Nan giải việc kiểm soát khí thải, thu hồi xe máy cũ nát
Theo thống kê từ Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, hiện trên toàn thành phố có khoảng 5,5 triệu xe mô tô, xe máy. Đây vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu của phần lớn người dân và có xu hướng gia tăng nhanh. Đáng nói, chiếm tỷ lệ không nhỏ trong số này là những xe được sản xuất, sử dụng từ những năm 90 của thế kỷ trước; thậm chí có nhiều xe tuổi thọ đã trên 30 năm vẫn đang tham gia giao thông.
Tương tự, theo thống kê của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến 1-3-2018, toàn thành phố có xấp xỉ 7,5 triệu xe gắn máy, 677.309 xe ô tô. Cả hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh đều cho rằng, do chưa được kiểm soát khí thải nên xe máy đang là một trong những nguồn phát thải chính, gây ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, xe máy cũ không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật cũng là nguyên nhân gây ra TNGT. Do đó, cần có hành lang pháp lý để kiểm soát khí thải đối với xe máy, tiến tới thu hồi xe cũ nát, không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Sau Hà Nội, vừa qua TP.Hồ Chí Minh cũng đã trình Bộ GTVT xem xét cho TP Hồ Chí Minh được kiểm soát khí thải đối với môtô, xe gắn máy.
Thậm chí, theo TP Hồ Chí Minh, thì quy định về tiêu chuẩn khí thải đối với ôtô đang lưu hành hiện cũng ở mức thấp, không đảm bảo. Bởi việc kiểm tra khí thải của xe ôtô đang lưu hành được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT ngày 9-11-2015 của Bộ GTVT quy định về kiểm định kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Còn xe gắn máy thì hiện chưa có quy định kiểm tra khí thải đối với xe đang lưu hành.
Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ GTVT trong trường hợp chưa thể ban hành quy định về kiểm tra khí thải đối với xe mô tô đang lưu hành trên địa bàn cả nước, thì đề xuất Bộ GTVT hướng dẫn các thủ tục cần thiết để có thể thực hiện thí điểm việc kiểm tra khí thải đối với xe môtô đang lưu hành trên địa bàn.
Nhiều địa phương muốn thu hồi xe máy cũ, nát nhưng chưa có cơ sở. |
Ở một khía cạnh khác, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, lộ trình thải loại xe máy cũ nát trên địa bàn Hà Nội cũng đang gặp một số vướng mắc nhất định; chủ yếu là do hành lang pháp lý vẫn chưa đầy đủ, hoàn thiện. Việc chưa triển khai thực hiện Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố theo đúng lộ trình của Chính phủ là một khó khăn.
“Hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến kiểm tra khí thải xe môtô, xe gắn máy vẫn chưa được xem xét, phê duyệt và ban hành. Có thể nói chúng ta vẫn chỉ đang “ngấp nghé” bên hành lang pháp lý mà thôi”..
Tuy vậy, trả lời về vấn đề này, Bộ GTVT cho rằng, căn cứ nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 17-6-2010 phê duyệt “Đề án kiểm soát khí thải xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố”, Bộ GTVT đã nghiên cứu, rà soát về: Mức tiêu chuẩn khí thải; biện pháp kiểm soát bảo đảm tiêu chuẩn khí thải; chu kỳ kiểm định khí thải; hệ thống các cơ sở kiểm tra khí thải; quy trình thủ tục thực hiện việc kiểm tra khí thải; giá dịch vụ kiểm định để đề xuất các biện pháp thực hiện, trình Thủ tướng Chính phủ lộ trình kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tại các thành phố.
“Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ; nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách về cải thiện chất lượng không khí đô thị, Sở GTVT có thể báo cáo UBND TP đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm trước việc kiểm soát khí thải xe môtô, xe gắn máy tại TP Hồ Chí Minh”, đại diện Bộ GTVT cho hay.
“Để kiểm soát an toàn khí thải cũng như an toàn kĩ thuật cho xe máy, cần phải có lộ trình để thực hiện. Thứ nhất, xây dựng các văn bản pháp luật, xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các xe máy tham gia giao thông để xác định xe khi tham gia lưu thông cần phải kiểm tra định kỳ. Qua kiểm tra thì so sánh với quy chuẩn để xác định được xe nào đủ tiêu chuẩn để được lưu thông.”, ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam chia sẻ. |