Còn nhiều vướng mắc về thẩm quyền kê khai giá cước vận tải
- Giá xăng tăng, giá cước vận tải dịp 30-4 có “ăn theo”?
- Giá xăng giảm 4 lần nhưng cước vận tải vẫn giữ nguyên, vì sao?
- Hà Nội yêu cầu Uber, Grab công khai giá cước vận tải
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về xây dựng Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 152/2014 giữa Bộ GTVT và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ôtô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Tuy nhiên, thực tế đến thời điểm này, chưa thể xác định rõ ràng việc thực hiện giá cước vận tải xe ôtô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT hay Bộ Tài chính.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết, theo Nghị định 149 một số nội dung giá dịch vụ thuộc Bộ chuyên ngành thì các Bộ chuyên ngành hướng dẫn, còn giá chung tác động toàn xã hội do Bộ Tài chính hướng dẫn.
Việc kê khai giá cước vận tải cần rõ ràng và minh bạch để đảm bảo quyền lợi người dân. |
Sau đó, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 233/2016 và Bộ GTVT đã chỉ đạo các Sở GTVT thực hiện theo Nghị định và Thông tư này. Cũng theo ông Ngọc, Thông tư 233 quy định cách thức thực hiện kê khai giá đối với cước vận tải tuyến cố định, xe buýt, xe taxi theo hướng dẫn của Bộ GTVT. Tuy nhiên, Nghị định 149 không có nội dung giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT xây dựng Thông tư liên tịch 152. Đây là điểm gây khó khăn cho Bộ GTVT trong quá trình xây dựng.
“Hiện có hai luồng ý kiến khác nhau về thẩm quyền, ý kiến đồng tình cho rằng, thẩm quyền Bộ GTVT ban hành Thông tư là phù hợp và ý kiến khác cho rằng chưa đủ cơ sở pháp lý”, ông Ngọc cho biết.
Trái với ý kiến của ông Ngọc, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng, trong Thông tư 233 của Bộ Tài chính đã có quy định đầy đủ về kê khai giá tất cả các lĩnh vực và quy định cả thẩm quyền cho Sở GTVT. Như vậy, vấn đề kê khai giá thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính. Việc ban hành kê khai giá theo dự thảo Thông tư mới chưa có cơ sở pháp lý.
Trước các luồng ý kiến trái ngược, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu phải giải thích rõ vì sao phải ban hành hướng dẫn, giải quyết vấn đề gì trong thực tiễn, có điểm khác nào so với Thông tư 233/2016 của Bộ Tài chính. Hướng dẫn phải thể hiện rõ các nội dung tiếp tục thực hiện trong Thông tư liên tịch 152.
Nhắc đến việc vướng mắc về thẩm quyền ban hành Thông tư hướng dẫn về kê khai giá cước vận tải, có chuyên gia giao thông nhận định, một trong những tồn tại gây nhiều bức xúc trong xã hội hiện nay, đó là sự vận hành của thị trường về giá cả đã bộc lộ rõ nét tình trạng bất cập giá xăng dầu và cước vận tải.
Dễ thấy nhất là giá xăng, dầu ngày có xu hướng giảm, nhưng giá cước mà các đơn vị kinh doanh vận tải trước đó đã kê khai không giảm. Đây là một nghịch lý đang tồn tại. Chi phí đầu vào của các đơn vị kinh doanh vận tải giảm nhưng giá cước không giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng.