“BRT đi bộ” dành cho học sinh - lộ bất cập
Ý tưởng “Làn đường ưu tiên cho người đi bộ” bắt nguồn từ nhóm tình nguyện Sống Xanh thuộc phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân. Nhóm tình nguyện Sống Xanh cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe (HealthBridge) và Hội Kiến trúc sư Hà Nội đã triển khai thực hiện từ giữa tháng 5.
Lối đi ưu tiên được gọi vui là “BRT đi bộ” dài khoảng 100m, chạy qua 3 lối ngõ; chiều rộng chừng 80cm, phủ màu sơn xanh, bên ngoài và những đoạn giao nhau sử dụng màu vàng cho người tham gia giao thông nhận biết làn đường. Ở mỗi đoạn giao ngõ đều có biển báo màu xanh, kích cỡ lớn, khuyến nghị các phương tiện nhường đường cho các em học sinh và người dân đi bộ.
Theo các em học sinh, việc đi lại không khác biệt nhiều so với trước. |
Mới triển khai nhưng ý tưởng lối đi ưu tiên dành cho các em học sinh và người đi bộ nhận được nhiều sự đồng tình bởi tính sáng tạo và nhân văn. Bên cạnh đó, theo phản ánh của người dân, trước khi có các vạch sơn ở các đoạn rẽ thì nhiều phương tiện không để ý lối giao cắt nên đi từ trong ngõ ra rất nhanh rồi va chạm gây tai nạn. Hiện tại nhờ “những vạch xanh vàng” mà tình trạng đi nhanh gây nguy hiểm đã giảm.
Tuy nhiên, theo phản hồi từ những người dân ở chính khu vực đang triển khai thí điểm thì ý tưởng này cho thấy cần thêm thời gian hoàn thiện trước khi có thể mở rộng. “Trên thực tế, sau khi kẻ, vẽ hoàn thiện thời gian từ giữa tháng 5 thì chỉ sau có gần một tuần, các lớp sơn màu đã bong rất nhiều. Nguyên nhân do lượng phương tiện di chuyển qua đây rất đông và cũng bởi mưa xuống làm sơn trôi màu. Chắc chỉ khoảng vài tuần thôi là lại phải quét một lớp mới”, anh Hoàng Bình, chủ cửa hàng tạp hóa nằm trên tuyến đường thử nghiệm hình thức vạch đi ưu tiên này cho biết.
Cũng theo anh Bình, từ khi triển khai lối đi ưu tiên tới nay, sự khác biệt với trước là không nhiều bởi đường đi quá hẹp, mà vạch sơn đã ra tới gần một nửa nên xe và người vẫn phải tránh nhau.
Một điểm “chưa ổn” nữa mà người dân ở ngõ 342 Khương Đình cho biết, đó là lối đi ưu tiên này chỉ nằm một bên đường. Như vậy có nghĩa là các em học sinh sẽ luôn đi trái đường nếu đi từ phía đường Khương Đình cạnh sông Tô Lịch trở vào. Bởi thế, dù ý tưởng dành riêng làn đường cho học sinh đi bộ được coi là sáng tạo nhưng vẫn cần có thời gian thử nghiệm để đánh giá có nên tiếp tục thực hiện hay không.