Cống hóa sông Kim Ngưu: Cẩn trọng để “sông không thành ao”

09:32 20/08/2018
Tại Hội nghị quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam mới đây, nhiều ý tưởng đã đưa ra về việc chỉnh trang và cống hóa sông Kim Ngưu, đoạn từ Trần Khát Chân tới cầu Mai Động. Tuy vậy, ý tưởng này lại khá mâu thuẫn nhau, và bản thân các chuyên gia cũng chưa thống nhất với ý tưởng được đưa ra.

Họ cho rằng, việc cống hóa sông Kim Ngưu cũng cần tôn trọng giá trị văn hóa, lịch sử chứ không thể chỉ nhìn như một công trình xây dựng.

Thống kê của Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho thấy, sông Kim Ngưu có chiều dài 7,7km nhưng cứ 1km chiều dài lại có 7 cống thoát nước thải trực tiếp đổ ra sông, gây ra ô nhiễm môi trường. Vì vậy, ý tưởng chỉnh trang đô thị và cải tạo môi trường sông Kim Ngưu là vấn đề nóng được chính quyền và nhiều nhà khoa học quan tâm. KTS Trần Tuấn Anh (đơn vị tư vấn đề xuất ý tưởng) cho biết, sông Kim Ngưu đang phải hứng một lượng nước thải lớn từ các hộ dân sống xung quanh.

Đề án cải tạo sông Kim Ngưu gặp nhiều phản đối từ các chuyên gia.

Tình trạng này đơn vị tư vấn đã xây dựng phương án cải tạo môi trường sông Kim Ngưu trên diện tích 42.000m², chiều dài hơn 1,2km từ ngã tư Lò Đúc - Trần Khát Chân đến cầu Mai Động. Việc cải tạo được thực hiện theo hướng tách toàn bộ hệ thống thu nước thải sinh hoạt từ các hộ dân vào đường ống thoát nước thải riêng biệt. Mặt nước chính của dòng sông phục vụ thoát nước mưa, tạo cảnh quan môi trường đô thị kết hợp chức năng thương mại dịch vụ, phát huy yếu tố công cộng.

Các công trình dự kiến được xây dựng gồm quảng trường, đài phun nước, biểu tượng dự án; hai bãi đỗ xe thông minh 5 tầng; khu vực thương mại dịch vụ; tuyến phố đi bộ... Đơn vị tư vấn khẳng định các công trình nêu trên không làm ảnh hưởng đến dòng chảy của sông. Và nếu thực hiện thành công 1,2km, đơn vị có thể tiếp tục tư vấn làm hoàn chỉnh toàn bộ 3km của sông Kim Ngưu.

Đánh giá về đề án này, PGS.TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho rằng, ý tưởng về đề án thiết kế, chỉnh trang lại dòng sông ô nhiễm là phù hợp, vừa duy trì được giá trị lịch sử văn hóa của dòng sông Kim Ngưu với sự tích Trâu Vàng. Nếu có các công trình kiến trúc cảnh quan, ánh sáng hiện đại vào ban đêm và sự sôi động vào ban ngày thì có thể trở thành không gian giống như hồ Hoàn Kiếm.

“Khi nhà đầu tư tiến hành chỉnh trang, thiết kế lại hai bên bờ sông thì không nên xây dựng các công trình thương mại, dịch vụ dày quá sẽ làm mất đi không gian và diện tích mặt nước. Nếu TP Hà Nội chấp thuận cho đề án này triển khai, thì có thể bố trí một phần đất ở khu vực khác cho nhà đầu tư kinh doanh. Nếu đề án này thiết thực thì sẽ có thể lấy đó làm mô hình, để chỉnh trang lại cho các dòng sông khác cũng đang bị ô nhiễm nặng của Thủ đô”,  PGS  Lưu Đức Hải bảy tỏ.

Tương tự, PGS.TS Nguyễn Trúc Anh, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng cũng đồng tình với ý tưởng của đề án và cho rằng, nếu chúng ta không có biện pháp xử lý thì người dân mãi bị ảnh hưởng. Đó là vấn đề trăn trở không chỉ của riêng chính quyền TP Hà Nội mà còn của đông đảo các nhà khoa học và người dân.

Trước đây, chúng ta tiến hành cống hóa để lấy đường giao thông và sau đó chúng ta tiến tới một bước cao hơn nữa, đó là việc cải tạo để giữ lại những dòng sông này, tạo ra không gian công cộng, cảnh quan cho thành phố. Bên cạnh kiến trúc cảnh quan, vấn đề kinh phí thực hiện cũng nhận được sự quan tâm, thảo luận của các chuyên gia. PGS.TS Nguyễn Trúc Anh cho biết, thành phố đã trải qua một thời kỳ dài đầu tư hạ tầng, giờ nguồn vốn vay ODA không còn được ưu đãi, đầu tư công đang bị thiếu hụt, nên để có kinh phí xây dựng được đề án này thì chỉ có thể là nguồn vốn của tư nhân.

Tuy vậy, cũng không ít chuyên gia phản đối đề án cải tạo sông Kim Ngưu trên. Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm cho rằng, đề án đưa quá nhiều công trình thương mại, dịch vụ che khuất tầm nhìn trên mặt sông. “Ý tưởng xây bãi đỗ xe thông minh 5 tầng lấn ra sông, nếu đứng từ đầu sông sẽ khó quan sát mặt sông. Dự án này sẽ biến sông Kim Ngưu thành một chuỗi ao. Nếu gọi đúng tên, đây là dự án cải tạo sông thành ao”, ông Liêm thẳng thắn nhìn nhận.

Cũng theo nguyên lãnh đạo Bộ Xây dựng, với mực nước dòng chính của sông sau cải tạo từ 1-1,2m thì không có sinh vật nào có thể sống được mà chỉ có rong rêu tồn tại. Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng bày tỏ: “Cải tạo môi trường sông Kim Ngưu là cần thiết. Nhưng cần hạn chế xây dựng các công trình ảnh hưởng đến tầm nhìn, dòng chảy của sông. Tôi không đồng tình việc đặt thêm vào không gian đó các công trình 3, 4 tầng”.

Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội Tô Anh Tuấn cũng bày tỏ, đề xuất trên “nhang nhác” nhiều đề án trước đây trong việc cống hoá các dòng sông tại Hà Nội. “Chính đoạn sông này cách đây 15 năm, Tập đoàn Hà Đô (Bộ Quốc phòng) đã đề nghị cống hoá và chúng tôi đã từ chối. Thậm chí, có nhà đầu tư đề nghị cống hóa cả sông Tô Lịch nhưng chúng tôi đều từ chối”, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội thông tin. Theo ông Tô Anh Tuấn, cần ứng xử với các dòng sông như các công trình văn hoá, lịch sử chứ không đơn thuần là công trình xây dựng hay hạ tầng kỹ thuật.

Ngọc Yến

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

Liên quan đến thông tin một số khán giả cho rằng, trang phục biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có cài huy hiệu lạ, nhạy cảm trong đêm nhạc “Ngày em thắp sao trời”, chiều 7/5, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nắm được vụ việc và chỉ đạo kiểm tra.

Những ngày qua có 4 tàu cá cùng 11 ngư dân của Quảng Bình bị nạn trên biển do lốc xoáy, sau 5 ngày nỗ lực liên lạc, tìm kiếm, 4 ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn trong niềm vui vỡ oà của người thân.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文