Đặt mục tiêu “xóa bỏ” tiền mặt trong hoạt động của nền kinh tế số
- Bộ Giao thông Vận tải quyết lộ trình thu phí không dừng ở các trạm đặc thù
- 7 trạm BOT được kiến nghị không triển khai thu phí không dừng
- Chính thức thu phí không dừng trên cao tốc Pháp Vân- Ninh Bình
Số hóa kết cấu hạ tầng và phương tiện
Theo đại diện Bộ GTVT, chuyển đổi số có 3 trụ cột là: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Bộ GTVT sẽ tập trung vào Chính phủ số, kinh tế số và sẽ triển khai theo hướng chiến lược ngành, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý doanh nghiệp hoạt động vận tải, phương tiện và người điều khiển phương tiện. Hướng tới số hoá từ Trung ương đến địa phương, từ bảo trì đến duy tu, đăng kiểm, đào tạo sát hạch, thu phí không dừng…
Theo đó, Bộ GTVT đã xây dựng chương trình chuyển đổi số đến năm 2025 và tầm nhìn 2030, đây được coi là ngành tiên phong về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số toàn diện để thực hiện các mục tiêu chiến lược; ứng dụng công nghệ số và sử dụng dữ liệu số một cách sâu rộng trong toàn bộ hoạt động quản lý để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, tiên tiến, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn giao thông phục vụ nhân dân.
Thu phí không dừng là một trong các bước của chương trình chuyển đổi số GTVT. |
Cùng với đó, Bộ GTVT đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% chế độ báo cáo trong ngành GTVT được chuẩn hóa và quản lý bằng hệ thống ứng dụng CNTT kết nối liên thông với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; tất cả các dịch vụ công phổ biến liên quan tới nhiều người dân và doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến mức 3, 4 và được tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia; tối thiểu 50% số lượng bộ hồ sơ thực hiện tại Bộ GTVT được nộp trực tuyến mức độ 3, 4. Đồng thời hoàn chỉnh môi trường làm việc trực tuyến bảo đảm 90% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng; ít nhất 50% cuộc họp được thực hiện trực tuyến, rút ngắn 30 - 50% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, văn phòng điện tử...
Về phát triển kinh tế số, 100% các tuyến đường bộ cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS); hình thành được các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông của đô thị thông minh tại các thành phố trực thuộc Trung ương và địa phương có nhu cầu. Phát triển hạ tầng Logistics với nền tảng kết nối đa phương thức giữa các phương thức vận tải với nhau nhanh nhất và rẻ nhất. Triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) được triển khai đồng bộ tại tất cả trạm thu phí trên toàn quốc, tiến tới xóa bỏ các làn thu phí sử dụng tiền mặt…
Người dân sẽ trả phí đi lại bằng một tài khoản giao thông
Nhắc đến chương trình chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, Bộ GTVT đặt ra tầm nhìn đến năm 2030, GTVT là ngành tiên phong về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số toàn diện để thực hiện các mục tiêu chiến lược của ngành, ứng dụng công nghệ số và sử dụng dữ liệu số một cách sâu rộng trong toàn bộ các hoạt động quản lý để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, tiên tiến, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn giao thông phục vụ nhân dân.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh thêm, Bộ GTVT đặt mục tiêu “xóa bỏ” tiền mặt trong hoạt động của nền kinh tế số GTVT bằng việc ứng dụng và thúc đẩy hoạt động thanh toán điện tử và liên thông thanh toán các dịch vụ GTVT. Giao dịch giao thông bằng một tài khoản giao thông thanh toán cho tất cả các hoạt động liên quan đến vận tải.
Hiện, các bước đang triển khai như: Thu phí điện tử không dừng, tiến tới sẽ liên thông các tài khoản như vé tàu, vé xe, vé máy bay... Ngoài các nội dung trên, Bộ GTVT cũng sẽ cung cấp các loại dữ liệu mở giao thông như: Bản đồ, số liệu đo, số liệu thống kê... để thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo dịch vụ dựa trên dữ liệu với mục đích mang lại các lợi ích cho xã hội như giảm ùn tắc giao thông, tiết kiệm chi phí di chuyển.
Trước câu hỏi, người dân và doanh nghiêp sẽ được lợi gì từ chuyển đổi số của Bộ GTVT, lãnh đạo Bộ GTVT thẳng thắn cho hay, đầu tiên là người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin của ngành GTVT một cách nhanh chóng, chính xác và kịp thời, mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó, việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao giúp cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính thuận tiện, dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí. Đồng thời, việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân nhanh chóng, kịp thời hơn.