Người dân sẽ nộp tiền phạt vi phạm giao thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia như thế nào?

09:04 02/03/2020
Theo dự kiến, ngày 12-3 tới đây, Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Bình Thuận là 5 địa phương sẽ được thí điểm về việc nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia (DVCQG).

Nội dung này đang nhận được sự đồng tình và quan tâm lớn của người dân, bởi việc cải tiến phương pháp nộp phạt qua mạng được kì vọng sẽ giúp giảm thời gian, tạo thuận lợi cho người dân, đồng thời từng bước hoàn thiện Chính phủ điện tử. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo CAND đã phỏng vấn Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT - Bộ Công an.

Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, đồng chí có thể cho bạn đọc Báo CAND biết, mục đích của việc thí điểm nộp phạt vi phạm hành chính vi phạm giao thông qua Cổng DVCQG?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an về thực hiện cơ chế liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG liên quan đến người dân và doanh nghiệp, Cục CSGT đã phối hợp với các đơn vị liên quan của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính tiến hành nâng cấp, tích hợp, cung cấp dịch vụ thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng DVCQG. 

Thông qua Cổng DVCQG, người dân có thể sử dụng các dịch vụ để tiến hành nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thay vì việc phải trực tiếp đến các kho bạc, ngân hàng nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời có thể đăng ký địa chỉ để nhận lại các giấy tờ bị cơ quan công an tạm giữ sau khi đã thực hiện hoàn thành xong quyết định xử phạt.

Đây chính là mục đích phấn đấu của lực lượng CSGT phục vụ người dân, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức và cơ quan thẩm quyền trong cung cấp dịch vụ công, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Người vi phạm giao thông sẽ thuận lợi hơn khi nộp phạt qua Cổng dịch vụ công Quốc gia. Ảnh minh họa: CTV.

Phóng viên: Tại sao Cục CSGT lại chọn 5 tỉnh, thành phố trên để thí điểm nộp phạt, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Qua thống kê, chúng tôi xác định 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông chiếm gần 1 nửa vi phạm của cả nước. Chính vì vậy, chúng tôi lựa chọn 5 địa phương trên để triển khai thí điểm.

Phóng viên: Hiện nay, Cục CSGT đã chuẩn bị những gì để việc thí điểm nộp phạt của người dân 5 tỉnh, thành phố nói trên được thuận lợi, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Thực hiện Nghị quyết 12 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính và đo lường sự hài lòng của người dân thì đây là một trong những bước đi để thực hiện Nghị quyết. Khi Cổng thông tin dịch vụ công của Chính phủ đăng lên, người dân có thể lựa chọn việc nộp phạt xử phạt hành chính qua Cổng DVCQG.  

Theo đó, người dân có thể ngồi tại nhà, tra cứu trên đó sẽ thấy các trường thông tin và sẽ nhập thông tin xử phạt hành chính của mình vào. Cụ thể, để có thể nộp phạt, người dân nhập số biên bản xử phạt hành chính, thời gian vi phạm, họ tên người vi phạm, biển số xe. Sau khi nhập các thông tin trên sẽ ra quyết định xử phạt. 

Theo đó, người dân sẽ lựa chọn nộp tiền phạt qua ngân hàng nào. Bên cạnh đó, họ có quyền lựa chọn đến nơi nộp phạt vi phạm lấy giấy tờ hoặc gửi qua bưu điện về địa chỉ của người nhận. Tiêu chí của chúng tôi là làm sao để người dân được thuận lợi nhất, dễ dàng nhất, nhanh nhất.

Việc triển khai thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua Cổng DVCQG là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, do đó cần sự phối hợp giữa người nộp tiền phạt và các cơ quan quản lý nhà nước như Công an, Kho bạc, Ngân hàng, Đơn vị Bưu điện chuyển phát giấy tờ, các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông (Vinaphone, Viettel…) cũng như trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ, nhiệm vụ được giao của từng đơn vị, cá nhân khi triển khai thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ của từng người, từng đơn vị.

Đến nay, Cục CSGT đã phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lực lượng CSGT. Phối hợp với Kho bạc Nhà nước hoàn thiện các nội dung liên quan đến thủ tục biên lai thu tiền xử phạt vi phạm hành chính. Hoàn thiện các bước kết nối việc xử phạt vi phạm hành chính từ Công an các địa phương đến Cục CSGT và từ Cục CSGT đến Cổng DVCQG, để thông qua đó người dân có thể tra cứu các thông tin cần thiết phục vụ việc thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Phóng viên: Theo đồng chí việc tích hợp thông tin xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông giữa Bộ Công an và Cổng DVCQG và các đơn vị liên quan có gặp khó khăn gì không?  Việc thử nghiệm vận hành đã thực hiện được bao nhiêu lâu, đã gặp trục trặc gì chưa?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục CSGT hết sức quyết liệt. Chúng tôi đã phối hợp với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan chức năng để kiểm tra, phối hợp với  tiêu chí nghiệp vụ của CSGT phù hợp với hệ thống tin học của Văn phòng Chính phủ. Chúng tôi đã thí điểm từng giai đoạn để làm sao việc người dân nộp tiền vi phạm qua Cổng DVCQG đạt được hiệu quả, đáp ứng được nguyện vọng của người dân.

