Hàng không giảm cước vận chuyển hành khách nội địa

09:26 17/12/2014
Sau nhiều lần giá xăng dầu trong nước và thế giới đều giảm sâu, vận tải đường bộ cũng đang đà giảm giá, thì ngày 16/12, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã bắt đầu có văn bản đề nghị điều chỉnh giảm mức tối đa khung giá cước vận chuyển hành khách nội địa hạng vé phổ thông. Đây có thể coi là động thái tích cực khi vào dịp cuối năm nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, thời gian qua, giá nhiên liệu bay Jet A1 giảm mạnh, theo đó, mức tối đa khung giá cước vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông cần được xem xét, điều chỉnh phù hợp với tình hình biến động của giá xăng dầu. Liền sau đó, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải phương án điều chỉnh mức tối đa khung giá cước vận chuyển hành khách nội địa hạng vé phổ thông.

Cụ thể, Cục Hàng không lý giải, mức giá tối đa khung giá cước quy định tại Quyết định số 2967/QĐ-BTC ngày 6/12/2011 của Bộ Tài chính về mức tối đa khung giá cước vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay còn vị thế độc quyền được tính theo phương án giá xăng Jet A1 ở mức 130 USD/thùng, thuế nhập khẩu là 0% và căn cứ trên đường bay trong khung cự ly có chi phí cao nhất. 

Thời điểm tháng 12/2014, giá xăng Jet A1 tại khu vực Châu Á khoảng 84,7 USD/thùng (Nguồn: IATA - Hiệp hội Hãng hàng không quốc tế), thuế nhập khẩu 7% (Thông tư 185/2014/TT-BTC ngày 5/12/2014 của Bộ Tài chính), tính cả thuế nhập khẩu giá xăng Jet A1 là 90,63 USD/thùng. So với mức giá nhiên liệu được tính toán trong phương án mức tối đa khung giá cước của Bộ Tài chính, giá nhiên liệu giảm 43,4%. Chi phí nhiên liệu thường chiếm khoảng 39,5% tổng chi phí của các hãng hàng không Việt Nam, nên tổng chi phí của hãng sẽ giảm khoảng 17%.

Trên thực tế, hiện các hãng hàng không đều đang kê khai mức giá thấp hơn giá trần Cục Hàng không Việt Nam quy định. Vì vậy, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải có ý kiến đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh giảm mức tối đa khung giá cước vận chuyển hành khách nội địa hạng vé phổ thông như sau: Mức hiện hành: 5.000đ/hành khách.km. Mức đề nghị là 4.250đ/hành khách.km.

Trước đề xuất của Cục Hàng không, thì các hãng hàng không sẽ giải quyết khâu giảm giá vé thế nào? Trao đổi với phóng viên sáng 16/12, đại diện Hãng hàng không Jetstar Pacific (JPA) cho hay, chi phí xăng dầu hiện chiếm 42% tổng chi phí của hãng. Vì thế, giá dầu giảm là tín hiệu tốt để giảm chi phí, góp phần cải thiện chênh lệch với doanh thu trong bối cảnh cạnh tranh và đặc thù của hàng không nội địa, tạo nhiều cơ hội giá rẻ cho hành khách.

Cơ cấu giá vé của JPA có 12 loại, được phân phối từ thấp đến cao, trong đó mức giá sát trần chỉ bán được dưới 1%. Năm 2014, mức giá vé bình quân của JPA đã giảm trung bình khoảng 10%, riêng những tháng cuối năm giảm tới 20% so với cùng kỳ năm 2013 do tác động giảm giá nhiên liệu. Đại diện hãng VietJet Air (VJA) cũng cho biết, việc giảm giá trần cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cơ cấu giá vé.

Giá nhiên liệu giảm, hành khách sẽ có nhiều cơ hội bay với giá rẻ.

Trong thực tế, do cạnh tranh nên các hãng phải “nhìn nhau” và căn cứ vào sức mua để làm chính sách giá, chưa bao giờ sử dụng hết biên độ giá cho phép. Do đó, nếu điều chỉnh giá trần, cơ cấu giá cũng không biến đổi nhiều vì giá vé đã rất linh hoạt. Tại các hãng giá rẻ, khả năng bán được vé sát giá trần rất ít, như ở JPA chỉ chiếm khoảng 1%. Theo khảo sát của chúng tôi tại các website của cả 3 hãng VNA, VJA và JPA vào ngày 16/12, mức giá vé cao nhất chỉ còn 3,287 triệu đồng/lượt. Dù là ngày cao điểm nhất nhưng hành khách vẫn có cơ hội mua vé 2,753 triệu đồng/lượt nếu bay với JPA hoặc 2,786 triệu đồng/lượt nếu bay với VJA.

