Oằn mình lãnh đòn từ xe chở gỗ quá khổ, quá tải
- Tăng cường xử lý xe chở gỗ lậu trên đường Hồ Chí Minh
- Xe chở gỗ tràm quá tải hoành hành trên quốc lộ 1A
Vài năm trở lại đây, do giá gỗ keo nguyên liệu được thu mua ở mức cao và khá ổn định nên nhiều địa phương khu vực trung du, miền núi tỉnh Quảng Nam, người dân phát triển cây keo lá tràm thành cây trồng chủ lực. Trong đó tập trung nhiều nhất tại các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước…
Thời điểm này đến cuối tháng 11-2016 là mùa cao điểm thu hoạch gỗ keo. Riêng tại huyện Bắc Trà My, ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Trưởng phòng NN&PTNN huyện, cho biết, cây keo lá tràm được người dân trồng trên địa bàn từ năm 2005 thông qua dự án phát triển ngành lâm nghiệp (dự án WB3) về hỗ trợ nông dân trồng rừng. Từ vài chục hộ dân ban đầu tham gia chương trình mang lại hiệu quả kinh tế, cây keo nhanh chóng được nhân rộng ra trồng ở nhiều xã và trở thành cây trồng chủ lực trong xóa đói giảm nghèo của huyện. Người dân tận dụng mọi khoảng đất trống bỏ hoang để trồng keo.
Huyện đã đề ra hẳn một nghị quyết về trồng rừng, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển cây keo, với mục tiêu mỗi năm trồng mới khoảng 500ha. Đến nay, tổng diện tích trồng keo của huyện lên đến hơn 10.000ha. Trung bình mỗi năm trên địa bàn huyện Bắc Trà My có khoảng 600ha cây keo đến tuổi cho khai thác với sản lượng hàng chục ngàn mét khối gỗ, với tổng thu nhập từ việc bán gỗ keo nguyên liệu ước đạt khoảng 33 tỷ đồng.
Những ngày này, người dân Bắc Trà My rầm rộ vào thời điểm chính của vụ thu hoạch gỗ keo. Trên những con đường đi vào các xã Trà Kót, Trà Dương, Trà Đông, Trà Nú, Trà Đốc… luôn tấp nập những chuyến xe tải chở gỗ keo đã được bóc vỏ về xuôi bán cho các nhà máy để làm dăm gỗ cung cấp nguyên liệu sản xuất giấy. Tại thôn 1, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, anh Hồ Văn Chơn vui vẻ cho biết, anh vừa thu hoạch xong 1ha gỗ keo và thuê xe vận chuyển về bán cho cơ sở thu mua tại huyện Núi Thành.
Theo quan sát của chúng tôi, chiếc xe được anh Chơn thuê phải “oằn mình”, vì được xếp đầy những đoạn cây keo đã được bóc vỏ. Vào khoảng cuối giờ chiều hằng ngày, trên tuyến QL40B đi qua địa bàn huyện Tiên Phước, Bắc Trà My, dễ dàng bắt gặp hàng chục chiếc xe chở keo cồng kềnh, quá khổ, cơi nới chiều cao, cơi nới chiều dài nối đuôi nhau chạy xuống các điểm thu mua tại TP Tam Kỳ và huyện Núi Thành.
Do QL40B là tuyến đường độc đạo kết nối giữa các huyện miền núi phía Nam của tỉnh Quảng Nam với khu vực đồng bằng nên lưu lượng người tham gia giao thông rất cao. Trong khi bề ngang mặt đường lại hẹp, nhiều đoạn đèo dốc và khúc cua ngoằn ngoèo nên việc những chiếc xe keo quá khổ lưu thông trên đường tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT.
Xe tải chở gỗ keo cơi nới chiều dài khoảng 1,5m, chạy trên quốc lộ 40B gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. |
Bà Trần Thị Quyên, một người dân ở xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My, cho biết, người dân ở đây lưu thông trên tuyến QL40B hiện nay sợ nhất là xe tải chở gỗ keo, vì xe chở quá khổ lại chiếm hết phần đường đi. Những chiếc xe chở gỗ keo từ trong các ngả đường của các xã ra quốc lộ, nhiều xe chở dư về phía sau tới hơn 1,5m và thường chạy nhiều nhất vào thời điểm sau 17h30 đến tối muộn, là thời điểm tập trung đông đúc lưu lượng người tham gia giao thông sau khi tan giờ làm việc…
Thượng tá Phan Thanh Tuấn, Trưởng Công an huyện Bắc Trà My trao đổi rằng, Công an huyện đã tổ chức ký cam kết với các đầu xe chở gỗ keo về việc chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ; đồng thời triển khai việc cân tải trọng lưu động, nhưng tình trạng xe chở gỗ keo quá khổ, quá tải vẫn diễn ra phổ biến. Từ đầu năm đến nay, Công an huyện Bắc Trà My đã tiến hành xử phạt 120 trường hợp xe quá khổ, quá tải, trong đó phần lớn là các xe tải chở gỗ keo. Trung bình mỗi ngày có khoảng 40-50 lượt xe chở gỗ keo nguyên liệu xuống các điểm thu mua tại huyện Núi Thành, TP Tam Kỳ.
Để tăng cường đảm bảo TTATGT, Công an huyện tuần tra kiểm soát và cân tải trọng lưu động đối với những xe chở gỗ keo quá tải đi qua địa bàn. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn vì ở huyện Bắc Trà My, ngoài QL40B đi qua còn có QL24C đi qua. Do đó, khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, cân tải trọng trên tuyến đường này thì các xe keo lại đi đường khác, và ngược lại, khiến công tác kiểm soát tải trọng đối với các xe chở keo chưa được thực hiện triệt để…
Còn Đại tá Nguyễn Văn Cự, Trưởng Công an huyện Tiên Phước cho hay, xe tải chở gỗ keo quá tải, quá khổ không chỉ gây mất ATGT, mà còn làm hư hỏng nhiều tuyến đường giao thông. Mặc dù Công an huyện Tiên Phước cũng đã liên tục tuần tra kiểm soát xe tải chở gỗ keo quá khổ, mời các chủ phương tiện lên ký cam kết về đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, song khó khăn nhất trong việc xử lý dứt điểm tình trạng này một phần xuất phát từ việc đơn vị không được trang bị cân tải trọng…