Bất cập xử lý xe quá tải trên quốc lộ 37

08:22 06/06/2015
Những chiếc xe container, xe đầu kéo rầm rập chở hàng cày nát quốc lộ 37, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Giang. Chiếc cầu đường sắt qua xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam oằn mình dưới những bánh xe hạng nặng. Trong khi đó, tại đầu cầu Cẩm Lý vẫn có một trạm cân của lực lượng liên ngành. Lực lượng chức năng có kiểm soát, nhưng sao xe trọng tải lớn vẫn tung hoành? Người dân trên địa bàn xã có tuyến quốc lộ 37 chạy qua đã bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng trên.

Người dân bức xúc

Phản ánh tới phóng viên Báo CAND, một người dân xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam cho biết: “Quốc lộ 37 rất nhỏ, chỉ rộng vỏn vẹn 5m bề mặt, đi qua nhiều khu đông dân cư. Trên tuyến lại có nhiều cầu yếu như cầu đường sắt Cẩm Lý tại Km9+100, cầu Sen tại Km30. Ở hai đầu tuyến, cơ quan quản lý giao thông đều đã cắm biển hạn chế rất rõ tải trọng của đường cầu. Trên tuyến lúc nào cũng có lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) và Thanh tra giao thông, thế nhưng xe tải hạng nặng, xe container vẫn ngày đêm qua đây, tệ nhất là đoạn qua xã Cẩm Lý và thị trấn Kép. Đặc biệt, từ khi trạm cân tải trọng đặt tại xã Bắc Lũng, Lục Nam được gỡ bỏ thì tình trạng xe quá tải lại càng nghiêm trọng”.

Lực lượng CSGT, Công an huyện Lục Nam kiểm tra xe container trên quốc lộ 37.

Quốc lộ (QL) 37 thuộc địa phận huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang dài khoảng 30km, nhưng chất lượng con đường rất thấp. Đi dọc tuyến, chúng tôi bắt gặp nhiều “ổ gà, ổ voi”, biểu hiện của con đường đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đây là tuyến đường nối QL1A và QL18 (từ thị trấn Kép, huyện Lạng Giang đến thị trấn Sao Đỏ, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Nếu đi tắt lối này, các phương tiện từ Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh đi lên biên giới Lạng Sơn và ngược lại sẽ rút ngắn được quãng đường khoảng 20km so với hành trình đi QL18 qua Bắc Ninh, ra QL1. Đồng thời, chọn lối đi tắt, các xe sẽ bớt được một khoản phí đường bộ.

Tại cây cầu hỗn hợp đường sắt – đường bộ Cẩm Lý, chúng tôi chứng kiến nhiều xe tải trọng lớn liên tục đi qua. Chốt quản lý cầu của Công ty Quản lý đường sắt Hà Lạng đặt tại đầu cầu. Các nhân viên quản lý ở đây cho biết, xe container, xe rơ moóc Quảng Ninh, Hải Phòng đi qua kéo bột sắn, xi măng khoảng 200 lượt xe mỗi ngày. Ông Tạ Thanh Long, Cung trưởng phụ trách cung cầu Cẩm Lý cho biết, xe tải trọng lớn đi qua đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cây cầu, phá bề mặt tấm đan đường bộ rất nhanh, cứ 2-3 tháng lại phải thi công trực tiếp thay tấm đan đường bộ một lần. Bu lông đường sắt cũng bị đứt nhiều, đơn vị thường xuyên phải lập kế hoạch xin đột xuất thay thế bu lông.

Biển báo bất cập

Biển báo giao thông hạn chế trọng tải qua cầu thể hiện tải trọng trên mỗi trục xe cho phép 9 tấn. Tuy nhiên, nhiều người dân không hiểu biển báo đã cho rằng cầu chỉ cho phép tối đa xe 9 tấn đi qua nên càng tỏ ra bức xúc với những xe siêu trường siêu trọng.

Ông Nguyễn Bá Luyến, Đội trưởng Đội Thanh tra số 4 (quản lý địa bàn huyện Lạng Giang và Lục Nam), Sở Giao thông vận tải Bắc Giang cho biết, quân số của lực lượng liên ngành và trạm cân luôn đảm bảo để kiểm soát trọng tải xe lưu hành trên QL 37. Tuy nhiên, qua kiểm tra thì hầu hết các xe chở hàng tuyến Quảng Ninh, Hải Phòng – Lạng Sơn qua đây đều không quá tải trọng, trừ các xe chở đất đá, vật liệu xây dựng.