Theo quy định của Bộ Tài chính, hiện giá vé trần trên đường trục Hà Nội - TP Hồ Chí Minh là 3,4 triệu đồng/lượt, nếu tính đủ thuế, phí là 3,87 triệu đồng. Trong khi đó, giá vé trần cao nhất mà VNA đang áp dụng là 3,067 triệu đồng/lượt và dịp Tết là 3,287 triệu đồng. Giá vé cao nhất JPA đang bán là 2,8 triệu đồng/lượt. VJA cũng đang bán vé thấp hơn từ 10%-20% so với giá trần, tùy đường bay.

Nhà ga mới T2 Nội Bài chuẩn bị đi vào hoạt động

Chiều 16/12, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA) đã phát đi thông báo về kế hoạch chuyển đổi khai thác toàn bộ các chuyến bay quốc tế từ nhà ga hành khách T1 sang nhà ga mới T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Theo đó, từ 4h (giờ Hà Nội) ngày 31/12/2014, tất cả các chuyến bay quốc tế của VNA đi, đến sân bay quốc tế Nội Bài sẽ chính thức khai thác tại nhà ga mới T2. VNA cũng cho biết thêm, trước đó, ngày 25/12, Vietnam Airlines sẽ là hãng hàng không đầu tiên khai thác nhà ga mới T2 Nội Bài với chuyến bay VN661 khởi hành lúc 10h45 từ Hà Nội đi Singapore. Tiếp theo, trong giai đoạn từ ngày 26 – 30/12, Vietnam Airlines sẽ chuyển dần các chuyến bay quốc tế từ Hà Nội đi Singapore, Cao Hùng, Đài Bắc (Đài Loan) và Kuala Lumpur (Malaysia) sang khai thác tại nhà ga mới T2. Tương tự, thông tin từ Hãng hàng không VietJet Air cho biết, cũng từ ngày 25/12, hãng này sẽ bắt đầu chuyển một số chặng bay sang khai thác tại nhà ga T2. (T. Huyền)

Thanh Huyền

Sáng 17/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024. Chương trình nhằm biểu dương, tôn vinh và tri ân các nhà giáo tiêu biểu xuất sắc, có nhiều đổi mới sáng tạo và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước.

Trước ngày khởi công Dự án đường Vành đai 3 (18/6/2023) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến trước ngày 31/12/2023 sẽ bàn giao 100% mặt bằng phục vụ dự án. Nhưng thực tế việc giải phóng mặt bằng và thi công các gói thầu diễn ra rất chậm…

Tiếp tục quá trình điều tra vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu, nộp ngân sách Nhà nước” xảy ra tại Quảng Bình, trong 2 ngày 15 và 16/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã tiến hành khởi tố 11 bị can có liên quan và đang tiếp tục điều tra, mở rộng.

Bộ Xây dựng thống kê, giá bất động sản tại một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn. Điển hình như tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng ở cả dự án mới và cũ. Mặt bằng giá dự án mới quý III/2024 đã tăng từ 4-6% theo quý và từ 22-25% theo năm. Đặc biệt, có một số khu vực tăng cục bộ lên khoảng 35-40% tùy từng vị trí so với quý trước.

Ngày 17/11, thông tin từ Công an tỉnh Bình Phước cho biết đang tạm giữ 14 đối tượng về các hành vi mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, thu giữ hơn 6kg ma túy, 1 khẩu súng và nhiều phương tiện pha trộn, đóng gói ma túy.

Ngày 17/11, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Tháp đang tạm giữ hình sự Phạm Hải Đức (SN 1990, ngụ phường 1, Quận 4, TP Hồ Chí Minh) và Tăng Hạ Quốc Huy (Việt kiều Canada, SN 1988, tạm trú phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP Hồ Chí Minh)  để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong bối cảnh thị trường nhà ở đang mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng, giá nhà ngày càng tăng cao ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nhà ở của người dân, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thoả thuận về nhận quyền sử dụng đất sẽ giải quyết được một số tồn tại của thị trường bất động sản hiện nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文