"Bắt bài" tài xế “phê” ma tuý bằng chứng cứ khoa học
Những vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên hoàn, nghiêm trọng gần đây liên quan tới tài xế "phê" ma tuý đã và đang khiến người dân bức xúc. Cơ quan chức năng tìm các giải pháp để xử lý triệt để nhất, song đã có những trường hợp sau khi thử nước tiểu nhưng tài xế vẫn không thừa nhận dù kết quả dương tính với chất ma tuý. Để 1àm lộ chân tướng những con "ma" ngồi sau vô lăng, PV Báo CAND đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi về chuyên môn với một số bác sĩ chuyên khoa Tâm thần kinh tại Bệnh viện (BV) Tâm thần TP. Hồ Chí Minh.
Từ cuối năm 2018 tới nay với nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng gây rúng động xã hội đã xảy ra liên quan tới việc tài xế "phê" ma túy. Việc thực hiện kiểm tra gắt gao tài xế vẫn đang được thực thi hàng ngày. Vừa qua, Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị chức năng công khai danh sách tài xế sử dụng ma túy và cập nhật thông tin lên mạng điện tử của Tổng Cục đường bộ Việt Nam để tránh tình trạng tài xế khi bị phát hiện và xử phạt ở công ty này thì nghỉ việc chuyển sang công ty khác làm việc.
Được biết, trong cuộc kiểm tra mới nhất tại TP.Hồ Chí Minh vào ngày 27-1-2018, CSGT - Công an TP phối hợp với Công an quận 2, 7, 9, kiểm tra các lái xe đầu kéo container ra vào các cảng VICT, Cát Lái, Long Bình và phát hiện 4 lái xe dương tính với ma túy. Tuy có kết quả dương tính với ma túy nhưng các tài xế đều phủ nhận việc sử dụng chất cấm, cho rằng bị ốm nên uống thuốc ho và thuốc hạ sốt, chứ không hề dùng ma túy.
CSGT kiểm tra tài xế ở cảng Cát Lái ngày 27-1. |
Khi được đặt vấn đề trao đổi liên quan tới các vụ TNGT nghiêm trọng mà nguyên nhân do tài xế phê ma tuý xảy ra gần đây, bác sĩ (BS) Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng khoa T3 - Bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh - Cơ sở Lê Minh Xuân kể: "Có dịp cùng làm việc với lực lượng chức năng như các trung tâm cai nghiện, sở LĐTB&XH, các khoa tâm thần của bệnh viện (BV), đặc biệt là trực tiếp được mời làm việc với Công an khi làm nhiệm vụ trấn áp tội phạm, chúng tôi đã từng phải dùng kiến thức khoa học để "bắt bài" nhiều đối tượng tìm cách che giấu hành vi sử dụng ma tuý.
Tình huống mà chúng tôi thường gặp, người được yêu cầu giám định rút trong túi áo ra một vỉ thuốc Tây với vài viên uống dở. Đó có thể là vỉ thuốc cảm, thuốc ho, thuốc an thần... để phản đối kết quả dương tính mà cơ quan chức năng đưa ra. Lý do là họ đang uống thuốc điều trị bệnh chứ không phải sử dụng ma tuý.
Cũng theo BS Thanh Hiển, hiện ta tập trung xét nghiệm hai loại ma tuý mà các tài xế sử dụng là: Heroin và đá (Methphetamine). Heroin thường bị trùng lắp kết quả dương tính với test nhanh khi người được giám định uống chung một số thuốc cảm. Do đó, ngược lại, nếu người nghi vấn được kiểm tra mà nói rằng, do họ uống thuốc cảm (đưa ra vỉ thuốc - có tên loại thuốc); nên ra kết quả dương tính (trong xét nghiệm dương tính với ma tuý đá) thì đã "lòi" ra chuyện "xạo", lừa dối cơ quan chức năng.
Trường hợp trùng kết quả dương tính (xét nghiệm tìm ma tuý đá) cũng có khi được "che mắt" bằng cách dùng chung với một số loại thuốc ho, cảm khác.
Theo các bác sĩ, với heroin thì rất đơn giản. Nếu người nghiện heroin thì bắt buộc họ phải sử dụng (nạp thêm) thường xuyên sau mỗi 6 -10 giờ vì nếu không muốn cơ thể khổ sở do lên cơn hội chứng cai. Nhu cầu của cơ thể khi thèm thuốc thì buộc người chơi phải đi chích heroin 6 tiếng/lần. Nhiều trường hợp khi được đưa tới chúng tôi thực hiện giám định, đã viện cớ uống thuốc cảm. Chúng tôi tiếp nhận vỉ thuốc cảm do họ đưa nhưng yêu cầu "bệnh nhân" phải chấp nhận việc cách ly tuyệt đối. Giám sát thật chặt, không cho bất cứ ai được tới gần người đang được giám sát. Kết quả chính xác 100%. Đó là thường tới giờ thứ 6, xuất hiện ngay triệu chứng "hội chứng cai". Dù bệnh nhân tìm cách giấu "cỡ nào" cũng không được; với dấu hiệu đặc trưng như: nổi da gà, da xanh mét, sùi bọt mép...
Việc chứng minh người sử dụng ma tuý đá thì có khó hơn. Do người dùng ma tuý đá không có hội chứng cai như là heroin khi thuốc hết tác dụng. Tuy nhiên ta cũng có một cách thử: Trên que thử test nhanh (nước tiểu). Nếu một người sử dụng "chối tội" nói, do ốm dùng thuốc cảm thì cũng có một khoảng thời gian tối đa là... ngày, do uống thuốc tây thải ra theo đường nước tiểu, mồ hôi, kết quả xét nghiệm sẽ phải âm tính. Sau đó chúng ta tiến hành "tái" làm phép thử một cách ngẫu nhiên. Nếu kết quả test này cho dương tính với ma tuý đá thì kết quả chính xác 100%.
Cũng theo BS Huỳnh Thanh Hiển, ứng dụng kỹ thuật thử máu tìm ma tuý, chất kích thích... là kết quả chuẩn xác 100% nhưng chi phí quá lớn mà hiện nay Viện KHKT Hình sự - Bộ Công an có áp dụng trong xác lập chứng cứ liên quan tới việc nghi vấn sử dụng ma tuý. Trên hệ thống xét nghiệm này có ứng dụng hệ thống máy quang phổ kế, máy "so màu" trị giá cả triệu USD, kết quả mang lại chính xác 100% trên từng loại ma tuý mà người được giám định dùng.