Giảm thiểu nguy cơ va chạm, tai nạn tại hầm Kim Liên
- Sở GD&ĐT Hà Nội hỗ trợ gia đình cô giáo tử nạn do xe Mercedes đâm ở hầm Kim Liên
- Xót xa gia cảnh nữ nghệ sỹ tử nạn trong vụ xe Mercedes tông xe máy ở hầm Kim Liên
Gờ giảm tốc được bố trí hết bề rộng mặt đường. Theo đó, từ cả hai phía đường vào hầm (Xã Đàn, Đại Cồ Việt) đều được bố trí 3 cụm gờ giảm tốc. Mỗi cụm gồm 7 vạch sơn màu vàng đậm, dày không quá 6mm. Khi bắt đầu vào hầm, lưu thông qua các cụm gờ này, chủ các phương tiện sẽ phải chủ động giảm tốc độ.
Ngoài ra, các biểu tượng phân làn ô tô - xe máy cũng được sơn đậm hơn để người tham gia giao thông dễ quan sát, tránh đi sai làn.
Hầm đường bộ Kim Liên nối đường Đại Cồ Việt với đường Đào Duy Anh, là nút giao thông đầu tiên của Hà Nội được xây dựng với thiết kế đường hầm. Năm 2009, sau 3 năm khởi công, hầm đường bộ này được đưa vào sử dụng, đã góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Thời gian gần đây, một số vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại hầm đường bộ Kim Liên, khiến nhiều người lo ngại và coi đây là “điểm đen” về tai nạn giao thông. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra, do người điều khiển phương tiện giao thông không chấp hành việc giảm tốc độ, đi sai làn đường hoặc nghiêm trọng hơn là sử dụng bia, rượu khi lái xe.
Nhiều người điều khiển phương tiện cố tình đi sai làn đường, tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn.
Thượng tá Lê Văn Hoan, Đội trưởng Đội CSGT số 4, Phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội cho biết, việc làm gờ giảm tốc độ tại hai đầu hầm đường bộ Kim Liên là cần thiết, vì giúp cảnh báo người dân nâng cao ý thức khi lưu thông qua khu vực này.
“Việc lắp gờ giảm tốc hay các biển cảnh báo để nâng cao ý thức người dân, chứ không phải để xử phạt, vì căn cứ vào thực tế, khu vực trên không có biển giới hạn tốc độ”, Thượng tá Lê Văn Hoan khẳng định.
Bên cạnh đó, theo luật định, tại khu vực giao thông đặc biệt, như trên cầu, qua hầm chui, lên xuống dốc..., CSGT và các lực lượng giao thông khác không được phép dừng xe xử lý, vì sẽ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.