Bảo vệ trẻ em và người yếu thế trong Luật Bảo đảm TTATGT
- Thảo luận, góp ý một số quy định mới trong các Dự án Luật liên quan công tác Công an
- Phiên họp thứ 48 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét nhiều dự án Luật quan trọng
Ngày 24/10, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày 3 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo là: Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ; Luật Phòng chống ma tuý (sửa đổi) và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở. Một trong những dự án luật được nhiều người quan tâm, đó là Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ. Để đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, Báo CAND xin giới thiệu những mục tiêu chính của dự án luật này.
Bộ Công an chịu trách nhiệm chính đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ
Trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND các địa phương, tuy nhiên việc xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính về TTATGT đường bộ chưa rõ ràng, rành mạch, dẫn đến chồng chéo khi tổ chức thực hiện. Do đó, trong Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ đã xác định nguyên tắc bảo đảm TTATGT đường bộ là một nội dung của bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó Bộ Công an chịu trách nhiệm chính. Vấn đề này được quy định tại khoản 2, điều 3.
Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ phát huy sức mạnh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác bảo đảm TTATGT. Luật quy định nguyên tắc: Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo đảm TTATGT đường bộ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp bảo đảm TTATGT đường bộ.
Cảnh sát giao thông giúp đỡ người dân trong mưa lũ. |
Bảo vệ trẻ em và người yếu thế - tính nhân văn của dự án Luật
Xuất phát từ nguyên tắc cơ bản là bảo vệ quyền con người, tại khoản 1, điều 4 dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ đã có nhiều quy định để đảm bảo cho trẻ em và nhóm người yếu thế được ưu tiên, quan tâm, bảo vệ khi tham gia giao thông, gồm: Tại khoản 2, điều 10 quy định: Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải chú ý bảo đảm an toàn cho người đi bộ, người đi xe đạp, trẻ em, người già và người khuyết tật.
Luật dành riêng 1 điều (điều 13) để quy định về người đi bộ, người khuyết tật, người già yếu, trẻ em tham gia giao thông. Trong đó, đối với người khuyết tật, già yếu, trẻ em đã đặc biệt được quan tâm. Với những quy định rất nhân văn dành cho trẻ em, người khiếm thị, người mắc bệnh tâm thần, hạn chế về mặt trí tuệ phải có người dắt khi qua đường hoặc khi tham gia giao thông. Mọi người đều phải có trách nhiệm giúp đỡ người khuyết tật, người già yếu, trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường. Quy định này xuất phát từ đạo nghĩa, từ ý thức nhân văn của người Việt Nam và phù hợp với công ước quốc tế về giao thông đường bộ (Công ước Viên năm 1968).
Tại khoản 5, điều 10 trong Luật, bắt buộc người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường an toàn không chỉ tại nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu khác dành cho người đi bộ, mà tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, nếu quan sát thấy người đi bộ hoặc nhóm người yếu thế đi qua đường thì cũng phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho họ.
Ngay đối với trường hợp nơi có đèn tín hiệu vàng nhấp nháy được đi, người điều khiển phương tiện cũng phải chú ý quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ qua đường (khoản 2 điều 12)
Đặc biệt, tại khoản 4, điều 5, dự án Luật quy định “Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật trong đào tạo lái xe” và tại khoản 3, điều 42 cho phép người khuyết tật điều khiển phương tiện tham gia giao thông được cấp giấy phép lái xe phù hợp với loại xe và tình trạng khuyết tật. Quy định này được xem là tiến bộ, phù hợp với xu thế phát triển phương tiện dành cho người khuyết tật, tạo điều kiện cho người yếu thế khi tham gia giao thông. Không chỉ với môtô, hiện nay trên thế giới đã phát triển rất nhiều loại xe dành cho người khuyết tật, trong đó có các phương tiện ôtô có thiết kế phù hợp.
Luật cũng đề ra hàng loạt quy định về bảo vệ trẻ em, gồm: Quy định việc không để trẻ em ngồi hàng ghế trước (vị trí ghế cạnh người lái xe) trên xe ô tô khi tham gia giao thông đường bộ. Đối với trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em. Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em. Kết hợp với các quy định khác về quy tắc tham gia giao thông đường bộ, không chỉ là việc tiếp thu quy định của Công ước Viên năm 1968, mà còn đặt trẻ em, thế hệ tương lai vào vị trí trung tâm cần được bảo vệ an toàn tuyệt đối khi tham gia giao thông.
