Đường sắt sẵn sàng vào cuộc đưa người dân các tỉnh phía Nam về quê an toàn
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển bằng đường sắt từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về địa phương theo nhu cầu, đến nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đã chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, nhân lực; phối hợp với các địa phương và cơ quan chức năng có phương án phòng chống dịch đảm bảo an toàn cho hành khách khi được phép tổ chức đón, trả khách.
- Hướng đi vượt khó của đường sắt Việt Nam thời COVID-19
- Đề xuất chuyển Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về Bộ GTVT
Chiều 19/7, lãnh đạo Tổng công ty ĐSVN cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID- 19, vừa qua, UBND một số tỉnh, thành (Lạng Sơn, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Thuận…) và các tổ chức xã hội (hội đồng hương cấp huyện, thành phố, thị xã…) đã có văn bản gửi các Bộ, ngành liên quan và Tổng công ty ĐSVN đề nghị phối hợp để đưa công dân đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê nhằm giảm tải áp lực cách ly cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong thời điểm dịch bùng phát nghiêm trọng.
Ngay sau đó, Tổng công ty ĐSVN đã chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, nhân lực; phối hợp với các địa phương và cơ quan chức năng có phương án phòng chống dịch đảm bảo an toàn cho hành khách khi được phép tổ chức đón, trả khách.
Ảnh minh hoạ |
Cụ thể: Ngoài việc duy trì chạy đôi tàu SE7/8 hàng ngày, ĐSVN tổ chức chạy các đoàn tàu chuyên biệt (tàu chỉ đón khách lên tại 1 ga đi và trả khách tại 1 ga đến) hoặc các toa xe chuyên biệt trên 1 đoàn tàu (toa xe chỉ đón khách lên tại 1 ga đi và trả khách tại 1 ga đến) cho các tỉnh, thành có nhu cầu vận chuyển riêng công dân địa phương. Đặc biệt, có thể bố trí nguyên toa xe để phục vụ hành khách có nhu cầu thuê riêng cho gia đình...
Cùng với đó, Tổng công ty ĐSVN vẫn duy trì nghiêm các biện pháp phòng dịch thường xuyên như: bố trí giãn cách hành khách bằng cách bán 50% số chỗ; thực hiện đầy đủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, hướng dẫn và kiểm soát khai báo y tế... Các nhân viên công tác trên tàu thực hiện việc lưu trú tại chỗ; khi lên, xuống ban không được rời khu vực làm việc, lưu trú theo quy định... Duy trì việc phun khử khuẩn trên tàu, dưới ga; trang bị dung dịch sát khuẩn tại các toa xe, nhà vệ sinh; nhân viên trên tàu thực hiện việc khử khuẩn 3 tiếng/1 lần tại vị trí có nhiều hành khách tiếp xúc (tay nắm cửa, sản toa xe, nhà vệ sinh...).
Để đảm bảo quyền lợi cho hành khách, ngành đường sắt vẫn duy trì áp dụng chính sách giảm giá vé cho các đối tượng chính sách xã hội: Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người cao tuổi, học sinh, sinh viên… khi có nhu cầu sử dụng phương tiện tàu hỏa về quê giãn cách.