Nhiều điểm du lịch miền Trung vẫn xem nhẹ tính mạng du khách

09:12 13/06/2016
Đã có hơn 200 trường hợp bị CSGT đường thủy xử phạt với các lỗi như: không đăng kiểm, chủ thuyền không có bằng lái, chở quá số khách... Và tất cả các lỗi đó đều có liên quan rất lớn tới sự an toàn tính mạng của khách du lịch.


Trong nhiều năm trở lại đây, nhiều điểm du lịch ở miền Trung trở thành điểm đến đối với du khách trong và ngoài nước. Và các điểm du lịch thu hút khách bậc nhất lại chủ yếu để khách di chuyển bằng tàu thuyền như; đi thuyền sông Son vào động Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); Du lịch thuyền rồng nghe ca Huế trên sông Hương (Thừa Thiên - Huế); Đi tàu du lịch ra đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam); Đi thuyền trên sông Lam, sông La nghe hát đò đưa ví dặm (Nghệ An, Hà Tĩnh).

Điều đáng nói, tại nhiều điểm du lịch tính mạng an toàn đối với du khách còn hết sức bị coi nhẹ. Vấn đề mất an toàn xảy ra một phần do người kinh doanh du lịch, các ngành liên quan của địa phương không làm hết trách nhiệm. Bên cạnh đó, chính khách du lịch cũng coi thường tính mạng của mình.

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Một trong những điểm thu hút du khách đi lại bằng tàu thuyền là đi thuyền rồng nghe ca Huế trên sông Hương. Một lần đến Huế chưa đi thuyền rồng nghe khúc Nam ai, Nam bằng đối với nhiều du khách luôn cảm thấy như chưa đến Huế. 

Hàng trăm tàu thuyền phục vụ khách du lịch tại sông Son để tham quan hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng.

Vì vậy, cứ chiều muộn, các điểm đón trả khách bằng thuyền rồng ở thành phố Huế như bến đò Tòa Khâm, bến đò số 5 Lê Lợi, bến đò Thiên Mụ, bến đò Đông Ba với hàng trăm phương tiện thuyền rồng tham gia hoạt động để phục vụ du khách nghe ca Huế trên sông Hương, tham quan các lăng tẩm như: lăng Minh Mạng, chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén, lăng Khải Định…

Ngồi trên con thuyền lướt nhẹ trên dòng Hương, chúng tôi đưa mắt nhìn khắp lượt du khách không một ai mặc áo phao. Những chiếc áo phao trên thuyền có vẻ như cũng được chủ thuyền treo cho lấy lệ để tránh cơ quan chức năng kiểm tra. Thuyền chạy được độ gần 10km đi lên thượng nguồn dòng sông, lúc này chẳng ai nghĩ tới chuyện an toàn thay vào đó là những ly bia, ly rượu và tiếng đàn bập bùng.

Tôi giật mình nghĩ lại cách đây không lâu, cũng lắng sâu trong tiếng hát Nam ai, Nam bằng, anh Trần Long (29 tuổi), trú phường Vỹ Dạ, TP Huế đã không may rơi xuống sông Hương chết.

Được biết, anh Long cùng một số bạn bè lên thuyền rồng mang số hiệu TTH-0053  đi trên sông Hương để dự tiệc thôi nôi con của một người bạn. Trong hơi men chếnh choáng, anh Long đã rơi xuống sông và đến 6h sáng hôm sau, thi thể anh mới được tìm thấy. Khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng ở Thừa Thiên - Huế mới phát hiện, tối xảy ra vụ tai nạn thương tâm, thuyền mang số hiệu TTH-0053 đã hoạt động chui không có đăng ký làm thủ tục xuất bến tại bến Tòa Khâm.

Điều này khẳng định, không loại trừ khả năng nhiều tàu du lịch tìm cách tự ý hoạt động trên sông Hương để tránh phải nộp phí xuất bến nhưng cơ quan chức năng không biết. Rời sông Hương cùng con thuyền nhỏ, chúng tôi ra Quảng Bình lên sông Son để vào Phong Nha - Kẻ Bàng.

Sự giống nhau ở sông Son và sông Hương vào mùa hè là luôn có hàng trăm tàu thuyền du lịch hoạt động và khách luôn tấp nập. Nếu có khác biệt thì ở chỗ tàu thuyền sông Hương đón khách lúc chạng vạng tối để đi nghe ca hát thì tàu thuyền sông Son lại đón khách ban ngày để tham quan hang động. Thật nguy hiểm ở những điểm du lịch này, nhiều du khách chẳng bao giờ chịu mặc áo phao, dù trên thuyền du lịch ở sông Son luôn trang bị đầy đủ cho mỗi khách một áo phao.

Chúng tôi hỏi một chủ thuyền: “Sao không cho khách mặc áo phao?”. Chủ thuyền thật thà đáp: “Có nhắc cũng không được anh ơi, khách họ bảo mặc chi cho vướng, nhắc nhiều khách họ ghét không đi nữa thì mình lại đói…”. Nhưng việc bảo đảm an toàn cho khách du lịch ở sông Hương, sông Son ít nhiều còn được cơ quan chức năng quan tâm phần nào, còn đi thuyền sông Lam nghe hát đò đưa ví dặm thì việc bảo đảm an toàn cho khách hầu như bị bỏ quên.