Xây dựng quy tắc giao thông đường bộ văn minh
Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ đã kế thừa từ Luật Giao thông đường bộ (2008), đồng thời tiếp thu có chọn lọc những quy tắc giao thông của Công ước Viên năm 1968 và từ nghiên cứu, tổng kết thực tiễn công tác bảo đảm TTATGT trong những năm qua, để xây dựng bộ quy tắc giao thông đường bộ văn minh, hiện đại; đã mô tả, làm rõ hơn một số quy tắc như tránh, vượt, chuyển hướng, chuyển làn, sử dụng còi, đèn tín hiệu, giao thông trên đường cao tốc, trong hầm đường bộ...
Trong đó có một số quy định mới, nổi bật, đó là quy định về những trường hợp nguy hiểm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông gặp phải trên đường thì phải giảm tốc độ để có thể dừng lại một cách an toàn. Như các trường hợp: Nhường đường cho người đi bộ tại khoản 5, điều 10. Có báo hiệu cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường; chuyển hướng xe chạy hoặc tầm nhìn bị hạn chế; qua nơi giao nhau; tránh xe chạy ngược chiều hoặc khi cho xe chạy sau vượt... tại khoản 3, điều 17.
Quy định này sẽ giúp hạn chế cơ bản tình trạng “phóng nhanh, vượt ẩu”, nhất là khi đi đến những đoạn đường nguy hiểm, nơi ngã ba, ngã tư, khi người điều khiển phương tiện có thói quen đi cố để vượt qua đèn tín hiệu giao thông. Mặt khác, quy định này cũng giúp cho việc xác định lỗi chính xác giữa các bên nếu xảy ra TNGT.
Luật đã bổ sung quy định đối với tình huống vượt xe, nếu trường hợp người điều khiển phương tiện phía trước quan sát phần đường phía trước có chướng ngại vật, hoặc không đủ điều kiện an toàn, thì phải bật tín hiệu chuyển hướng sang trái hoặc đưa tay trái ra hiệu cho xe phía sau biết là chưa vượt được. Quy định này sẽ giúp giảm thiểu nhiều vụ TNGT và thương vong, do hiện nay lỗi tránh vượt sai quy định là nguyên nhân chính của nhiều vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Luật đã khái niệm rõ về trạng thái dừng và đỗ xe, đồng thời quy định chặt chẽ việc người lái xe phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn khi dừng và đỗ xe, như: Phải có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết khi vào vị trí dừng xe, đỗ xe; khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã kéo phanh tay hoặc thực hiện các biện pháp an toàn; việc dừng, đỗ xe không làm ảnh hưởng đến người đi bộ và các phương tiện tham gia giao thông… Khi hạ tầng giao thông đủ điều kiện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định các điểm chỉ được dừng, đỗ xe trên đường phố.
Luật cũng quy định giao thông có quy định về mở cửa xe trong đó đặt ra yêu cầu với người lái xe, người ngồi trên xe ôtô trước khi mở cửa phải quan sát phía trước, phía sau và bên phía mở cửa xe, khi thấy an toàn mới được mở cửa, đồng thời không được mở cửa, để cửa mở khi phương tiện đang di chuyển. Việc quy định cụ thể về mở cửa xe sẽ giúp hạn chế nhiều những vụ TNGT xuất phát sự bất cẩn của lái xe và người ngồi trên xe ô tô.
Ngoài ra, đối với giao thông trên đường cao tốc, bên cạnh những quy định trước đây về ra và vào đường cao tốc, Luật còn đưa thêm quy định mang tính an toàn cao đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng bị sự cố phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, còn phải có trách nhiệm trong trường hợp không thể di chuyển phương tiện được, phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp và đặt biển hoặc đèn cảnh báo về phía sau xe khoảng cách tối thiểu 150 mét, nhanh chóng báo cho cơ quan Công an hoặc cơ quan quản lý đường cao tốc.
Luật cũng quy định về đấu giá biển số xe, đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của xã hội và của người dân; quản lý có hệ thống đối với người điều khiển phương tiện; cấp điểm của giấy phép lái xe; về tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển và giải quyết ùn tắc giao thông; trách nhiệm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc quản lý nguồn nguy hiểm gây tai nạn; ưu tiên ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quản lý, điều hành và bảo đảm TTATGT đường bộ; bỏ tư duy “xe to đền xe nhỏ”…