Những quyền lợi khi tham gia nghĩa vụ quân sự không phải ai cũng biết
- Những trường hợp nào sẽ không còn được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự?
- Nâng thời hạn nghĩa vụ quân sự lên 24 tháng
Mặc dù thời gian trong quân ngũ kéo dài 24 tháng có thể lấy đi thời gian và một số cơ hội để phát triển bản thân trong độ tuổi thanh xuân xanh nhưng nhiều thanh niên trong đó có cả những người vừa tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, thậm chí cả nữ giới xung phong nhập ngũ.
Ảnh minh hoạ: Không hiếm những cô gái trẻ xung phong nhập ngũ. |
Khi tham gia nghĩa vụ quân sự, quyền lợi được quy định cụ thể tại Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, Nghị định 204/2004/NĐ-CP, Nghị định 27/2016/NĐ-CP.
Theo đó, trong thời gian tại ngũ:
* Được nghỉ phép hàng năm
- Hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 13 trở đi nghỉ phép hàng năm; thời gian nghỉ là 10 ngày (không kể ngày đi và về).
- Hạ sĩ quan, binh sĩ đã nghỉ phép năm theo chế độ, nếu gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn nặng hoặc người thân từ trần, mất tích hoặc hạ sĩ quan, binh sĩ lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ thì được nghỉ phép đặc biệt, thời gian không quá 05 ngày (không kể ngày đi và về).
- Được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành.
* Không mất phí chuyển bưu phẩm, tiền: Miễn tiền cước khi chuyển tiền, bưu phẩm, bưu kiện; được cấp 04 tem thư/tháng.
* Khi tham gia tuyển sinh được cộng điểm ưu tiên.
* Trước khi nhập ngũ là thành viên hộ nghèo, học sinh, sinh viên nếu vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội thì được tạm hoãn trả và không tính lãi suất trong thời gian tại ngũ.
Chế độ đối với thân nhân
- Nhà ở gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến sập, hư hỏng: Trợ cấp 03 triệu đồng/suất/lần.
- Thân nhân bị ốm đau từ 01 tháng trở lên hoặc điều trị 01 lần tại bệnh viện từ 07 ngày trở lên: Trợ cấp 500.000 đồng/thân nhân/lần.
- Thân nhân từ trần, mất tích: Trợ cấp 02 triệu đồng/người.
- Con đẻ, con nuôi hợp pháp: Được miễn, giảm học phí.
- Cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng sẽ được ngân sách nhà nước đảm bảo tham gia BHYT.
Được hưởng phụ cấp hàng tháng:
Phụ cấp quân hàm hiện được thực hiện theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP. Cụ thể, được tính theo hệ số nhân với mức lương cơ sở. Hiện nay, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng. Do đó, mức phụ cấp cụ thể như sau:
- Binh nhì có hệ số phụ cấp là 0,4 => hưởng mức phụ cấp 596.000 đồng/tháng
- Binh nhất có hệ số phụ cấp là 0,45 => hưởng mức phụ cấp 670.500 đồng/tháng
- Hạ sĩ có hệ số phụ cấp là 0,5 => hưởng mức phụ cấp 745.000 đồng/tháng
- Trung sĩ có hệ số phụ cấp là 0,6 => hưởng mức phụ cấp 894.000 đồng/tháng
- Thượng sĩ có hệ số phụ cấp là 0,7 => hưởng mức phụ cấp 1.043.000 đồng/tháng.
Khi người tham gia nghĩa vụ quân sự xuất ngũ:
Được nhận các khoản trợ cấp
- Trợ cấp xuất ngũ một lần: Cứ mỗi năm phục vụ trong Quân đội, hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ được trợ cấp bằng 02 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm xuất ngũ.
Phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 25 đến dưới 30 tháng được trợ cấp thêm 01 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng; Phục vụ tại ngũ đủ 30 tháng được trợ cấp thêm 02 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng.
- Trợ cấp tạo việc làm: Mức trợ cấp bằng 06 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm xuất ngũ.
- Khi xuất ngũ, được đơn vị tiễn và đưa về địa phương nơi cư trú hoặc được cấp tiền tàu, xe và phụ cấp đi đường.
Được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm
Hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự, sau khi xuất ngũ:
- Được tiếp nhận vào học tiếp tại các trường mà trước khi nhập ngũ đang học hoặc có giấy gọi.
- Nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện thì được hỗ trợ đào tạo nghề.
- Được tiếp nhận vào làm việc, bố trí việc làm tại nơi trước khi nhập ngũ đang làm. Được đảm bảo thu nhập, tiền lương, tiền công…
- Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ khi về địa phương được ưu tiên sắp xếp việc làm và cộng điểm trong tuyển sinh, tuyển dụng công chức, viên chức; Trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo.