Đề nghị bãi bỏ việc thu phí bảo trì đường bộ để tránh phí chồng phí
- Đề xuất dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy
- Tổng thu phí bảo trì đường bộ trên cả nước đạt 3.770 tỷ đồng
- Đã thu 5.200 tỷ đồng phí bảo trì đường bộ
Đơn vị này cũng đề nghị bãi bỏ việc thu phí tại 2 trạm trên quốc lộ 5 do hầu hết các phương tiện hiện nay đã đóng phí bảo trì đường bộ theo Nghị định 18/2012 của Chính phủ về quỹ bảo trì đường bộ quy định các tuyến đường được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước (trong đó có quốc lộ 5) không được tiến hành thu phí BOT vì các xe khi đi đăng kiểm đã nộp phí bảo trì đường bộ.
“Trong trường hợp Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính vẫn duy trì thu phí tại 2 trạm trên quốc lộ 5, đề nghị bãi bỏ việc thu phí bảo trì đường bộ với phương tiện để tránh tình trạng phí chồng phí như hiện nay”, ông Tiến khẳng định.
Về vấn đề này, lãnh đạo Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI - nhà đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), đơn vị được giao thu phí tại 2 trạm quốc lộ 5 cho rằng, với nguồn kinh phí bảo trì đường bộ hạn chế, tại phương án tài chính cập nhật của dự án (năm 2015), các bộ, ngành đã yêu cầu bổ sung thêm các khoản chi phí bảo trì, sửa chữa định kỳ quốc lộ 5 vào phương án tài chính (nghĩa là sử dụng nguồn thu phí quốc lộ 5 để thực hiện bảo trì, sửa chữa định kỳ tuyến đường này).
Do quốc lộ 5 đã xuống cấp (từ khi nâng cấp năm 1998 đến nay trên 18 năm chưa thực hiện sửa chữa lớn), nên phải bổ sung ngay kinh phí để sửa chữa cấp bách với số tiền khoảng 2.500 tỷ đồng (gồm 50 tỷ đồng cho dự án cải tạo, nâng cấp mặt đường quốc lộ 5 do Bộ Giao thông Vận tải triển khai thực hiện từ năm 2013; khoảng 2.000 tỷ đồng dự kiến chi để sửa chữa cơ bản khoảng 60km quốc lộ 5 từ năm 2018-2020, trong đó, sửa chữa giai đoạn 1 vào năm 2018 với số tiền dự kiến khoảng 840 tỷ đồng).
Như vậy, ban đầu, toàn bộ nguồn thu phí quốc lộ 5 được sử dụng để hoàn vốn đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến nay, VIDIFI phải trực tiếp thực hiện sửa chữa, duy tu quốc lộ 5 với số tiền rất lớn (tính trên toàn bộ thời gian BOT, chi phí duy tu, sửa chữa quốc lộ 5 là khoảng 13.026 tỷ đồng), số tiền thu phí còn lại, sau khi sửa chữa, duy tu mới được sử dụng để hoàn vốn đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
“Nếu bỏ không thu phí 2 trạm quốc lộ 5, sẽ không có đủ kinh phí để sửa chữa, duy tu tuyến quốc lộ 5”, lãnh đạo VIDIFI nhấn mạnh và đánh giá: Nếu các khoản hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án nêu trên không được cấp kịp thời, sẽ ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án (các khoản hỗ trợ của Nhà nước nếu chưa được cấp theo phương án tài chính sẽ phát sinh thêm chi phí lãi vay tạm tính trong năm 2016-2017 là 530 tỷ đồng. Nếu năm 2018 chưa được cấp, số lãi vay phát sinh thêm lũy kế tạm tính là 930 tỷ đồng), có thể dẫn đến phá vỡ phương án tài chính.
“Hiện nay, một số nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm, tìm hiểu chuyển nhượng dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nhưng đều rất đắn đo, thận trọng trong việc tiếp tục đàm phán khi các khoản hỗ trợ của Nhà nước chưa được cấp”, lãnh đạo VIDIFI tiết lộ.
Trong trường hợp miễn giảm cho các xã giáp ranh với 2 trạm quốc lộ 5, số tiền thiếu hụt ước tính là 22 tỷ đồng/năm; trong phạm vi bán kính 3km thì số tiền thiếu hụt là 51 tỷ đồng/năm; trong phạm vi bán kính 5km số tiền thiếu hụt ước tính là 80 tỷ đồng/năm.
“Nếu không tiếp tục thu phí quốc lộ 5, ngoài việc cấp các khoản hỗ trợ của Nhà nước theo Quyết định 746/QĐ-TTg, VIDIFI đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí ngay khoản kinh phí khoảng 2.000 tỷ đồng để sửa chữa cấp bách quốc lộ 5, đồng thời, cấp bù cho dự án hằng năm số tiền tương ứng với số thu phí quốc lộ 5 dùng để hoàn vốn đầu tư dự án”, lãnh đạo VIDIFI nói.