Cân nhắc kỹ khi vay 300 triệu USD cho Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

09:19 18/05/2017
Sau khi UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao các bộ tham mưu để vay 300 triệu USD từ Trung Quốc để làm đường cao tốc từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng), mới đây, cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Bộ Giao thông vận tải đã có ý kiến chính thức.

Cần cân nhắc kỹ khả năng trả nợ

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, nguồn vốn ngân sách Nhà nước phân bổ cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu. Trong số này, vốn sẽ được ưu tiên thanh toán số nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi một phần vốn ứng trước theo quy định; bố trí một phần vốn đối ứng tối thiểu cho các dự án sử dụng vốn ODA theo hiệp định đã được ký kết; số dự kiến còn lại chỉ có thể bố trí một phần cho một số dự án cấp bách chuyển tiếp, dở dang. Do đó, sẽ không còn nguồn để bố trí hoặc ứng trước cho việc chuẩn bị đầu tư dự án này.

Đối với khoản tín dụng bên mua trị giá 300 triệu USD của Trung Quốc mà Cao Bằng đề xuất sử dụng để đầu tư Dự án, theo Bộ KHĐT đây không phải là vốn ODA, mà là khoản vay ưu đãi có điều kiện ràng buộc, ưu tiên sử dụng để thực hiện các dự án có khả năng thu hồi vốn và thực hiện theo cơ chế vay lại một phần hoặc toàn bộ khoản vay.

Bên cạnh đó, ngoài khoản tín dụng 300 triệu USD nêu trên, hiện chưa có nhà tài trợ nào khác quan tâm tài trợ cho dự án, trong khi tổng mức đầu tư dự kiến cho giai đoạn xây dựng 2 làn xe lên tới 825 triệu USD. Chính vì vậy, trong trường hợp Bộ GTVT hoặc tỉnh Cao Bằng vẫn có nhu cầu sử dụng khoản tín dụng nêu trên cho Dự án cần cân nhắc kỹ điều kiện vay, khả năng vay lại và khả năng trả nợ.

Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Bộ GTVT từ chối làm chủ đầu tư

Trước đó, UBND tỉnh Cao Bằng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT sớm trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào quy hoạch phát triển đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và điều chỉnh thời gian thực hiện đầu tư tuyến đường sang giai đoạn 2017 – 2020.

UBND tỉnh Cao Bằng cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ GTVT (hoặc giao UBND tỉnh Cao Bằng) làm chủ đầu tư; đồng thời ứng trước nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để khẩn trương lập hồ sơ đầu tư đầu tư dự án. Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng muốn Thủ tướng chỉ đạo Bộ KHĐT sớm tham mưu cho Chính phủ về nguồn vốn bố trí cho Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, trước mắt là khoản vay 300 triệu USD của Trung Quốc; chỉ đạo Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ đàm phán với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để đạt được thỏa thuận vay 300 triệu USD nêu trên để xây dựng tuyến đường.

Tuy nhiên, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, Bộ GTVT cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Cao Bằng và UBND tỉnh Lạng Sơn chủ trì vay lại khoản vay 300 triệu USD của Trung Quốc để đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Lý do Bộ GTVT đưa ra đề xuất này là theo điều 63, Luật Quản lý nợ công, Bộ GTVT không phải là đối tượng được vay lại.

Bên cạnh đó, hai đơn vị chủ lực trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng thuộc Bộ GTVT là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) không đủ năng lực tiếp tục vay lại; Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng Cửu Long (CIPM) chưa có khả năng vay lại nếu Nhà nước không có cơ chế hỗ trợ phù hợp (hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay...). 

Liên quan đến việc bổ sung tuyến Bắc Kạn – Cao Bằng vào quy hoạch và điều chỉnh thời gian thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Bộ GTVT cho biết là đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát điều chỉnh quy mô tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, đồng thời nghiên cứu bổ sung tuyến cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng vào quy hoạch và điều chỉnh tiến độ tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh để phù hợp với nhu cầu vận tải, khả năng huy động nguồn lực.

Được biết, tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh dài 144km, quy mô 4 làn xe, kinh phí đầu tư khoảng 47.520 tỷ đồng (tương đương 2,16 tỷ USD) từng được lên kế hoạch xây dựng sau năm 2030.

Theo UBND tỉnh Cao Bằng, tỉnh này đã lập Đề án kết nối giao thông và tăng cường vận tải hàng hóa hai chiều theo trục đường Trùng Khánh – Quý Châu – Bách Sắc (Quảng Tây, Trung Quốc) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – theo đường biển đến các nước ASEAN và kiến nghị Chính phủ cho thực hiện trong giai đoạn 2017 – 2020.

Đặng Nhật

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, qua xác minh, chưa có cơ sở xác định người phụ nữ bán hàng rong trên phố cổ “chặt chém” du khách nước ngoài với việc bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng (như mạng xã hội và báo chí phản ánh mấy ngày qua), tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính 150 nghìn đồng đối với người này về hành vi bán hàng rong không đúng quy định. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文