Hà Nội lại “bát nháo” hoạt động xe khách

07:54 14/12/2016
Sáng, hay trưa, hay chiều, chỉ cần đi quanh khu vực Bến xe Mỹ Đình, ta rất dễ bắt gặp cảnh người dân đứng ven đường vẫy xe. Xe khách đi ngang, tạt vào “kéo” khách. Tình trạng bát nháo này đã diễn ra từ lâu, thế nhưng, hễ lực lượng chức năng có mặt thì các xe không dám đón “liều”. Tuy nhiên, chỉ cần “lơ” đi, là các nhà xe hoạt động không khác gì “chợ”.

Cuối năm, liệu tình trạng này có diễn biến phức tạp? Điều này trông chờ phần lớn ở sự vào cuộc của lực lượng Công an cũng như thanh tra giao thông.

Sáng 13-12, đi một vòng từ đầu đường Phạm Hùng đến Dương Đình Nghệ, vòng ngược lại, phóng viên bắt gặp các xe khách đi từ Bến xe Mỹ Đình ra, dừng lại bắt khách dọc đường. Nhiều nhất là khu vực trạm dừng đỗ xe buýt, sau đó là ngã tư Phạm Hùng-Tôn Thất Thuyết.

Dừng xe trên vỉa hè,  đứng quan sát chừng 15 phút tại góc phố Tôn Thất Thuyết, phóng viên Báo CAND có thể đếm được hàng chục xe khách đi chậm kéo khách, thậm chí có xe dừng hẳn như 20B-00874 chạy tuyến Hà Nội-Thái Nguyên; xe 19B-008.01 chạy tuyến Phú Thọ-Mỹ Đình; 14B-001.50 của nhà xe Đức Phúc chạy tuyến Cẩm Phả-Mỹ Đình...

Bên cạnh các xe ngang nhiên đón khách, thì nhiều xe cảnh giác hơn, phụ xe ngó đầu qua cửa hỏi, nếu khách đi thì ra hiệu vẫy vẫy lên phía trên rồi mới đón như xe 98B-00043. Dù không thể nhìn được biển số xe, nhưng đứng tại ngã ba này, ngẩng đầu nhìn lên phía đường trên cao, phóng viên cũng không ít lần nhìn thấy xe khách tái diễn cảnh đón, trả khách.

Bác Hà, một người hành nghề xe ôm tại khu vực này cho hay, dù bến xe ngay phía đối diện đường, song nhiều hành khách vẫn đứng ngoài bắt xe, gây nhiều nguy cơ mất ATGT, tuy nhiên lại vắng bóng lực lượng chức năng. Một đoạn đường dài chừng 2km, chỉ thấy 1-2 cán bộ thanh tra giao thông, Công an phường đứng chốt tại đầu ra của cổng bến Mỹ Đình, do đó, các nhà xe ngang nhiên vi phạm.

Có những nhà xe bắt khách đi bộ một đoạn, đến chỗ vắng mới dừng xe đón khách.

Trước khi đi thực tế, trao đổi với phóng viên, ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra giao thông, Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, thanh tra giao thông vận tải đã kiểm tra, lập biên bản hơn 26.000 trường hợp vi phạm giao thông, tước 3.195 GPLX. Trong đó, vận tải hành khách xử lý tới hơn 8.000 trường hợp. Cụ thể, xe khách tuyến cố định là 3.722 trường hợp; xe hợp đồng là 986 trường hợp, xe taxi là 3.297 trường hợp.

Chánh Thanh tra cũng cho biết, tại khu vực Bến xe Mỹ Đình, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 1.794 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 3 tỷ đồng, tạm giữ 66 phương tiện, tước quyền sử dụng GPLX của 477 trường hợp; tại khu vực Bến xe Giáp Bát, lực lượng thanh tra cũng xử lý 642 trường hợp vi phạm, phạt tiền 665 triệu đồng, trong đó có 246 xe khách tuyến cố định vi phạm.

Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra cũng đã ra quân, xử lý, giải toả 15 trường hợp cá nhân, tổ chức thành lập bến bãi vi phạm đón trả khách xung quanh khu vực Bến xe Mỹ Đình và Bến xe Nước Ngầm.

Khi PV đặt câu hỏi, liệu 15 điểm thường xuyên đón trả khách trái phép này có tái diễn vào dịp cuối năm, ông Trần Đăng Hải thẳng thắn: “Nếu các lực lượng làm gắt sẽ rất khó tái diễn. Từ đầu tháng 12, chúng tôi đã mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán.

Tinh thần của đợt ra quân này là tập trung xử lý các hành vi như chở quá số người quy định; chở hàng trong khoang chở khách; thu tiền quá giá quy định; dừng đỗ phương tiện trái quy định; lệnh vận chuyển không đúng quy định; tiếp tục giải toả các điểm, bãi “xe dù, bến cóc”. Ngoài việc xử lý, sẽ đề xuất cắt nốt đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần. Xử lý nghiêm các trường hợp xe khách tháo ghế để chở hàng, lắp thêm ghế để chở người và chở quá số người quy định”.

Trên thực tế, không thể phủ nhận sự vào cuộc của cơ quan chức năng, trong việc dẹp bến cóc, xe dù, xe dừng đón trả khách sai quy định. Thế nhưng, nếu công tác này không được làm thường xuyên, và làm một cách tích cực, thì trật tự an toàn giao thông cuối năm khó được đảm bảo.

Đặng Nhật

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28/4 tuyên bố lệnh ngừng bắn kéo dài ba ngày vào tháng 5 để kỷ niệm 80 năm chiến thắng của Liên Xô và các đồng minh trong Thế chiến thứ hai.

Liên quan vụ án sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sử dụng phiếu kết quả thử nghiệm giả mạo để đưa sản phẩm ra thị trường, ngày 28/4, Cơ quan CSĐT  Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở đối với 4 bị can, gồm: Phạm Vũ Khiêm, Vương Thị Hoa, Lê Thị Hồng Vân và Bùi Thị Thu Hà cùng về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 Điều 221, Bộ luật Hình sự.

Chiều 28/4, Bộ Công an công bố các quyết định về công tác cán bộ tại Công an TP Đà Nẵng. Dự lễ có Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Thứ trưởng Bộ Công an cùng lãnh đạo Thành ủy, UBND, HĐND, UBMTTQVN TP Đà Nẵng và đại diện các Sở, ngành trên địa bàn thành phố.

Các cơ quan có thẩm quyền của Hà Nội cùng với sự đồng thuận cao của nhân dân Thủ đô đã thống nhất xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn TP, từ 526 xã, phường, thị trấn thành 126 xã, phường (50 xã, 76 phường).

Một nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng giả ngang nhiên hoạt động trong nhiều năm, tung ra thị trường 920 mã sản phẩm, tổng sản lượng khi bị phát hiện, thu giữ tới hơn 100 tấn, với doanh thu riêng một công ty trong hệ sinh thái lên tới 800 tỷ đồng chỉ trong ba năm. Khủng khiếp là vậy nhưng cả một hệ thống cơ quan chức năng đến chính quyền cơ sở tưởng chừng như mọi quy định, quy trình đều rất chặt chẽ đã bị các đối tượng "qua mặt", hoạt động sai phạm trong suốt một thời gian dài và chỉ bị lộ diện khi lực lượng Công an phát hiện, vào cuộc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.