Nói về việc người dân phản ánh xe quá tải nhưng cơ quan chức năng bảo không quá tải, Trung úy Đỗ Văn Chuân, Đội phó Đội CSGT Công an huyện Lục Nam tại trạm cân trọng tải trên QL37 cho biết, sự bất cập ở đây chính là biển báo hạn chế trọng tải cắm ở đầu cầu Cẩm Lý. Biển báo cho phép 9 tấn trên một trục xe. Đối với những xe có nhiều trục, ví dụ như 5 trục xe thì trọng tải cho phép lên tới 45 tấn.

Đồng thời, theo quy định, xe đầu kéo rơ moóc, xe container trọng tải không quá 10% so với quy định. Vậy nên phần lớn xe qua đây khi kiểm tra trọng tải đều không bị quá tải, hoặc nếu có quá tải thì ở mức độ thấp, xử phạt không nhiều, chỉ 900.000đ. Trong khi đó, từ ngày 15/4, Bộ GTVT đã tạm dừng phạt quá tải trọng trục mà phạt tổng trọng tải xe.

Tuy nhiên, biển báo cân trọng trục vẫn cắm ở đầu cầu Cẩm Lý khiến cơ quan chức năng không thể xử phạt được theo quy định. Trước đây trên QL 37, lực lượng liên ngành tỉnh Bắc Giang tổ chức trạm cân lưu động, bắt đầu từ ngày 1/4 lập trạm cân cố định cách cầu Cẩm Lý chừng 1 cây số thì lượng xe vi phạm cũng giảm đi nhiều. Từ đó đến nay, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý khoảng 150 trường hợp quá tải với mức phạt thấp, không có trường hợp tước giấy phép lái xe.

Giữa cái nóng hầm hập ngày cuối tháng 5, trạm cân trọng tải xe lưu động vẫn duy trì đầy đủ cán bộ, chiến sỹ Đội CSGT thuộc Công an huyện Lục Nam cùng lực lượng Thanh tra giao thông cắm chốt. Bất kỳ xe tải cỡ lớn, xe container nghi ngờ quá tải đi qua đều được dừng lại cân trọng tải. Tuy nhiên, theo mức quy định trên biển báo ở đầu cầu Cẩm Lý, chẳng xe nào quá tải trọng.

Trước thực tế cầu yếu, đường yếu, ngành Giao thông vận tải cần thay đổi biển báo hạn chế tải trọng xe để lực lượng CSGT có cơ chế xử lý vi phạm, bảo vệ cơ sở hạ tầng giao thông, đồng thời tránh gây hiểu lầm của người dân đối với lực lượng thi hành nhiệm vụ trên tuyến đường này.

Từ ngày 1/6 đến hết ngày 30/6, tỉnh Bắc Giang mở cao điểm kiểm soát xe quá khổ, quá tải trên địa bàn tỉnh, tiếp tục chấn chỉnh và xử lý triệt để phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng cho phép. Trạm kiểm tra xe tải trọng xe lưu động duy trì hoạt động đảm bảo 24/24h liên tục các ngày trong tuần, chủ động phối hợp với lực lượng CSGT tuần tra kiểm soát trên tuyến, tổ chức ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các trường hợp vượt trạm, tránh trạm…
Việt Hà - Nguyễn Hương

Từ kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh cho thấy, nhiều đơn vị được giao quản lý tài sản công ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh xem tài sản nhà nước như của riêng mình. Tự tiện cho thuê khi chưa có đề án và cũng tự tiện sử dụng tiền cho thuê tài sản như thể của riêng đơn vị mình...

Bệnh sởi đã có vaccine phòng ngừa và mấy năm qua chỉ rải rác người mắc. Nhưng năm 2024, bệnh sởi bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước, chuyển hướng mắc nhiều ở nhóm trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng và người lớn. Nhiều người lớn chủ quan không nghĩ mình mắc sởi, đến khi nặng mới nhập viện. 

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan "tín dụng đen", với sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đấu tranh, xử lý quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" đã có những chuyển biến rõ rệt so với trước khi ban hành chỉ thị.

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文