Nhiều bất cập về xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn giao thông
- Đảm bảo trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội đường thủy nội địa
- Mất an toàn giao thông trên đại lộ “ngàn tỷ” ở Hà Nội
- Ký cam kết an toàn giao thông đường bộ ở địa bàn “nóng” về tai nạn
PV: Xin đồng chí cho biết, việc thi hành Luật XLVPHC năm 2012, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quá trình xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của lực lượng CSGT thời gian qua?
Đại tá Lê Xuân Đức: Những năm qua, lực lượng CSGT toàn quốc thường xuyên triển khai quyết liệt công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trên các tuyến đường giao thông, nhất là trên các tuyến giao thông trọng điểm, địa bàn phức tạp, xảy ra nhiều TNGT. Tại các địa bàn phức tạp về TTATGT, đã huy động tối đa các lực lượng CSGT và Cảnh sát khác, Công an xã thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm, tập trung vào các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT và ùn tắc giao thông...
Kết quả, từ ngày 15-6-2012 đến ngày 16-3-2017, lực lượng CSGT toàn quốc đã lập biên bản 45.469.607 trường hợp vi phạm, phạt tiền 25.966,4 tỷ đồng. Trong đó, trên tuyến đường bộ, đã kiểm tra và lập biên bản xử lý 44.525.814 trường hợp vi phạm; phạt tiền 25.419,6 tỷ đồng; tước 1.725.013 GPLX; tạm giữ 151.895 ôtô, 2.661.356 môtô và 55.795 phương tiện khác.
Trên tuyến đường sắt, trong thời gian này, lực lượng CSGT cũng đã kiểm tra và lập biên bản xử phạt 7.404 trường hợp vi phạm hành chính về TTATGT đường sắt, phạt tiền 2,084 tỷ đồng. Còn đối với tuyến đường thủy nội địa, số vi phạm bị lập biên bản xử lý là 936.389 trường hợp vi phạm, nộp Kho bạc Nhà nước 544,82 tỷ đồng.
Nhiều trường hợp vi phạm có mức xử phạt tiền cao đã bỏ lại giấy tờ không đến nộp phạt. (Ảnh minh họa) |
PV: Trong quá trình vận dụng các quy định của Luật XLVPHC năm 2012 để xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến lĩnh vực TTATGT có nảy sinh những vấn đề gì cần lưu tâm, thưa đồng chí?
Đại tá Lê Xuân Đức: Nhìn chung các quy định của Luật XLVPHC năm 2012 đã đi vào thực tiễn. Như tôi đã đề cập đến ở trên, thời gian qua lực lượng CSGT đã và đang thực hiện có hiệu quả Luật XLVPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần đẩy lùi vi phạm, kiềm chế tai nạn, ùn tắc giao thông, qua đó nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, trong quá trình vận dụng các quy định của Luật XLVPHC cho thấy, nhiều quy định còn bất cập, hạn chế, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc biệt là hạn chế trong quá trình thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
PV: Đồng chí có thể nêu cụ thể một số bất cập đang nảy sinh?
Đại tá Lê Xuân Đức: Về công tác bảo đảm TTATGT nổi lên một số vấn đề sau: Trước hết có thể kể đến khái niệm “tổ chức” được quy định tại Điều 2 – Luật XLVPHC. Khái niệm “tổ chức” đưa ra ở đây còn quá rộng, khó xác định được đối tượng chính để xử lý. Kế đến là nội dung liên quan tới quy định trình tự, thủ tục xử phạt.
Theo quy định tại Khoản 6, Điều 125 Luật XLVPHC, trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt chỉ có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: Giấy phép lái xe (GPLX) hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt.
Thực hiện quy định trên, để đảm bảo việc xử phạt đối với các trường hợp vi phạm, lực lượng CSGT chỉ được tạm giữ một trong các loại giấy tờ liên quan đến người hoặc phương tiện vi phạm theo thứ tự ưu tiên (GPLX, Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường…). Do vậy, đối với một số hành vi vi phạm có quy định mức xử phạt tiền cao, đã xảy ra tình trạng người vi phạm bỏ giấy tờ không đến xử phạt, dẫn đến hồ sơ xử phạt tồn đọng ngày càng nhiều, gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 9, Điều 125 - Luật XLVPHC thì mọi trường hợp tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải được lập thành biên bản. Do đó, trong lĩnh vực TTATGT đường bộ, khi tạm giữ một số loại giấy tờ để đảm bảo cho việc thi hành quyết định xử phạt, như: GPLX, Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, nếu áp dụng quy định trên thì sẽ mất nhiều thời gian để thực hiện thủ tục, phát sinh nhiều loại giấy tờ và mất nhiều thời gian xử lý một vụ vi phạm trên đường.
Liên quan tới quy định về trình tự, thủ tục chứng minh vi phạm hành chính: Tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 3 - Luật XLVPHC quy định người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, Luật XLVPHC lại không quy định về tài liệu, trình tự, thủ tục chứng minh; trong khi thực tế đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực TTATGT do người có thẩm quyền trực tiếp phát hiện, nhưng do trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng CSGT hiện nay không thể đầy đủ trên tất cả các tuyến đường, các điểm, nút giao thông cần thiết, nên không có hình ảnh, tài liệu ghi nhận, như: Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, đi sai phần đường, làn đường, không thắt dây an toàn... thì việc chứng minh gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc v.v...
PV: Theo đồng chí, tới đây các cơ quan chức năng cần sớm triển khai những giải pháp gì để khắc phục những bất cập đang tồn tại?
Đại tá Lê Xuân Đức: Để sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, các cơ quan chức năng cần sớm sửa đổi, bổ sung những quy định còn bất cập.
Một số nội dung có thể kể đến như: sửa Khoản 6, Điều 125, quy định đối với một số hành vi vi phạm có mức phạt tiền cao, được phép tạm giữ hai loại giấy tờ (GPLX và giấy tờ của phương tiện vi phạm) để hạn chế tình trạng người vi phạm bỏ giấy tờ, không đến thi hành quyết định xử phạt; sửa Khoản 9, Điều 125 Luật XLVPHC theo hướng khi tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề để bảo đảm cho việc xử phạt trong lĩnh vực TTATGT thì không phải lập biên bản riêng (chỉ cần ghi trong biên bản vi phạm hành chính); sửa Điều 39, Luật XLVPHC, nâng thẩm quyền xử phạt tiền đến mức tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ và được tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (không bị giới hạn bởi mức tiền phạt) đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh; sửa quy định tại Khoản 1 Điều 52 Luật XLPLHC quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của tổ chức vi phạm hành chính được xác định như thẩm quyền phạt tiền, tức là đối với tổ chức cũng gấp hai lần đối với cá nhân vi phạm hành chính v.v...
Cùng với đó, Bộ Tư pháp cần sớm triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, để cơ quan có thẩm quyền xử phạt thuận lợi trong việc xác định những trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần, tái phạm. Từ đó, có cơ sở xem xét tình tiết tăng nặng trong xử lý vi phạm hành chính, nhằm tạo sức răn đe vi phạm.
PV: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!