Bát nháo thị trường xe điện, nguy cơ tai nạn hiện hữu

06:25 10/09/2020
Những năm gần đây, số lượng xe đạp điện, xe máy điện lưu thông ngày càng nhiều, trong đó đối tượng sử dụng là học sinh trung học phổ thông (THPT) chiếm phần lớn. Tuy nhiên, việc sử dụng xe đạp điện một cách "bất cần luật", thậm chí lưu hành xe kém chất lượng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT).


Vào đầu năm học mới, chị Thu Hương muốn mua cho cậu con trai học lớp 10 chiếc xe đạp điện để tiện đi học. Thế nhưng, khi ghé một số cửa hàng trên phố Bà Triệu, phố Huế, Tây Sơn (Hà Nội)… chị như lạc vào “mê hồn trận” các loại xe đạp điện. Chị khó phân biệt được đâu là xe Việt Nam, đâu là xe Trung Quốc. Giá cả cũng trên trời như dòng xe điện M133 Sport được bán với giá 7,3 triệu đồng/chiếc, xe đạp điện Juno Yadea bán với giá 9,8 triệu đồng/chiếc; dòng xe đạp điện Ninja của Nhật được bán với giá từ 9 - 11 triệu đồng/chiếc; xe đạp điện Samurai DK được bán với giá từ 7 - 10 triệu đồng/chiếc...

Thị trường xe điện đa dạng khiến người mua khó kiểm soát chất lượng.

Dù người bán nói là xe Việt Nam sản xuất song chị Hương thấy khá bất an vì ngoài lốp xe có in chữ made in Viet Nam, không ít bộ phận khác là made in China, có bộ phận thì ghi là Nhật Bản… Phần quan trọng nữa của xe điện là ắc quy thì dường như người mua khó lòng kiểm tra được. Chị Thu Hương chia sẻ: “Nếu không tìm hiểu kỹ, trong trường hợp chỉ nhìn mẫu mã bên ngoài, ham rẻ mà  mua xe không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng không đảm bảo thì hoá ra lại mang nguy hiểm đặt vào con mình”.

Trên thực tế, nỗi lo bỏ tiền thật mua xe kém chất lượng của chị Hương không phải là không có cơ sở. Theo quy định, dù xe nhập khẩu nguyên chiếc hay xe sản xuất, lắp ráp trong nước phải có dán tem hợp quy TCVN do Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm định cấp và được dán cho từng xe tại vị trí trên khung bên phải, nhưng khi chúng tôi khảo sát tại nhiều cửa hàng bán xe điện trên thị trường Hà Nội thì không có nhiều xe có tem hợp quy dán theo quy định.

Khi mua xe điện, thứ duy nhất khách hàng được nhận là phiếu mua hàng và một quyển sổ bảo hành xe do cửa hàng cung cấp. Gần đây, Bộ Công Thương đã phải trao đổi với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho mặt hàng xe đạp điện, trong đó đặc biệt lưu ý tới khả năng xuất hiện hành vi làm giả xuất xứ Việt Nam.

Việc lượng xuất khẩu xe đạp điện từ Việt Nam sang EU tăng nhanh, trùng với thời điểm EC điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc có thể dẫn đến nguy cơ EC tiến hành điều tra lẩn tránh thuế đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, gây ảnh hưởng liên đới tới các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính.

Trước đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đưa ra nhận định, bản chất của xe đạp điện là phương tiện có gắn động cơ và đã xảy ra nhiều vụ TNGT liên quan đến phương tiện này. Nếu như phần lớn học sinh ở độ tuổi 15 trở xuống thường sử dụng các phương tiện phi cơ giới như xe đạp hay đi bộ tới trường, thì học sinh THPT (nhóm lứa tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên theo quy định) lại lựa chọn xe đạp điện và xe máy điện.

Chính vì sự thay đổi từ đi bộ, xe đạp (tốc độ thấp) sang sử dụng xe đạp điện, xe máy điện, loại phương tiện có vận tốc tương đối lớn đã khiến nhiều học sinh THPT trở thành nạn nhân các vụ TNGT, bởi các em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức giao thông và chưa được học về kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn, đúng cách. Bên cạnh đó, số lượng phương tiện này ngày càng gia tăng khó kiểm soát.

