Dự án đường La Sơn – Nam Đông 8 năm chưa hoàn thiện, đã giải ngân vốn hơn 99%

08:57 13/03/2018
Sau nhiều năm triển khai xây dựng, dự án nâng cấp, mở rộng đường La Sơn – Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên - Huế) vẫn chưa thể hoàn thiện đúng theo kế hoạch.

Điều đáng nói, dù một số gói thầu của dự án đang được thi công dở dang nhưng gần 100% số vốn đầu tư đã được cơ quan chức năng giải ngân cho nhà thầu và đơn vị thi công…

Dự án đường La Sơn - Nam Đông có tổng chiều dài hơn 45km, bao gồm cả tuyến tránh Khe Tre, kéo dài từ Km0+00 giao với QL1A, đoạn ngã 3 La Sơn (xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc) đến điểm cuối là Km 38+746 (xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông).

Dự án do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông (ĐTXDCTGT) tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư với tổng số vốn 807 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án được thực hiện từ năm 2009 đến tháng 12-2012; giai đoạn 2 từ đầu năm 2013 đến cuối năm 2017.

Ông Trần Quốc Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, dự án đi qua địa bàn 9 xã và thị trấn của huyện với hơn 900 hộ dân bị ảnh hưởng đền bù đất và tài sản trên đất. Do đây là dự án trọng điểm của tỉnh nên huyện Nam Đông đã nỗ lực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công.

Công trình cầu Hương Hòa thuộc dự án đường La Sơn - Nam Đông chưa hoàn thiện sau nhiều năm thi công.

Tuy nhiên vì nhiều lý do nên đến cuối năm 2017, dự án chưa thể hoàn thành theo kế hoạch, buộc đơn vị chủ đầu tư phải lần nữa xin gia hạn thêm thời gian và mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đồng ý gia hạn thời gian hoàn thiện dự án đến cuối năm 2018.

Qua tìm hiểu được biết, sau hơn 8 năm triển khai thi công, các gói thầu trong giai đoạn 1 của dự án đường La Sơn - Nam Đông cơ bản hoàn thiện nhưng hiện còn một số gói thầu thuộc giai đoạn 2 vẫn đang được thi công dở dang. 

Đặc biệt, tại gói thầu số 18 (tuyến tránh thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông) dài trên 26km do Công ty CP Thành Đạt thi công dù được triển khai suốt thời gian dài nhưng đến nay còn nhiều vị trí bao gồm mặt đường bê tông, hệ thống thoát nước, cầu cống rất ngổn ngang.

Bà Nguyễn Thị Lan, một hộ dân có nhà nằm gần tuyến đường này bức xúc cho biết: “Đoạn đường được đơn vị thi công làm quá chậm, kéo dài hàng năm trời khiến người dân địa phương đi lại khó khăn. Do đường chưa hoàn thiện gây ra tình trạng bụi bặm vào mùa nắng, mùa mưa thì sình lầy nên chúng tôi đã góp ý kiến đến các cơ quan chức năng để yêu cầu đơn vị thi công sớm làm xong tuyến đường này”.

Cũng tại gói thầu số 18, hai hộ dân Cao Song và Nguyễn Hàng (ở thị trấn Khe Tre) không đồng ý phương án thỏa thuận đền bù của chủ đầu tư dẫn đến vướng mắc mặt bằng khiến một đoạn đường chưa được đào đắp, các phương tiện tham gia giao thông phải đi vòng. 

Ngoài ra, hạng mục cầu Hương Hòa (trị giá đầu tư hơn 43 tỷ đồng) thuộc gói thầu này có thiết kế 4 trụ cầu, 5 nhịp, mặt cầu rộng 9m sau 3 năm thi công vẫn còn 2 nhịp cầu chưa lao dầm, đường dẫn 2 đầu chưa thi công.

Theo ông Lê Văn Hoa, Giám đốc Công ty CP Thành Đạt, việc thi công gói thầu số 18 chậm trễ là do vướng mặt bằng, riêng cầu Hương Hòa đến nay chưa thể hoàn thành là do gặp địa chất phức tạp.

“Để thi công cầu Hương Hòa, mỗi trụ cầu đơn vị phải khoan 6 lỗ, sâu 56m nhưng đều gặp các hang “caster” có dòng chảy gây sụt lún nên phải thay đổi thiết kế nhiều lần, dẫn đến việc thi công chậm trễ so với kế hoạch”, ông Hoa giải thích.

Điều khiến dư luận quan tâm là dù dự án thi công chưa hoàn thiện, chưa được nghiệm thu toàn tuyến và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phải gia hạn thêm thời gian thi công nhưng tính đến thời điểm ngày 31-12-2017, dự án đã được giải ngân đến 99,67% số vốn trong tổng số 807 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Trường, Giám đốc Ban Quản lý dự án ĐTXDCTGT tỉnh Thừa Thiên- Huế khẳng định, việc giải ngân này hoàn toàn đúng theo quy định Nhà nước để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, chi trả đền bù cho người dân, bảo lãnh cho nhà thầu tạm ứng xây lắp…

“Hiện toàn dự án đã đạt 99% khối lượng công việc, chỉ còn gói thầu số 18 thuộc giai đoạn 2 của dự án với giá trị hợp đồng trên 104,3 tỷ đồng, trong đó có việc xây dựng cầu Hương Hòa là chưa hoàn thành đúng theo kế hoạch mà nguyên nhân chính do ảnh hưởng từ thời tiết, công trình thi công trên phần địa chất phức tạp chứ không phải do năng lực đơn vị thi công hạn chế. Chính vì thế, để công trình sớm hoàn thiện, hiện Ban đang đốc thúc nhà thầu nỗ lực thi công các hạng mục còn lại để kịp tiến độ hoàn thành nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Trường cho hay.

Anh Khoa

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文