bộ KH&CN cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, bước đầu, bên cạnh một số kết quả tích cực, thì quá trình tổ chức triển khai các nhiệm vụ KH&CN cũng đã bộc lộ các tồn tại, hạn chế trong việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp, công tác triển khai các chương trình KH&CN cấp quốc gia, hay trong việc nghiên cứu đề xuất triển khai các chế độ, chính sách đãi ngộ vượt trội cho đội ngũ nghiên cứu KH&CN…
Việc xử lý đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp luôn có độ trễ
Thông tin từ Bộ KH&CN, năm 2023, Bộ đã tiếp nhận 148.198 đơn các loại, trong đó có 84.070 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; đã xử lý được 107.549 đơn các loại, trong đó có 68.338 đơn đăng ký xác lập quyền; cấp 35.203 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, Bộ KH&CN đã tiếp nhận 18.712 đơn (tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 2.596 đơn sáng chế, 780 đơn kinh doanh công nghiệp, 13.017 đơn nhãn hiệu quốc gia và 2.257 đơn nhãn hiệu quốc tế, 7 đơn chỉ dẫn địa lý, 55 đơn nhãn hiệu đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam.
Với số đơn trên, Bộ đã xử lý 19.747 đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 485% so với cùng kỳ 2023) và cấp 11.774 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp (tăng 91% so với cùng kỳ 2023).
Mặc dù hằng năm, tốc độ xử lý đơn trung bình đều tăng so với tốc độ tăng trung bình của lượng đơn tiếp nhận, song lượng đơn tồn vẫn còn nhiều. Lãnh đạo Bộ KH&CN chỉ ra 4 nguyên nhân chủ yếu. Cụ thể, sở hữu trí tuệ là lĩnh vực mới tại Việt Nam so với các nước có lịch sử phát triển lĩnh vực này hàng trăm năm, trong khi lượng đơn nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ tăng nhanh, do vậy Việt Nam cần phải có lộ trình và thời gian để chuẩn bị nguồn lực và nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Thứ hai, sở hữu trí tuệ là lĩnh vực đặc thù, việc xử lý đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp luôn có độ trễ theo thời hạn được pháp luật quy định và yêu cầu của người nộp đơn (rất nhiều đơn phát sinh các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình xử lý đơn).
Cùng đó, nguồn lực đầu tư cho hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ còn hạn chế so với yêu cầu của công việc, cụ thể như cơ sở vật chất của Cục Sở hữu trí tuệ chưa được bổ sung kịp thời để có thể giải quyết những thiếu hụt hiện tại cũng như để bù đắp những thiếu hụt trước đó; tỷ lệ phí để lại cho cơ quan sở hữu công nghiệp liên tục giảm; kinh phí chi thường xuyên cũng liên tục bị cắt giảm qua hằng năm trong khi khối lượng công việc xử lý luôn luôn tăng. Cơ cấu tổ chức, nhân sự chưa được bổ sung và hoàn thiện kịp thời; công tác tuyển dụng nhân sự còn gặp nhiều khó khăn do tiền lương, chế độ đãi ngộ thấp, thu nhập cho cán bộ giảm nên có nhiều cán bộ xin nghỉ việc. Trong khi đó, cán bộ mới được tuyển dụng cần thời gian đào tạo để đáp ứng được yêu cầu công việc.
Nguyên nhân cuối cùng là do cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công việc, công cụ tra cứu, hệ thống công nghệ thông tin chậm được bổ sung, thay thế, nâng cấp, một phần do thủ tục đầu tư còn vướng mắc, nguồn vốn còn hạn chế… Việc đổi mới quy trình công việc, ứng dụng chuyển đổi số chưa thực sự đáp ứng yêu cầu công việc.
Liên quan đến công tác triển khai các chương trình KH&CN cấp quốc gia đến năm 2030, Bộ KH&CN cũng nhìn nhận, sự phối hợp giữa các bộ, ngành và các cấp địa phương chưa thực sự quyết liệt, dẫn đến sự chậm trễ trong việc đề xuất các nhiệm vụ KH&CN. Tiềm lực và trình độ KH&CN, đội ngũ cán bộ KH&CN tuy có phát triển về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu các nhóm nghiên cứu mạnh, thiếu các viện nghiên cứu, trường đại học đẳng cấp quốc tế, thiếu các nhà khoa học đầu ngành, Tổng công trình sư có khả năng chỉ huy triển khai các nhiệm vụ quốc gia ở trình độ quốc tế; cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị nghiên cứu còn chưa đồng bộ. Sự phát triển kinh tế - xã hội trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay cũng đã làm cho một số quy định không còn phù hợp, gây ra những khó khăn, bất cập nhất định cho các tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý trong quá trình áp dụng.
