Hà Nội sẽ còn phải đối mặt với tình trạng trời mưa là ùn tắc
Nhà ở khu vực Trung Yên, bình thường đi đến cơ quan ở đường Phan Chu Trinh chỉ mất chưa đầy nửa tiếng, thế nhưng sáng 18/9, thấy trời mưa, chị Nguyệt Anh đã phải rời nhà từ 6h30. Những tưởng đi làm sớm thế thì sẽ thuận lợi, nhưng chị không ngờ, phải ngồi trên taxi hơn 1 tiếng đồng hồ vì đường nào cũng đông, cũng chật, ùn ứ khắp nơi. Đến cơ quan là 8h, cũng may vừa kịp giờ làm.
Hạ tầng thiếu và yếu là nguyên nhân chính gây ùn tắc. Ảnh CTV. |
Chị Nguyệt Anh chia sẻ thêm, cơ quan chị cũng có nhiều người sống ở phía Tây thành phố, và thời gian gần đây thường xuyên bị muộn làm vì ùn tắc. Trên thực tế, theo phản ánh của nhiều người dân, thời gian gần đây tình trạng ùn tắc ngày mưa diễn ra nhiều ở trục đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Xiển…
Lực lượng chức năng cho biết, mưa lớn nhiều tuyến phố bị ngập úng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đường phố ùn tắc. Một chuyên gia giao thông thì cho rằng, tại quy hoạch lỗi, nút giao thông này sẽ còn ùn tắc dài dài. Kể cả lúc làm xong hầm rồi thì vẫn tắc thôi. Chỗ ngã tư đó, ôtô đi từ trên cầu vượt cạn xuống để đi vào ngã tư nên tạo ta xung đột giao thông rất lớn với các phương tiện đi ở phía dưới. Lỗi này bao giờ mới khắc phục được đây...
Bên cạnh đó, theo TS Đinh Thị Thanh Bình, Trưởng bộ môn Quy hoạch quản lý giao thông vận tải (Đại học GTVT) đánh giá, có rất nhiều nguyên nhân trong đó có công tác quản lý thực hiện quy hoạch còn bất cập. Nhiều nguyên nhân từ phía quản lý nhưng cũng phải nhìn lại ý thức của người dân bởi việc lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán, đậu xe... làm giảm năng lực hạ tầng giao thông, cản trở tầm nhìn và lưu thông. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có độ nhạy cảm về giao thông khá cao.
Un tắc giao thông dưới trời mưa. |
Tại khu vực lõi đô thị, nếu lưu lượng giao thông chỉ tăng thêm 5% có khi đã gây tắc nghẽn, trong khi các khu vực xa hơn có thể tăng 20-30% vẫn chưa ùn tắc. Do đó trước khi phê duyệt một dự án phát triển khu đô thị mật độ cao từ vành đai 3 Hà Nội, chính quyền cần nghiên cứu tác động của dự án đến tình trạng giao thông để có biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực trong cả giai đoạn thi công và khai thác dự án.
Nói riêng về tình trạng ùn tắc trên hai tuyến huyết mạch Nguyễn Trãi và Xuân Thủy - Cầu Giấy trong thời gian gần đây, TS Đinh Thị Thanh Bình cho rằng, ùn tắc giao thông xảy ra vào giờ cao điểm trên hai trục hướng tâm vào thành phố là Nguyễn Trãi và Cầu Giấy - Xuân Thủy ngày càng nghiêm trọng do đang thi công đường sắt đô thị. Mặt đường các tuyến này đã bị rào một phần làm giảm đáng kể năng lực phục vụ. Trục Nguyễn Trãi hiện đã dỡ bỏ hầu hết rào chắn, chỉ còn rào tại điểm xây dựng ga.
Tương lai gần tuyến đường sắt đô thị số 2 sắp hoàn thành, việc dỡ bỏ rào sẽ loại bỏ tình trạng nút cổ chai tại điểm này và sẽ giảm được ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, trên trục Nhổn - Xuân Thủy - Cầu Giấy theo khảo sát tháng 7/2014 vào giờ cao điểm sáng (7-8h) có trên 13.000 xe máy, khoảng 750 ôtô con, 370 taxi và 60 xe buýt lưu thông, tức là khoảng 3.900 xe con quy đổi hoạt động một hướng trong mỗi giờ.
Đường Xuân Thủy chỉ có 2 làn xe cơ giới, một làn xe thô sơ mỗi chiều. Sau khi rào chắn để thi công tuyến đường sắt đô thị số 3 thì mỗi hướng đã bị mất một làn xe cơ giới nên chỉ đáp ứng được khoảng 60-70% lưu lượng. Thời gian tới, trục Nhổn - Xuân Thủy - Cầu Giấy sẽ ùn tắc nghiêm trọng hơn nếu không áp dụng các giải pháp tổ chức quản lý giao thông hợp lý. Nguyên nhân là lượng phương tiện cá nhân tiếp tục tăng trong khi mặt đường bị quây lô cốt…
Trước đó, tại Sở GTVT Hà Nội đã diễn ra cuộc họp nhằm “truy” nguyên nhân và tìm giải pháp tháo gỡ cho vấn nạn tắc đường kinh hoàng trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua. Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ – đường sắt (Công an TP Hà Nội) thẳng thắn phê bình các nhà thầu khi tiến hành rào đường để thi công các công trình giao thông đã không tuân thủ các quy định về an toàn và trật tự ATGT ở 2 đầu đường.
Cũng theo Đại tá Thắng, một số dự án giao thông trên địa bàn TP Hà Nội, nhất là dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông tiến độ thi công quá chậm, nhưng vẫn cứ cố tình “ôm đường” của nhân dân. Trước thực trạng tắc đường như hiện nay tại Hà Nội, Đại tá Thắng cũng đưa ra khuyến cáo cho người dân nên chủ động về mặt thời gian khi lưu thông trên đường để đảm bảo giờ giấc làm việc và học tập. “Tới đây, tôi đang có kiến nghị với Sở GTVT là không cho xe buýt đi vào tuyến đường Cầu Giấy – Xuân Thủy vì chỗ này thường xuyên tắc. Có thể cho xe buýt đi vòng qua đường Hoàng Quốc Việt, làm như vậy cung đường trên mới bớt ùn ứ”, Đại tá Thắng cho biết.
Ngoài những nguyên nhân nói trên, vấn đề gia tăng dân số và phương tiện cá nhân cũng chính là “thủ phạm” gây lên cảnh tắc đường như “cơm bữa” tại Hà Nội. Hiện TP Hà Nội có khoảng 7 triệu dân, đó là chưa kể số người ở các tỉnh về đây học tập, công tác và khách vãng lai; cộng thêm bình quân mỗi tháng có khoảng 4.000 xe ôtô, 15.000 xe máy (có tháng lên tới 18.000 xe máy) đăng ký tại Phòng CSGT Hà Nội. Những vấn đề này đang làm cho giao thông ở Thủ đô Hà Nội trở nên rất căng thẳng.