Dịch vụ cho thuê xe tự lái sẽ được quản lý như kinh doanh vận tải
- Làm gì để không bị chiếm đoạt ôtô từ dịch vụ “thuê xe tự lái”?
- Chiếm đoạt ôtô từ dịch vụ “thuê xe tự lái”
Bỏ “chặn” đăng kiểm xe, chuẩn hóa thủ tục xe thế chấp
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Bộ GTVT đang lấy ý kiến rộng rãi dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 70/2015 về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Điểm mới đáng chú ý là dự thảo quy định kéo dài thời hạn đăng kiểm thêm 6 tháng đối với xe ôtô chở người đến 9 chỗ kinh doanh vận tải (xe taxi, xe hợp đồng...).
Cụ thể, khi đăng kiểm lần đầu để được cấp biển số lưu thông, hiệu lực của giấy chứng nhận, tem đăng kiểm là 24 tháng (hiện nay 18 tháng). Trong vòng 30 ngày sau khi được cấp chứng nhận kiểm định lần đầu, nếu xe ôtô tiếp tục thực hiện kiểm định vẫn được tính là kỳ đăng kiểm đầu tiên. Lần đăng kiểm tiếp theo, thời hạn đăng kiểm là 12 tháng/lần đối với xe có năm sản xuất đến 7 năm (hiện quy định là 6 tháng/lần). Sau thời hạn trên, thời hạn đăng kiểm mới giữ ở mức 6 tháng/lần như hiện nay.
Thanh tra giao thông xử phạt xe chở khách sai quy định. |
Bên cạnh đó, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định như: Khi đăng kiểm xe thế chấp ngân hàng phải xuất trình bản sao giấy đăng ký xe, phải có chứng thực kèm bản gốc giấy biên nhận thế chấp của tổ chức tín dụng; xe thanh lý của lực lượng quốc phòng phải có bản sao chứng thực văn bản thanh lý xe của Bộ Tổng tham mưu; quyết định bán tài sản tại cảng biển của Hội đồng xử lý hàng tồn đọng do lãnh đạo Sở Tài chính là Chủ tịch hội đồng...
Thời gian qua, theo quy định tại Thông tư 70/2015, nhiều trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước gửi văn bản đề nghị “chặn”, từ chối tiếp nhận đăng kiểm xe ôtô. Tuy nhiên, một số bộ, ngành, cơ quan có ý kiến không đồng tình về việc chặn kiểm định.
Do đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung thông tư lần này bỏ quy định “chặn”, từ chối tiếp nhận kiểm định xe; thay vào đó, chỉ đưa vào cảnh báo đăng kiểm đối với các trường hợp xe vi phạm Luật GTĐB theo quy định tại Nghị định 100/2019, xe bị cảnh báo theo đề nghị của tòa án, cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát. Các trường hợp trên được tiếp nhận đăng kiểm, nếu đạt yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường được cấp giấy, tem kiểm định thời hạn 15 ngày.
Khi được hỏi về quy định mới này, lãnh đạo Trung tâm đăng kiểm 29-03V cũng như nhiều đơn vị đăng kiểm khác tỏ ra phấn khỏi. Bởi theo họ, thời gian qua, việc giải quyết thủ tục đăng kiểm đối với xe ôtô liên quan đến thế chấp ngân hàng, xe có nguồn gốc đấu giá, thanh lý... phát sinh một số tình huống gây lúng túng cho đơn vị đăng kiểm trong việc yêu cầu giấy tờ cần thiết để chứng minh nguồn gốc xe.
Vì vậy, thông tư mới bổ sung hướng dẫn thủ tục để các đơn vị tránh lúng túng trong việc thực hiện thủ tục xác minh nguồn gốc xe, tạo thuận lợi cho khách hàng và không để lọt xe làm giả giấy tờ. Bên cạnh đó, quy định rõ ràng việc không tiếp nhận đăng kiểm xe, “chặn” đăng kiểm theo yêu cầu của các ngành, cơ quan chức năng để tránh khách hàng gây bức xúc với trung tâm đăng kiểm.
Không quản chặt dịch vụ cho thuê xe tự lái, dễ gây ra “xe dù, bến cóc”
Chia sẻ tại cuộc họp đóng góp ý kiến vào Luật Giao thông đường bộ sửa đổi mới được Bộ GTVT tổ chức, ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho hay, dịch vụ cho thuê xe tự lái đang phát triển mạnh mẽ, nhất là khi du lịch phát triển, nhu cầu thuê phương tiện dưới 9 chỗ phục vụ cho nhu cầu cá nhân tăng cao.
Thực chất, đây là loại hình vận tải mang tính chất sử dụng phương tiện đi thuê vận chuyển theo nhu cầu của người đi thuê nhưng chưa được quy định trong Luật GTĐB năm 2008. Luật GTĐB năm 2008 chưa điều chỉnh nên dự thảo Luật mới bổ sung để quản lý. Để đảm bảo ATGT, đơn vị kinh doanh dịch vụ phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về dịch vụ và phương tiện cho thuê. Tránh tình trạng khi gây tai nạn, không biết ai là người lái xe; đồng thời nắm được số lượng xe tự lái, hành khách và phương tiện cụ thể”, ông Bình cho biết thêm.
Để hiểu rõ hơn, đại diện Bộ GTVT thông tin, tại Điều 134 dự thảo Luật GTĐB sửa đổi quy định, kinh doanh cho thuê xe tự lái là việc tổ chức, cá nhân cho thuê xe ôtô, xe gắn máy, xe ôtô hai bánh, mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để người thuê xe tự điều khiển phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của mình. Xe ôtô cho thuê tự lái phải lắp thiết bị giám sát hành trình và truyền dữ liệu theo quy định.
Đơn vị cho thuê xe tự lái phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; chỉ được cho thuê xe ôtô có sức chứa từ 9 chỗ ngồi trở xuống, xe gắn máy, xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh và các loại xe tương tự khi người thuê xe có giấy phép lái xe hợp pháp, phù hợp với loại xe muốn thuê; không được bố trí hoặc cho thuê cả lái xe cho người thuê xe; không được sử dụng xe cho thuê để kinh doanh vận tải hành khách có thu tiền hoặc tham gia hoạt động đó theo yêu cầu của bên thứ ba...
Đối với người thuê xe, dự thảo Luật quy định không được sử dụng xe đi thuê để vận chuyển hành khách, hàng hóa có thu tiền; không được cho bất kỳ bên thứ ba nào thuê lại (trừ trường hợp có thỏa thuận cụ thể với người cho thuê).
Kết luận nội dung này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, cho thuê xe là kinh doanh vận tải thu tiền, chủ doanh nghiệp thu tiền của người thuê xe. Vì vậy, kinh doanh cho thuê xe tự lái là kinh doanh vận tải và xe cho thuê cũng là xe kinh doanh vận tải.
Doanh nghiệp kinh doanh loại hình này phải đáp ứng đầy đủ điều kiện về ATGT như loại hình xe taxi. Xe cho thuê cũng phải gắn thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát, đây là điều kiện để kinh doanh dịch vụ này. Nếu không quy định gắn các loại thiết bị này để quản lý sẽ nảy sinh tình trạng doanh nghiệp có hàng trăm xe cho thuê, gây ra “xe dù, bến cóc”, làm rối loạn thị trường kinh doanh vận tải.