Chính sách đãi ngộ còn “cào bằng”
Liên quan đến việc nghiên cứu, đề xuất triển khai các chế độ, chính sách đãi ngộ, vượt trội cho đội ngũ nghiên cứu KH&CN, Bộ KH&CN cho rằng, hoạt động KH&CN có tính đặc thù, đòi hỏi người làm công việc này có thời gian đào tạo lâu dài, đồng thời phải liên tục được bồi dưỡng nâng cao và học hỏi, cập nhật kiến thức mới, kiên trì theo đuổi đam mê, dày công nghiên cứu với thời gian và công sức lớn. Tuy nhiên, chính sách đãi ngộ có tính chất “cào bằng” như hiện nay thực sự chưa khuyến khích người làm khoa học theo đuổi con đường này lâu dài, dẫn đến lãng phí xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển KH&CN của đất nước.
Hoạt động KH&CN có tính rủi ro nhưng hiện nay trong Luật KH&CN chưa có quy định về quyền được bảo vệ của người làm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong tình huống xảy ra rủi ro. Thực tiễn triển khai hoạt động KH&CN xuất hiện nhiều nhân tố cá nhân có vai trò dẫn dắt quan trọng như trưởng nhóm nghiên cứu, kỹ sư trưởng, người đứng đầu chỉ đạo một nhiệm vụ ứng dụng, phát triển công nghệ… nhưng hiện nay chưa được luật hoá các chức danh này và chưa có chính sách đi kèm tương ứng (trong khi đây là thông lệ phổ biến của các nước).
Kết quả thực hiện chính sách thu hút các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài còn khá khiêm tốn vì nhiều nguyên nhân khác nhau như: Thu nhập, điều kiện, môi trường làm việc không bảo đảm hoặc chưa đủ hấp dẫn; quy định về điều kiện, tiêu chuẩn để được tham gia làm việc chính thức trong các tổ chức KH&CN trong nước còn nhiều cứng nhắc, không phù hợp…
Trước các tồn tại nói trên, Bộ KH&CN cũng đưa ra hàng loạt giải pháp khắc phục. Cụ thể, Bộ này sẽ tiếp tục nghiên cứu rà soát hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính của các chương trình, nhiệm vụ KH&CN, nhằm khuyến khích, thúc đẩy việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào phát triển kinh tế - xã hội. Về vấn đề đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, Bộ KH&CN chỉ đạo Cục Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện quy chế thẩm định đơn theo hướng chi tiết, dễ áp dụng, từ đó giúp đẩy nhanh quá trình xử lý đơn.
Đồng thời, liên tục rà soát, tổ chức sắp xếp lại quy trình xử lý đơn để nâng cao năng suất lao động. Rà soát công tác thẩm định đơn; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; cho phép thẩm định viên làm việc từ xa để nâng cao hiệu suất công việc. Đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin của Cục Sở hữu trí tuệ một cách đồng bộ, hiệu quả; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kể cả trí tuệ nhân tạo vào công tác thẩm định đơn sở hữu công nghiệp..
Thời gian tới, Bộ KH&CN cũng cho rằng cần tập trung nghiên cứu, xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn có liên quan, trong đó sửa đổi, bổ sung các quy định về cá nhân, chức danh nghề nghiệp (trưởng nhóm nghiên cứu, kỹ sư trưởng, tổng công trình sư), chức danh ưu đãi, bảo vệ và khuyến khích cán bộ khoa học mạnh dạn sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong đó chấp nhận tính rủi ro của hoạt động KH&CN và trong các tình huống cấp bách, khách quan vì lợi ích cộng đồng. Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành quyết định phê duyệt một số mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm thu hút và phát huy hiệu quả hoạt động của các nhà khoa học, công nghệ và chuyên gia giỏi người Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2030.