Người dân có quyền khiếu nại, khiếu kiện vụ “thu hồi sổ đỏ”
Ông Hải khẳng định, việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) thuộc trách nhiệm của UBND TP Hà Nội và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, việc thu hồi phải có những căn cứ pháp lý. Điều 106, Luật Đất đai 2013 có quy định các căn cứ pháp lý trong việc thu hồi như sau: Giấy chứng nhận cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích sử dụng được cấp, không đúng điều kiện được cấp… Tức là có căn cứ pháp lý đúng quy định của Luật Đất đai thì mới được thu hồi. Về thẩm quyền thu hồi, theo quy định của Điều 105, Luật Đất đai năm 2013, cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận thì cơ quan đó sẽ có thẩm quyền thu hồi lại giấy chứng nhận. Tuy nhiên, việc thu hồi phải đáp ứng được các quy định như đã nói ở trên.
“Cụ thể, vào trường hợp của dự án của Mường Thanh, chúng tôi cho rằng cần có sự phân biệt tách bạch giữa quyền sở hữu của người mua nhà và trách nhiệm pháp lý của người có hành vi vi phạm” - ông Hải nhấn mạnh.
Ông Hải giả thiết trong trường hợp chủ đầu tư dự án có sai phạm thì người dân mua nhà cũng không có sai phạm gì. Theo quy định của Bộ luật Dân sự thì trường hợp người mua nhà đất của ông chủ dự án có quyết định cho phép thực hiện dự án, bán nhà cho người dân, thì sau khi quyết định đó có vấn đề, bị sửa đổi, bổ sung cũng không ảnh hưởng gì tới quyền của người mua nhà đất đã được cấp giấy.
Về việc có gần 400 sổ đỏ tại các dự án của Tập đoàn Mường Thanh bị thu hồi, ông Hải cho biết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi chắc chắn phải có quyết định hành chính. Theo quy định hiện hành, nếu quyết định hành chính không đúng, người dân có thể khiếu nại, khiếu kiện.
Như vậy nếu thu hồi không đúng thì phải trả lại cho người dân, thậm chí có thể phải bồi thường trong trường hợp gây ra thiệt hại cho người dân.