Hơn một năm nay, sau khi dân ca xứ Nghệ được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại thì loại hình nghệ thuật này mới được khai thác đưa vào du lịch, nhưng vẫn còn tự phát. Chính vì tự phát nên chẳng mấy ai quan tâm, chẳng có kịch bản và không mấy ai đặt ra vấn đề an toàn cho khách tham quan, thưởng lãm loại hình nghệ thuật này trên dòng sông lớn…

Cần sớm chấm dứt kiểu quản lý “Đầu voi đuôi chuột”

Phải thẳng thắn thừa nhận, lãnh đạo các tỉnh miền Trung luôn đề cao việc đảm bảo an toàn cho du khách. Bằng chứng là rất nhiều cuộc họp, nhiều lãnh đạo tỉnh đã vi hành đột xuất đến các điểm du lịch để kiểm tra an toàn đối với du khách. Song có vẻ như nhiều văn bản, nhiều chỉ thị, nhiều lần kiểm tra… giá trị cũng chẳng bao nhiêu khi những người quản lý, làm việc trực tiếp ở các điểm du lịch không thấm nhuần việc bảo đảm an toàn tính mạng khách du lịch, và chính du khách không được nêu cao tinh thần tự bảo vệ mình.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, các doanh nghiệp, chủ tàu thuyền muốn hoạt động chở khách du lịch trên sông Hương phải có giấy đăng kiểm, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, bảo hiểm nhân sự… Còn cơ quan chức năng ở đây cụ thể là Ban quản lý bến phải cho cán bộ lên thuyền kiểm tra các yếu tố bảo đảm an toàn tính mạng cho du khách như áo phao, phao cứu sinh, phương tiện phòng chống cháy nổ, danh sách khách rồi mới cho tàu thuyền xuất bến… Nhưng quy định chặt chẽ là vậy, song thực sự chẳng mấy ai quan tâm.

Theo quy định mỗi thuyền rồng trên sông Hương khi hoạt động không được chở quá 30 người, nhưng sự thực nhiều thuyền chở vượt rất nhiều số khách cho phép. Trong quá trình đi tìm hiểu thực tế để viết bài, chúng tôi nhận thấy, vụ lật chìm tàu du lịch trên sông Hàn ở Đà Nẵng là một tổn thất lớn khi có đến 3 người chết, song nếu như vụ việc tương tự xảy ra ở các điểm du lịch khác như ở sông Hương, sông Lam, sông Son… thì chắc chắn tổn thất không thể lường hết được.

Bởi ở các điểm du lịch này thuyền thường chạy xa thành phố, xa các điểm dân cư, lòng sông rộng, vì vậy khi gặp sự cố thì không thể có lực lượng, phương tiện ứng cứu kịp thời như vụ lật tàu ở sông Hàn.

Cầm trong tay con số các trường hợp tàu thuyền chở khách du lịch bị xử lý từ đầu năm 2016 đến nay của Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Nghệ An, chúng tôi không khỏi giật mình, bởi đã có hơn 200 trường hợp bị lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy xử phạt các lỗi chủ yếu như: không đăng kiểm, chủ thuyền không có bằng lái, chở quá số khách... Và tất cả các lỗi đó đều có liên quan rất lớn tới sự an toàn tính mạng của khách du lịch.

Sông Lam-Nhật Nam

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

17 xe chữa cháy và hơn 100 cán bộ chiến sĩ tham gia dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu King Fish (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Trong lúc dập lửa, 2 cán bộ chiến sĩ chữa cháy bị ngạt khói, được đưa vào viện cấp cứu, hiện tình trạng đã ổn định…

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

Vào khoảng 2h30 ngày 2/5, một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi hoàn toàn một kho chứa phế liệu rộng khoảng 500 m2 tại ấp An Hoà, xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (TMĐT&KTS, Bộ Công Thương) đề nghị người dùng phát hiện website bán sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân thì thông báo cho Cục TMĐT&KTS để Cục có biện pháp xử lý.

Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai phương án bảo đảm ANTT các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế lao động và các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), chấp hành nghiêm túc chế độ trực ban, trực chiến bảo đảm quân số ứng trực, nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án bảo đảm ANTT, TTATGT, phòng, chống cháy, nổ...

Dưới cái nắng oi bức của mùa hè cộng thêm gió Lào khô rát khiến người ta ở trong nhà hay dưới bóng râm vẫn cảm thấy khó chịu, thế nhưng hơn 1 tháng nay, CBCS Công an Điện Biên vẫn luôn thường trực 24/24 tại các nút giao thông, các điểm di tích lịch sử và nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Những việc làm của các anh góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, an toàn cho các đồng chí lãnh đảo Đảng, Nhà nước, các sự kiện và du khách thập phương đến với Điện Biên.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文