Lập tổ phản ứng nhanh xử lý sự cố về hạ tầng và ùn tắc giao thông
Đến nay, Sở GTVT đã xây dựng được khoảng 20 nhóm phản ứng nhanh liên kết qua viber, chia ra từng khu vực như nhóm Đông Bắc, Tây Nam và khu vực trung tâm thành phố cũng như các khu vực “nóng” trên địa bàn thành phố về tình hình ùn tắc giao thông như cảng Cát Lái, sân bay Tân Sơn Nhất… Tham gia vào các nhóm phản ứng nhanh qua viber này có lực lượng CSGT của Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh và Đội CSGT Công an các quận huyện; các phòng chuyên môn của Sở GTVT, các Khu quản lý giao thông đô thị và Thanh tra GTVT.
Một trong những đơn vị quan trọng là Trung tâm Giám sát giao thông đặt tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn. Đơn vị này tham gia với vai trò cung cấp thông tin về ùn tắc, tai nạn, sự cố hạ tầng giao thông qua hệ thống camera giám sát trên địa bàn thành phố. Ngay khi phát hiện ra tai nạn, ùn tắc hoặc sự cố về hạ tầng giao thông, Trung tâm Giám sát giao thông sẽ đưa thông tin cụ thể về vị trí, địa điểm xảy ra sự cố, tai nạn hoặc tình hình ùn tắc lên viber của nhóm.
Nhận được thông tin trên nhóm, trách nhiệm thuộc lực lượng nào thì đơn vị đó sẽ bố trí cán bộ có mặt giải quyết. Chẳng hạn với thông tin về tai nạn hoặc va chạm của phương tiện, CSGT sẽ cử cán bộ chiến sĩ lập tức có mặt, kịp thời giải quyết để phòng ngừa ùn tắc. Với các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông của phương tiện, chỉ cần Trung tâm Giám sát giao thông đưa thông tin, hình ảnh vi phạm lên viber, các tổ tuần tra, kiểm soát của CSGT hoặc Thanh tra GTVT sẽ lập tức có mặt để giám sát, xử lý.
Màn hình hiển thị tình hình giao thông trên các tuyến đường do hệ thống camera truyền về Trung tâm Giám sát giao thông. |
Với các đơn vị được cấp phép thi công trên đường, hệ thống camera giám sát giao thông và các lực lượng tuần tra, kiểm soát cũng sẽ tham gia giám sát thời gian được phép thi công, hoàn trả mặt đường. Đơn vị nào không chấp hành, Thanh tra GTVT và các Khu quản lý giao thông đô thị sẽ lập tức cử cán bộ xuống hiện trường, lập biên bản xử lý vi phạm.
Theo ông Phạm Lê Lâm, Phó Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp - Thanh tra Sở GTVT, các đơn vị chức năng tham gia nhóm phản ứng nhanh qua ứng dụng viber cũng coi đây là một kênh giám sát. Bất kể lực lượng nào khi tiến hành kiểm tra, giám sát trên đường phát hiện tình trạng sự cố hạ tầng, cây xanh hoặc giải phân cách ngã đổ hay cống nắp hố ga trên mặt đường bị hư hỏng đều chụp hình, ghi nhận thông tin để nhắn lên viber của nhóm phản ứng nhanh.
Trách nhiệm khắc phục sau đó thuộc đơn vị nào, đơn vị đó phải bố trí nhân sự để làm. Sau khi khắc phục xong, các đơn vị quản lý địa bàn cũng sẽ chụp hình, gửi thông tin lên nhóm. Việc khắc phục sự cố hạ tầng qua nhóm phản ứng nhanh trên viber nhiều khi chỉ mất vài phút.
Chẳng hạn, qua hệ thống camera giám sát trên địa bàn thành phố, Trung tâm Giám sát giao thông phát hiện quốc lộ 50 và đường Tạ Quang Bửu, quận 8 xe đông, phương tiện di chuyển khó khăn nên đã báo Phòng CSGT qua viber. Chỉ 3 phút sau, lãnh đạo Đội CSGT Đa Phước đã phản hồi nhận được thông tin và bố trí lực lượng trực tiếp có mặt điều tiết. Khoảng 10 phút sau, Trung tâm thông tin lại trên nhóm các khu vực trên phương tiện đã lưu thông ổn định.
Với sự cố về hạ tầng giao thông cũng vậy, nếu như trước đây, đơn vị phát hiện sự cố, khuyết tật hạ tầng phải làm văn bản báo cáo chính xác vị trí và tình trạng sự cố rồi gửi về đơn vị chủ quản cấp đội, phòng. Sau đó các cấp này tiếp tục có văn bản để nghị gửi Công an thành phố hoặc Sở GTVT chỉ đạo xử lý. Do đó ít nhất cũng phải mất cả tuần lễ sau sự cố mới được khắc phục; việc phản hồi lại bằng văn bản sau khi khắc phục cũng phải mất thêm vài ngày, thay vì một vài giờ hoặc trong ngày như thông tin trên viber thời gian gần đây.
Từ kết quả đạt được thời gian qua, ông Lâm cho rằng, việc lập các nhóm liên kết qua ứng dụng viber giữa các lực lượng chức năng và đơn vị chuyên trách đã tạo ra phản ứng cực nhanh trong xử lý sự cố về hạ tầng giao thông. Do vậy, các nhóm phản ứng nhanh liên kết qua viber giữa Thanh tra GTVT và các Khu quản lý giao thông độ thị hiện đã cập nhật thành viên tham gia tới từng cá nhân thanh tra viên. Với nhóm của các khu vực thuộc cấp Sở và Công an thành phố, việc cập nhật thành viên cũng đã được thực hiện với cán bộ CSGT và cán bộ chuyên viên của các phòng, ban thuộc Sở GTVT nhằm có thể chủ động triển khai trước khi có chỉ đạo của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị.
Về công tác giám sát của lãnh đạo các đơn vị, theo ông Lâm dữ liệu lưu trên viber là căn cứ để chỉ đạo điều hành. Lãnh đạo các đơn vị cũng tham gia vào các nhóm phản ứng nhanh qua viber này nên các đội, đơn vị phụ trách địa bàn không giải quyết kịp thời sẽ lập tức bị nhắc nhở.