Hiệu quả “mắt thần” giám sát đô thị ở Cố đô Huế

07:22 03/10/2020
Sau gần 1 năm triển khai, công tác giám sát đô thị qua camera của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh Thừa Thiên-Huế đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực khi hình ảnh thu được từ các “mắt thần” đã giúp cơ quan Công an xử lý những phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ (GTĐB), góp phần đảm bảo TTATGT địa bàn.


Nếu như trước đây, nhiều người điều khiển xe máy, ôtô lưu thông qua các tuyến đường ở trung tâm TP Huế cố tình vượt đèn đỏ, hoặc đậu đỗ phương tiện không đúng quy định thì từ cuối năm 2019 đến nay, thực trạng này đã giảm đáng kể, ý thức chấp hành Luật GTĐB của người dân được nâng lên rõ rệt. Kết quả này một phần nhờ vào công tác “phạt nguội” của cơ quan Công an thông qua hình ảnh từ hệ thống camera của Trung tâm IOC thu được.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, từ ngày 1/1/2019, sau khi hoàn thành lắp đặt, kết nối 250 camera về Trung tâm IOC, các hành vi vi phạm Luật GTĐB trên địa bàn được ghi nhận trực tiếp từ hệ thống camera do IOC quản lý và hình ảnh được các cá nhân, tổ chức phản ánh qua kênh tiếp nhận của IOC đã được Trung tâm xác minh, chuyển đến cơ quan Công an để xử phạt theo quy định.

Cán bộ Trung tâm IOC tỉnh Thừa Thiên-Huế kiểm tra vi phạm từ hình ảnh camera kết nối.

Tìm hiểu được biết, toàn bộ dữ liệu được ghi nhận tại hệ thống cảm biến camera lắp đặt trên địa bàn TP Huế đều được chuyển về Trung tâm IOC. Thông qua giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống sẽ phân tích và đưa ra các cảnh báo vi phạm.

Ông Bùi Hoàng Minh, Phó Giám đốc Trung tâm IOC, cho hay, sau khi hệ thống máy tính tự động ghi nhận, in hình ảnh phương tiện vi phạm với đầy đủ thông tin có liên quan như: Địa điểm, thời gian, vị trí, lỗi, biển kiểm soát phương tiện vi phạm, nếu các phương tiện vi phạm lỗi “tĩnh” về dừng đỗ không đúng nơi quy định, thông tin hình ảnh sẽ nhanh chóng chuyển đến Công an TP Huế để đơn vị chỉ đạo lực lượng CSGT, Công an phường đến hiện trường xử lý trực tiếp.

Đối với các lỗi “động”, như: Vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng… cơ quan Công an sẽ xác minh và gửi giấy mời người vi phạm đến xử lý. Điều đáng nói, do phần mềm được triển khai theo cơ chế giám sát lưu vết nên không thể can thiệp xóa dữ liệu. Tất cả các thông tin, hình ảnh vi phạm đều được công khai trên website của Trung tâm IOC để người dân giám sát nên không có chuyện có thể can thiệp xử lý vi phạm.

Qua gần 1 năm thực hiện công tác phạt nguội phương tiện vi phạm Luật GTĐB, đến nay Trung tâm IOC tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tiếp nhận hơn 3.500 phản ánh liên quan đến vi phạm giao thông. 

Theo Thượng tá Lê Viết Phương, Phó trưởng Công an TP Huế, thông qua hệ thống camera, Trung tâm IOC đã kịp thời cung cấp các dữ liệu hình ảnh phục vụ cho công tác điều tra đối tượng vi phạm pháp luật trên đường phố, nhất là các vụ TNGT mà người gây tai nạn bỏ trốn khỏi hiện trường.

Thống kê sơ bộ, 9 tháng đầu năm 2020, địa bàn TP Huế xảy ra 292 vụ TNGT, khiến 21 người chết, 264 người khác bị thương (so với cùng kỳ giảm 105 vụ, giảm 13 người chết và giảm 107 người bị thương). Công an TP Huế đã lập biên bản 9.153 trường hợp vi phạm Luật GTĐB, tạm giữ gần 2.000 lượt phương tiện, phạt tiền hơn 9,1 tỷ đồng, trong đó phạt hơn 1 tỷ đồng đối với trường hợp vi phạm thông qua dữ liệu, hình ảnh từ Trung tâm IOC cung cấp.

“Với sự hỗ trợ từ các dữ liệu thông tin, hình ảnh từ Trung tâm IOC đã giúp lực lượng CSGT nâng cao hiệu quả công tác, nâng cao được ý thức của người dân trong việc chấp hành Luật GTĐB, góp phần đảm bảo TTATGT, trật tự đô thị, làm giảm hành vi vi phạm giao thông và số vụ TNGT”.

Ông Bùi Hoàng Minh bày tỏ rằng, thời gian tới, bằng nhiều hình thức khác nhau và xã hội hóa, Trung tâm IOC Thừa Thiên-Huế sẽ nghiên cứu, lắp đặt thêm nhiều camera ở các vị trí trọng điểm, nhiều tuyến đường thường xảy ra ùn tắc giao thông, TNGT, phấn đấu toàn tỉnh có 1.500 camera theo đúng quy hoạch. Đồng thời, tăng cường phối hợp với cơ quan Công an tổ chức tập huấn, nâng cao nghiệp vụ xác minh dữ liệu đầu vào để phục vụ tốt hơn công tác nắm bắt vi phạm, chuyển dữ liệu cho cơ quan Công an có cơ sở xử lý nhanh chóng, kịp thời, chính xác và hiệu quả.

Anh Khoa

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đại diện cử tri, thực hiện những quyền hạn, nhiệm vụ về giám sát, bảo vệ lẽ phải, giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Từ vụ án của ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân cho thấy, cần xem xét bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc giám sát ĐBQH tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và góp phần phòng ngừa vi phạm.

Thông tin trên được Tỉnh ủy Lâm Đồng công bố tại hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 15/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII diễn ra ngày 27/12.

UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan loại bỏ chức năng nhà ở thương mại đối với lô đất 94 Lò Đúc. Ngay trong nửa đầu năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành công tác đầu tư theo hướng xây dựng không gian hiện đại về thương mại - dịch vụ. 

Ngày 27/12, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vừa ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Đức Hòa (SN 1989, trú tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Võ Thành Đạt (SN 2000, trú tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hai phóng viên đến mỏ cát trên địa bàn xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình và đe dọa sẽ viết bài liên quan đến các sai phạm của mỏ cát này và yêu cầu chủ mỏ cát phải chung chi 50 triệu đồng để bỏ qua.

Đến trưa 27/12, Công an TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) vẫn đang phong tỏa hiện trường vụ cháy xảy ra tại dãy nhà trọ cao 5 tầng trong hẻm 63, đường số 10, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức để làm rõ nguyên nhân vụ cháy khiến 2 người tử vong, 8 người bị thương.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文