Đầu tư BOT: Chủ trương đúng nhưng cần giám sát, thực hiện nghiêm

10:40 06/03/2019
Trong thực tế vẫn có những dự án giao thông chưa hợp lý, gây bức xúc đối với người dân. Chính vì vậy việc khắc phục những bất cập, tạo sự minh bạch, công bằng, xung quanh câu chuyện BOT là điều cần thiết.

 

BOT (Hợp đồng xây dựng- Kinh doanh- Chuyển giao) là mô hình được nhiều nước trên thế giới phát triển, từ Bắc Mỹ cho đến châu Âu và châu Á. Ngay tại Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế và giao thông, các đoàn thanh tra giám sát vẫn khẳng định chủ trương kêu gọi đầu tư BOT vào phát triển hạ tầng là đúng đắn. Nhiều dự án sau khi đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả, giảm ùn tắc, giảm chi phí vận tải, mang lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội...

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có những dự án giao thông chưa hợp lý, gây bức xúc đối với người dân. Chính vì vậy việc khắc phục những bất cập, tạo sự minh bạch, công bằng, xung quanh câu chuyện BOT là điều cần thiết.

Giảm chi phí, rút ngắn thời gian đi lại

Trong những năm gần đây, nhiều công trình trọng điểm quốc gia, nhiều tuyến đường cao tốc được hình thành tạo ra sự phát triển nhanh chóng về kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Nhiều giải pháp huy động vốn có hiệu quả trên cơ sở đa dạng hóa thành phần tham gia đã thu được kết quả cao, trong đó có huy động thông qua hình thức hợp đồng BOT. Giai đoạn 2011-2016, Bộ GTVT đã huy động khoảng 171.308 tỷ đồng, trong đó vốn BOT là 154.481 tỷ đồng/59 dự án, chiếm khoảng 90,2% (các dự án đường bộ 169.813 tỷ đồng/57 dự án). Đến nay, đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác hơn 50 dự án BOT với tổng mức đầu tư hơn 137.000 tỷ đồng. 

Tại các địa phương, theo báo cáo của 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã huy động được hơn 80.000 tỷ đồng cho các dự án BOT. Nhiều công trình trọng điểm, có tính kết nối cao giữa các vùng miền đã được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa (mở rộng quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên...). 

Tính đến nay, nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước vào lĩnh vực cảng biển đạt khoảng 157.600 tỷ đồng/168 cảng bến; khoảng 18.997 tỷ đồng vào lĩnh vực cảng thủy nội địa. Lĩnh vực hàng không đã triển khai 2 dự án theo hình thức BOT và rất nhiều dự án triển khai theo hình thức doanh nghiệp tự đầu tư.  

Đối với người sử dụng, hiệu quả được thấy rõ nhất từ các dự án BOT là rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu, khấu hao phương tiện, đi lại trên tuyến đường an toàn hơn. Ôtô đi lại trong phạm vi giữa 2 trạm thu phí, người đi xe máy và xe thô sơ (khoảng 37 triệu xe máy là phương tiện chủ yếu của đa số người dân so với khoảng gần 3 triệu xe ôtô) được sử dụng công trình có mức độ phục vụ tốt hơn mà không mất phí. 

Theo đánh giá khách quan của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thực hiện 2 năm một lần thì năm 2016 (sau 5 năm thực hiện đầu tư dự án BOT) tính khả dụng của hạ tầng giao thông Việt Nam đứng ở vị trí 64, tăng 10 bậc so với năm 2014 (xếp thứ 74); 26 bậc so với năm 2012 (vị trí thứ 90) và tăng 39 bậc so với năm 2010 (vị trí thứ 103).

Năm 2017, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải đã tổ chức nghiên cứu độc lập đánh giá ảnh hưởng của việc nâng cấp, cải tạo và mở rộng QL1. Kết quả so sánh giữa thời điểm sau đầu tư nâng cấp, cải tạo và mở rộng QL 1 với việc chưa đầu tư cho thấy: Lợi ích từ việc cải tạo hạ tầng giao thông mang lại lớn hơn chi phí phải trả cho các trạm thu phí, đặc biệt là các phương tiện kinh doanh vận tải hoạt động thường xuyên trên QL1 như xe khách liên tỉnh, xe tải, xe container..., thông qua việc tiết kiệm nhiên liệu, tăng vận tốc khai thác, giảm thời gian vận chuyển, khấu hao phương tiện. 

Bình quân giảm 5% chi phí vận tải trên tuyến (đối với chi phí vận tải xe khách 45 chỗ, xe giường nằm đã giảm chi phí vận tải là 7,5% đến 8,2%; đối với vận tải hàng hóa của xe tải, xe container đã giảm chi phí vận tải từ 1,5% đến 5,3%). Về hiệu quả xã hội đã  giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí: số vụ giảm bình quân 12,7%/năm, số người chết giảm bình quân 5,1%/năm, số người bị thương giảm bình quân 14,8%/năm; vận chuyển hàng hoá và hành khách nhanh hơn, thuận lợi hơn…

Thu phí tự động để minh bạch phí qua các trạm BOT.

Sẽ minh bạch thông tin với người dân về các dự án BOT

Tính đến tháng 7-2018, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các Bộ, ngành và Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ban hành 48 Kết luận thanh tra đối với 50 dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán 61 kết luận. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiến hành giám sát trong hơn 7 tháng đối với các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý. 

