Nhiều nhà đầu tư BOT đường bộ đang khốn khổ
Nhiều dự án BOT giao thông có doanh thu giảm sâu
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổ chức ký hợp đồng BOT dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt theo hình thức PPP với nhà đầu tư: Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - TCT Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng VINA2 và doanh nghiệp dự án là Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng. Đây là dự án thứ 2 trong tổng số 3 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam triển khai theo hình thức PPP (Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo) được Bộ GTVT ký hợp đồng với nhà đầu tư sau dự án Nha Trang-Cam Lâm.
Ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT) cho biết, cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt là một trong những dự án đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước, sử dụng phần vốn góp Nhà nước (VGF) để đánh giá tài chính thương mại. Đồng thời, dự án này cũng được cập nhật quy định chuyển tiếp của Luật PPP và các nghị định hướng dẫn trong quá trình đàm phán hợp đồng. Do đó, việc tổ chức đàm phán, ký hợp đồng thành công ngoài việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, còn mang ý nghĩa rất to lớn trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đang gặp nhiều khó khăn.
Đây cũng là tín hiệu tích cực đối với môi trường đầu tư PPP trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2025, đặc biệt trong điều kiện nguồn vốn ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Nếu như các nhà đầu tư BOT nói trên còn đang “vui mừng” trước hợp đồng mới, thì gần đây, theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, hiện nhiều dự án BOT giao thông có doanh thu giảm sâu so với phương án tài chính như: BOT Thái Nguyên - Chợ Mới giảm 88%, cầu Hạc Trì giảm 57%, quốc lộ 38 giảm 53%, BOT quốc lộ (QL) 2 đoạn tránh TP Vĩnh Yên giảm 48%, QL1 đoạn qua Bình Định giảm 35%, QL1 đoạn qua Quảng Ngãi giảm 33%...
Theo phân tích của các chuyên gia, sự sụt giảm của các trạm BOT do phương án tài chính ban đầu của dự án đã không được tính toán cụ thể, không sát thực tế do đó rủi ro về doanh thu là điều khó tránh khỏi.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy. |
Nguy cơ nợ và phá sản
Đại diện Dự án BOT QL1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (BOT Cai Lậy) cho hay, hơn 5 năm qua, dự án không có bất cứ khoản doanh thu nào để thanh toán lãi vay, nợ gốc cho khoản vay 1.000 tỷ đồng vẫn đều đặn trả lãi hằng tháng cho ngân hàng. Hiện doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư tuân thủ mọi chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, kể cả việc miễn, giảm giá vé với số lượng rất lớn cho các chủ phương tiện quanh khu vực trạm thu phí trên QL1 hoặc chấp nhận bổ sung thêm một trạm thu phí nữa tại tuyến tránh.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi dự án đã bước vào giai đoạn trùng tu, nhưng phương án tái thu phí hoàn vốn vẫn chưa được phê duyệt. Nếu tiếp tục duy trì trạm trên QL1 thì sẽ lại sớm vỡ trận do vấp phải sự phản ứng của một bộ phận người dân, nhưng chuyển trạm vào đường tránh như yêu cầu của địa phương, thì cầm chắc thất thu, phá sản phương án tài chính.
Ngoài dự án BOT Cai Lậy, hiện còn một số dự án cũng đang gặp vấn đề về vị trí đặt trạm thu phí nhưng nhiều năm nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm như: Dự án BOT mở rộng, nâng cấp QL14 qua tỉnh Đắk Lắk; Dự án QL3 mới; Dự án BOT QL91; Dự án BOT cầu Hạc Trì; Dự án BOT cầu Thái Hà; Dự án tuyến tránh phía Tây Thanh Hóa. Tại dự án mở rộng, nâng cấp QL14 qua tỉnh Đắk Lắk, do các phương tiện chuyển sang đi tuyến tránh thị xã Buôn Hồ chạy song song do Nhà nước đầu tư và do không được tăng phí như lộ trình, nên doanh thu thu phí hoàn vốn cho dự án hiện chỉ bằng 50 - 60% so với phương án tài chính.
Theo các chuyên gia, việc không tăng phí theo đúng lộ trình của hợp đồng BOT đã ký cùng với việc bị chia sẻ lưu lượng phương tiện đã khiến nhà đầu tư không đủ tài chính để duy trì hoạt động, trả nợ vay ngân hàng và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Do đó, Nhà nước cần sớm có phương án cho tiếp tục thu phí với mức giá mới hoặc hỗ trợ tài chính trực tiếp cho nhà đầu tư. Nếu không được tháo gỡ kịp thời sẽ dẫn đến phá sản và các khoản nợ sẽ đổ lên vai các tổ chức tín dụng.