Nghỉ Tết Dương lịch 2021: Khách đông nhưng nhà xe không tăng giá
Chiều 31/12, dù chưa phải chính thức ngày nghỉ lễ, song trên dọc tuyến đường Giải Phóng lượng xe dồn về bến phía Nam mỗi lúc một đông. Ngay tại nút giao Giải Phóng-Kim Đồng và Định Công đã xảy ra ùn tắc cục bộ. Phương tiện nhích từng mét, còi xe bấm inh ỏi.
Trên các tuyến xe buýt về bến như tuyến 03 (bến xe Gia Lâm-bến xe Giáp Bát), tuyến 32 (Giáp Bát-Nhổn), tuyến 27 (Giáp Bát-Hà Đông)…, hành khách trên xe cũng ken cứng, ai cũng tay xách hành lý, balo để về nghỉ Tết Dương lịch. Phía trong bến xe phía Nam, các tuyến xe về địa bàn huyện của các tỉnh thành rất đông đúc.
Đơn cử, xe khách Hào Hương chạy tuyến Hà Nội-Nông Cống (Thanh Hóa), nhiều người dân đứng thành đoàn để chờ xe về bến. Khi xe vừa vào vị trí đỗ, hành khách vội vã chen chân lên với mong muốn tìm cho mình một vị trí ngồi. Ngay kế bên, tuyến xe chạy lộ trình Hà Nội-La Tiến (Hưng Yên) dù xe lên tới 45 chỗ ngồi nhưng chỉ sau vài phút đã lấp đầy.
Phía dưới, nhiều khách vẫn đang chờ lượt xe sau để sớm có thể về quê. Ngồi bệt ngay trước vị trí điểm đỗ xe về huyện Nông Cống (Thanh Hóa), bác Vũ Nguyên làm nghề thợ xây đang sốt ruột chờ xe về bến. Bác bảo, do đang xây nhà phía bên Gia Lâm, ngay từ đầu giờ chiều, bác đã bắt xe buýt để sang bến xe Giáp Bát đón xe về quê. Tuy nhiên, khi đến bến, lượng xe về qua xã ngày chỉ có vài lượt nên nếu đã lỡ chuyến thì sẽ phải chờ khoảng 1 giờ đồng hồ mới có thể lên xe để hồi hương.
“Tính thời gian từ Hà Nội về tới nhà nếu thuận lợi đường xá sẽ rơi vào khoảng 3-4 tiếng. Tuy nhiên, ngày cao điểm Tết Dương lịch thì không biết đường có tắc không. Tôi chỉ mong về nhà sớm nhất có thể để nghỉ ngơi”, bác Nguyên chia sẻ. Trái ngược lại, các tuyến xe khách đi về thành phố lại khá trống trải. Với số lượng phương tiện nhiều và tần suất liên tục nên đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Do đó, các tuyến này lượng khách khá dàn trải và không dồn cục bộ về một thời điểm như tuyến xe huyện.
Ở bến xe Mỹ Đình, khu vực nhà bán vé cũng rất đông người dân vào mua, nhất là các tuyến về tỉnh Phú Thọ, Lào Cai. Để phòng, chống dịch COVID-19, các đơn vị bến xe cũng bố trí người chốt trực ở ngay các cửa vào khu vực xe khách đỗ. Nếu hành khách không có khẩu trang, nhân viên bến xe sẽ yêu cầu quay ra ngoài để mua và đeo khẩu trang. Cạnh đó, nước sát khuẩn rửa tay cũng đã được để nhằm phòng, chống dịch một cách tốt nhất.
Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết, kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2021 diễn ra vào ngày thứ Sáu nên người lao động sẽ được nghỉ 3 ngày, dự kiến lượng khách đến bến xe sẽ tăng từ 30-50%. Để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách, theo ông Toàn, Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã có kế hoạch tăng cường 200 lượt xe cho cả 3 bến.
Cụ thể, bến xe Giáp Bát được tăng cường 80 lượt xe, chủ yếu cho các tuyến có đông hành khách đi lại, như Thanh Hoá, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình…; tăng cường 90 lượt xe cho bến Mỹ Đình tập trung ở các tuyến Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh...; tăng cường 30 lượt xe cho bến xe Gia Lâm cho các tuyến Hải Phòng, Quảng Ninh…
Đề cập đến giá vé đi lại, ông Toàn cho biết đến sáng 31-12 các doanh nghiệp vận tải đang hoạt động tại các bến xe như Mỹ Đình, Giáp Bát cũng không thấy thông báo tăng giá vé. “Do vậy, dịp Tết Dương lịch năm nay, giá vé xe khách từ các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm đi về các tỉnh được niêm yết giá ổn định như lâu nay. Lái phụ, xe không được phép thu thêm tiền của hành khách và người dân nên vào bến mua vé để tránh tình trạng bị nhà xe hét giá khi bắt khách dọc đường,” ông Toàn nói.