Cùng đó,  Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã giám sát trong hơn 3 tháng với nội dung giám sát Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với các dự án cải tạo, nâng cấp QL1 từ Lạng Sơn đến Cà Mau. 

Tại Kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm toán và đoàn giám sát của Quốc hội đều khẳng định tính đúng đắn của chủ trương kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư trong điều kiện nguồn lực ngân sách hạn hẹp và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Bộ GTVT, nhà đầu tư và các cơ quan liên quan trong việc triển khai các dự án và hiệu quả của các dự án khi đưa vào khai thác, sử dụng. 

Đồng thời, các Kết luận cũng chỉ ra những tồn tại, sai sót trong quá trình triển khai, thực hiện các dự án nhưng không phát hiện có tham nhũng, lãng phí hoặc sai phạm trong quyết định chủ trương đầu tư, vị trí trạm thu phí.

Mới đây, trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Nhật-Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay, hạn chế lớn nhất trong thực hiện BOT vừa qua là chưa lường trước được tác động, những mặt trái của nó. Điển hình, từng dự án riêng lẻ thì đúng, nhưng trong một khu vực, một vùng có nhiều dự án, nhiều trạm thu phí BOT, khiến chi phí vận tải tăng, ảnh hưởng tới người dân và doanh nghiệp. Điều này dẫn tới có một số dự án BOT gặp phản ứng của tài xế, với nhiều luồng ý kiến khác nhau. Với trách nhiệm của mình, Bộ GTVT tiếp thu mọi ý kiến dư luận, người dân, doanh nghiệp…

Tuy vậy, những hạn chế trên không dễ khắc phục ngày một ngày hai, mà cần có thời gian. Hầu như tháng nào Bộ GTVT cũng báo cáo tình hình BOT lên Chính phủ và đề xuất giải pháp. Một trong những giải pháp là giảm phí tại một số trạm BOT từ 35.000đ/xe con xuống còn 15.000đồng/xe con; mở rộng vùng miễn giảm cho người dân quanh trạm... 

Vừa qua, Chính phủ đã họp rất nhiều lần để có giải pháp với một số trạm thu phí BOT. Điển hình như trạm thu phí BOT Tân Đệ (Thái Bình), Thủ tướng đã đồng ý di dời trạm thu phí này về tuyến đường tránh thị trấn Đông Hưng (Thái Bình). 

Cùng với dời trạm Tân Đệ về tuyến tránh, Bộ GTVT và địa phương cũng thực hiện phân luồng phương tiện, để xe tải, xe khách, xe gây ô nhiễm đi tuyến tránh. Sau khi chuyển trạm thu phí về tuyến tránh thị trấn Đông Hưng, căn cứ vào số thu phí thực tế, Bộ GTVT sẽ có giải pháp báo cáo Thủ tướng để giải quyết hài hoà lợi ích người dân, chủ đầu tư và nhà nước.  

Hay như trạm Cai Lậy, tới đây sẽ mở rộng vùng miễn giảm cho người dân nhưng vị trí trạm thì vẫn giữ nguyên. Thứ trưởng thông tin thêm, hiện tại cả nước có khoảng 88 trạm thu phí BOT, trong đó 68 trạm do Bộ GTVT quản. 

Nhưng trong số này chỉ có số ít trạm có diễn biến phức tạp phải thay đổi và dừng thu phí một thời gian, còn lại cơ bản là hoạt động tốt. Song, Bộ GTVT đang nỗ lực để khắc phục tất cả các bất cập như dừng triển khai hơn 10 dự án trên tuyến đường cũ, nhằm mang lại sự công bằng, đảm bảo hài hoà giữa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: “BOT là một hình thức tốt. Nếu không làm BOT thì không tìm ra nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông. Còn việc những sai sót thường có, ví dụ về doanh thu (tính toán sai lưu lượng xe qua lại, mức phí, trạm thu phí, ký hợp đồng thời gian thu phí); rồi chi phí đầu tư (chẳng hạn đội phí vượt quá mức cho phép); hoặc chất lượng công trình (khi phê duyệt thiết kế, dự toán và giám sát thi công không được chặt chẽ)... là những thứ đang tồn tại thì hoàn thiện lại để giai đoạn sắp tới thu hút BOT tốt hơn.”

BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài bị truy thu gần 1,2 tỷ đồng

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản yêu cầu truy thu số tiền gần 1,2 tỷ đồng của trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài do đơn vị này tự ý miễn giảm vé. Cụ thể, trong văn bản gửi các đơn vị liên quan về giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại dự án BOT cải tạo, nâng cấp QL2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ GTVT đã chấp thuận chủ trương miễn giảm giá vé trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài theo đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ phải truy thu số tiền gần 1,2 tỷ đồng của Công ty cổ phần BOT QL2 vì đã miễn giảm giá vé không đúng đối tượng. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng yêu cầu việc miễn giảm phải tuân thủ quy định tại các Thông tư số 35/2016, Thông tư số 49/2016, Thông tư số 60/2018 của Bộ GTVT và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.


P.Huyền-N.Hương

* Báo CAND đoạt 2 giải A, 2 giải B Giải Búa Liềm Vàng trong CAND

Chiều 25/12, tại Hội nghị tổng kết công tác đảng năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 trong Đảng bộ Công an Trung ương, Bộ Công an đã trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa Liềm Vàng) trong CAND và Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong CAND năm 2024.

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文