Người dân được sử dụng những loại pháo hoa nào và mua ở đâu?

08:19 03/12/2020
Pháo hoa mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép sử dụng được hiểu là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi đốt chỉ gây ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ...

Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021, thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là những khái niệm về pháo hoa và pháo hoa nổ. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về những quy định của Nghị định, chúng tôi đã phỏng vấn Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an những vấn đề bạn đọc quan tâm liên quan đến Nghị định 137/CP.

Phóng viên: Thưa đồng chí, đề nghị đồng chí cho biết pháo hoa là gì, pháo hoa khác pháo hoa nổ ở điểm nào?

Thiếu tướng Tô Ân Xô: Khoản 1 Điều 3 Nghị định quy định cụ thể như sau: "Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ". Như vậy, pháo hoa mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép sử dụng theo quy định tại Điều 17 của Nghị định này được hiểu là: Sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi đốt chỉ gây ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ.

Nghị định nghiêm cấm hoàn toàn việc sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ (quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 137). Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ. Do đó, người dân cần có sự phân biệt rõ giữa pháo hoa với pháo hoa nổ, tránh vi phạm pháp luật.

Thiếu tương Tô Ân Xô.

Phóng viên: Thưa đồng chí, theo quy định của Nghị định 137/CP thì người dân được sử dụng pháo hoa vào dịp nào và mua pháo hoa ở đâu?

Thiếu tướng Tô Ân Xô: Theo quy định của Nghị định thì pháo hoa chỉ được sử dụng trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Pháo hoa mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép sử dụng theo quy định tại Điều 17 của Nghị định này được hiểu là: Sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi đốt chỉ gây ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ. Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng pháo hoa thì chỉ được mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng.

Phóng viên: Vậy những ai được phép sử dụng pháo hoa?

Thiếu tướng Tô Ân Xô: Điều 17 Nghị định quy định rõ: "Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa”. Năng lực hành vi dân sự đầy đủ của các đối tượng trên được quy định tại Bộ Luật Dân sự năm 2015.

Phóng viên: Đồng chí cho biết, các công ty, hộ gia đình, cá nhân có được kinh doanh pháo hoa hay không? Việc kinh doanh pháo hoa phải bảo đảm những điều kiện gì?

Thiếu tướng Tô Ân Xô: Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 137, chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường.

Kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh pháo hoa phải phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo quản, vận chuyển, phòng cháy và chữa cháy. Người quản lý, người phục vụ có liên quan đến kinh doanh pháo hoa phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn. Chỉ được kinh doanh pháo hoa bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.

Như vậy, các doanh nghiệp, tổ chức không thuộc Bộ Quốc phòng không được kinh doanh pháo hoa. Hộ gia đình, cá nhân cũng không được phép kinh doanh pháo hoa.

Phóng viên: Như vậy, tổ chức, doanh nghiệp nào được phép xuất – nhập khẩu pháo hoa?

Thiếu tướng Tô Ân Xô: Tại điểm a khoản 3 Điều 14 Nghị định 137 quy định: Chỉ có tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được phép nghiên cứu, sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa thì được phép xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, thuốc pháo hoa.

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 137 thì giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, thuốc pháo hoa do Bộ Công an cấp, cụ thể như sau: Doanh nghiệp được phép xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, thuốc pháo hoa lập hồ sơ đề nghị nộp tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Bộ Công an, trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an sẽ cấp giấy phép xuất nhập khẩu theo quy định.

Phóng viên: Vậy khi mua, vận chuyển pháo hoa để kinh doanh thì các tổ chức, doanh nghiệp có cần xin cấp giấy phép không, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Tô Ân Xô: Theo quy định tại Điều 16 Nghị định thì các tổ chức, doanh nghiệp khi mua pháo hoa để kinh doanh phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mua, vận chuyển pháo hoa để kinh doanh, nộp tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội sẽ cấp giấy phép mua, vận chuyển theo quy định.

Tại điểm c khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 16 quy định: Giấy phép mua pháo hoa để kinh doanh có thời hạn 30 ngày; giấy phép vận chuyển có thời hạn 7 ngày (giấy phép vận chuyển chỉ có giá trị cho một lượt vận chuyển).

Phóng viên: Đồng chí cho biết, các hành vi nào bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo?

Thiếu tướng Tô Ân Xô: Theo quy định tại Điều 5 Nghị định quy định cụ thể 9 hành vi bị nghiêm cấm, gồm: Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyến, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ. (Trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này).

Cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo. Mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

Ngoài ra còn cấm các hành vi: lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyên và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường. Chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tay xóa các loại giấy phép về pháo. Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định. Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức. Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin vê việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo, thuốc pháo.

Phóng viên: Đồng chí cho biết, việc quản lý, bảo quản pháo hoa, thuốc nổ, thuốc pháo phải bảo đảm điều kiện gì?

Thiếu tướng Tô Ân Xô: Việc quản lý, bảo quản các loại trên phải bảo đảm các điều kiện về ANTT, PCCC theo quy định.

Kho cất giữ, bảo quản phải có quy định, nội quy về PCCC, ANTT; có phương án bố trí lực lượng bảo vệ và tổ chức canh gác 24/24h, có biển cấm, biển báo, chỉ dẫn; có kế hoạch ứng cứu khẩn cấp, trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị về PCCC...

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

Phương Thuỷ (Thực hiện)

Sau 50 ngày được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai, bé gái 11 tuổi bị vùi lấp trong trận lũ quét kinh hoàng ở Làng Nủ (Phúc Khánh, Lào Cai) vào tháng 9 vừa qua đã hồi sinh kỳ diệu, được ra viện để tiếp tục học tập và đoàn tụ với gia đình. 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, miền Trung đang đối mặt với nguy cơ mưa cường suất lớn, gây ra lũ lớn trên báo động 3 ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ.

Sau đà tăng mạnh, giá vàng đã quay đầu giảm do áp lực chốt lời. Dù thế, các chuyên gia nhận định kim loại quý vẫn nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ để tăng giá.

Hiện nay, nhiều người tiêu dùng Việt Nam bị thu hút bởi các sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới nhờ mức giá rẻ và sự đa dạng về mẫu mã. Tuy nhiên, việc mua sắm trên các nền tảng chưa đăng ký và chưa được cơ quan nhà nước quản lý có thể dẫn đến rủi ro cho người tiêu dùng.

Viện KSND TP Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Văn Linh (SN 1986, cựu Trưởng nhóm ngân quỹ - kho quỹ tập trung, TPBank) về tội “Tham ô tài sản”. Lợi dụng sơ hở của Ban quản lý kho, Linh đã lấy 246 lượng vàng SJC trong két chứa vàng mua bán, giữ hộ cho vào túi nilon đen mang bán được 8,8 tỷ đồng.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ban hành kết luận đề nghị truy tố 17 bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Dự án Khu đô thị biển Phan Thiết (Bình Thuận). Trong đó, có bị can Lê Tiến Phương (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận).

Sáng 1/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) đã bắt tạm giam bị can Võ Nhật Thảo (SN 1998, trú tổ 4, phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi) về tội "giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi". Thảo được xác định đã quan hệ tình dục với hai chị em sinh đôi nhiều lần.

Euronews hôm 31/10 đưa tin, Ủy ban châu Âu (EC) đã mở cuộc điều tra đối với sàn thương mại trực tuyến Temu của Trung Quốc, 5 tháng sau khi đưa nền tảng này vào danh sách cần được giám sát chặt chẽ nhất theo Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số của khối.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文