Ngoài con số khoảng 700.000 xe điện (từ 2008-2020) đã được cấp chứng nhận hợp tiêu chuẩn, được phép bán ra thị trường và lưu thông, hầu hết được sản xuất, lắp ráp trong nước, thì thực tế trên thị trường, lượng xe đạp điện bán ra lớn hơn nhiều lần, do vẫn đang tồn tại hoạt động sản xuất, lắp ráp chui hoặc nhập lậu.

Theo các chuyên gia, những sản phẩm xe điện nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và chứng nhận chất lượng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây nguy hiểm và thiệt thòi lớn nhất vẫn là người tiêu dùng. Khi sản phẩm gặp vấn đề, người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với nhiều rắc rối, thậm chí là cháy nổ, mất an toàn giao thông, nguy hiểm đến tính mạng mà không biết kêu ai, ai chịu trách nhiệm.

Chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay, số liệu thống kê trong một số nghiên cứu độc lập cho thấy, có tới 80-90% TNGT nghiêm trọng liên quan tới trẻ em là rơi vào nhóm học sinh THPT. Lý do là các em điều khiển phương tiện trong điều kiện giao thông phức tạp như người lớn, nhưng lại thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết.

Bởi vậy cần tăng cường tổng thể các giải pháp: Nâng cao giáo dục ATGT trong nhà trường và trong gia đình, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và tính năng an toàn của xe đạp điện, xe máy điện, đồng thời trang bị kiến thức kỹ năng cơ bản cho các em thông qua cấp GPLX để các em có thể đi lại an toàn.

Cũng theo Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, ATGTcó liên hệ trực tiếp tới 5 trụ cột mà Liên hợp quốc đã xác định rõ ràng trong đó phương tiện luôn là một trong những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp. Đối với nhóm học sinh sinh viên, phương tiện lại càng có ý nghĩa quan trọng, do nhóm học sinh thuộc nhóm người chưa trưởng thành, kiến thức kỹ năng lái xe còn hạn chế, bởi vậy các tính năng an toàn của phương tiện với nhóm này phải cao hơn.

Bên cạnh đó, hiện TNGT với xe đạp điện, xe máy điện đang diễn biến phức tạp, một phần do thị trường xe điện hiện nay phát triển mạnh trong khi công tác quản lý còn lỏng lẻo, trong nhiều trường hợp thiết kế công suất động cơ bị can thiệp dẫn tới xe có thể vận hành ở tốc độ khá cao, tiềm ẩn rủi ro như xe cơ giới.

Đã có nhiều vụ TNGT với trẻ em rất thương tâm diễn ra với loại phương tiện này, do đó nhóm phương tiện này cũng cần phải siết chặt quản lý tương tự như xe máy có dung tích dưới 50cc. “Lời khuyên là các bậc phụ huynh cần đặc biệt quan tâm tới chất lượng, chọn những loại sản phẩm có nguồn gốc và thông tin rõ ràng. Ngoài ra, các cơ quan quản lý thị trường cần vào cuộc quyết liệt hơn để xử lý các loại xe máy điện, xe đạp điện không rõ nguồn gốc, xe nhái, xe giả...”, ông Nguyễn Hữu Minh nhấn mạnh.

Đặng Nhật

Trung Quốc ngày 3/5 đã phóng một tàu vũ trụ không người lái thực hiện sứ mệnh kéo dài gần hai tháng nhằm lấy đá và đất từ phía xa của Mặt Trăng, trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện nỗ lực đầy tham vọng này.

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc ngày 3/5 với Công an tỉnh Điện Biên và các đơn vị chức năng của Bộ Công an để đánh giá, rút kinh nghiệm chương trình sơ duyệt khối diễu binh, diễu hành của lực lượng CAND tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sáng 3/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Danh Út Hiểu (SN 1985, ngụ phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá) và Đặng Hoàng Lâm (SN 1987, ngụ phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá) cùng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”, Hằng đã đưa hối lộ hơn 1,1 tỷ đồng và chi hơn 12 tỷ đồng để nhờ người xin cấp phép “Chuyến bay giải cứu” và bị tuyên phạt 20 tháng tù về tội "Đưa hối lộ". Trong vụ án mới đây, Hằng đã lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản là 4 xe ô tô trị giá hơn 1,8 tỷ đồng.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, dự kiến sẽ đồng loạt triển khai thu phí không dừng từ ngày 5/5 tại 5 sân bay lớn gồm Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.

Ngày 3/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Phú (SN 1996, trú xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn) để tiếp tục điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文