Để cung cấp được dịch vụ thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đến người dân, thì trước hết người dân phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cho cơ quan Công an (địa chỉ liên hệ, số điện thoại…), từ đó có thể kết nối, thông báo nhanh chóng đến người vi phạm, rút ngắn thời gian cũng như các thủ tục trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính. Người dân cũng cần kiểm tra cẩn thận tài khoản Ngân hàng tránh việc sai sót trong việc chuyển tiền vi phạm trên Cổng DVCQG. Sau khi hoàn thành việc nộp tiền phạt vi phạm theo đúng quy định cần kiểm tra lại chứng từ.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, sau khi thí điểm, dự kiến bao giờ sẽ triển khai nhân rộng ra cả nước?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Khi đưa một vấn đề mới, bao giờ cũng phát sinh khó khăn, vướng mắc, việc thí điểm nộp phạt vi phạm hành chính qua Cổng DVCQG cũng như vậy. Từ dự báo tình hình và thực tế trong quá trình thực hiện, chúng tôi sẽ tổng hợp các thuận lợi, khó khăn, vướng mắc đó để rút kinh nghiệm triển khai trên diện rộng. 

Trong đó, sẽ có lộ trình để làm sao chúng ta áp dụng trên cả nước. Việc thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ là dịch vụ lần đầu được triển khai thực hiện, nên Cục CSGT đã nghiên cứu, dự báo các khó khăn, vướng mắc sẽ phát sinh và đề ra phương án giải quyết. Đến quý III năm 2020, dịch vụ này sẽ được triển khai trong cả nước.

Phóng viên: Trên thực tế, có rất nhiều thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về đảm bảo TTATGT. Những thủ tục này có được triển khai qua Cổng DVCQG không thưa đồng chí?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Cũng từ ngày 12-3-2020, Bộ Công an sẽ tiến hành triển khai cung cấp dịch vụ trực tuyến thu lệ phí trước bạ đăng ký phương tiện giao thông đường bộ trên Cổng DVCQG tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trên cơ sở các kết quả đạt được khi triển khai tại 2 thành phố, Bộ Công an sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai đến các tỉnh, thành phố còn lại.

Chúng tôi cũng đang nghiên cứu tích hợp các thủ tục hành chính khác trong lĩnh vực quản lý nhà nước về TTATGT để có thể đưa lên Cổng DVCQG sớm nhất với mục tiêu cải cách hành chính, phục vụ tốt nhất nhu cầu chính đáng của người dân.

Trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Cục trưởng!

Phương Thuỷ (thực hiện)

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Riêng quy định liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT của luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Ngày 27/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ II (2024 - 2029). Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đến dự Đại hội. Cùng dự Đại hội còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các tổ chức hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật cùng đông đảo người làm điện ảnh trên cả nước.

Ngày 27/11, trao đổi với PV Báo CAND, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, qua công tác tuần tra kiểm soát từ ngày 1/11 đến hết ngày 24/11, lực lượng CSGT toàn thành phố đã xử lý 2.291 trường hợp vi phạm giao thông liên quan đến học sinh. Trong số này có 517 trường hợp lái xe khi không đủ điều kiện, xử phạt 275 trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện.

Tại hiện trường sạt lở, mưa gió vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, một khối lượng lớn bùn non vẫn tràn xuống mặt đường. UBND huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) cho biết, lượng mưa tại khu vực có tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan qua địa bàn huyện, trong những ngày qua lên tới 1.099mm và 2.577mm, đỉnh Bạch Mã thậm chí vượt 2.997mm...

Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự đang được dư luận và các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ rất cao. Dư luận xã hội và ĐBQH đánh giá, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay, tránh để tồn tại thực trạng tài sản “đóng băng”, không lưu thông, hay nằm “phơi sương, phơi nắng” trong khi đất nước đang rất cần nguồn lực để phát triển.

Khi đến thôn Phú Tuyên, xã Bình Tiến thì các đối tượng phát hiện cháu Đinh Hồng Tài (SN 2008) chở theo Lê Nhật Huy (SN 2007) bằng xe đạp. Lúc này, các đối tượng điều khiển xe mô tô ép sát đạp, dùng hung khí dí vào cổ cháu Huy để cướp tài sản…

Sáng 27/11, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh dại...

Thời gian qua, một số cơ sơ chuyên mua bán hải sản trên các tuyến đường thuộc phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đã tổ chức hoạt động kinh doanh tràn lan, bất chấp quy định pháp luật về sử dụng vỉa hè, lòng, lề đường, gây mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị.

Một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt hơn một năm giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và nhóm chiến binh Hezbollah đã giành được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo Israel, làm dấy lên cả hy vọng lẫn những câu hỏi tại một khu vực đang bị chiến tranh tàn phá.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文