Nhiều tuyến đường “oằn mình” vì xe ôtô né trạm thu phí
- Mất ngủ vì xe né trạm thu phí trên quốc lộ 13
- Xe tải né trạm thu phí tông chết cháu trai 10 tuổi
- Xe tải né trạm thu phí, người dân bất an với “điểm đen” giao thông
Náo loạn đường quê
Hơn 1 tháng nay, từ khi Trạm thu phí BOT Tiên Cựu trên quốc lộ 10 đi vào hoạt động, các tuyến đường liên thôn thuộc 2 xã Đại Thắng và Tự Cường, huyện Tiên Lãng, mỗi ngày có đến hàng trăm lượt xe ôtô qua lại. Chỉ riêng tại xã Đại Thắng, theo thống kê sơ bộ trong một ngày có đến hơn 400 lượt xe ôtô chạy qua, chưa kể dịp Tết Nguyên đán 2019 vừa qua có những ngày còn đông hơn.
Ông Trần Văn Thịnh, thôn Lãng Niên, xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng lo lắng cho biết, bình thường cả xã chỉ có hơn chục chiếc xe ôtô các loại thì mỗi ngày có đi qua lại nhiều cũng đến vài chục lượt. Tuy nhiên để tránh trạm thu phí trên quốc lộ 10, rất nhiều xe con và xe tải dưới 2,5 tấn, nếu đi vào sẽ vòng qua xã Đại Thắng, còn đi ra sẽ vòng qua xã Tự Cường.
Đáng lo ngại là hằng ngày, nhất là vào đầu giờ sáng hay cuối giờ chiều, lượng học sinh từ Tiểu học đến Trung học cơ sở qua lại trên tuyến đường này rất đông, dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn các mối nguy hiểm về mất an toàn giao thông. Hơn nữa các tuyền đường này đều đã xuống cấp từ trước, giờ đây lại phải chịu thêm phương tiện trọng tải nặng tham gia chắc chắn sẽ hư hỏng nặng.
Có mặt vào những giờ cao điểm trong ngày, chúng tôi chứng kiến tình trạng hỗn độn của các phương tiện lưu thông qua đây. Dòng người chen lấn đủ các phương tiện từ xe tải, xe ôtô con, xe đạp của học sinh, xe máy… làm náo loạn cả một tuyến đường. Để ngăn xe quá khổ, quá tải chạy vào đường làng, nhiều tấm biển hạn chế tải trọng đã được dựng lên nhưng tình hình cũng chẳng cải thiện được bao nhiêu.
Cũng giống như xã Đại Thắng và Tự Cường, huyện Tiên Lãng, con đường liên thôn qua xã Lê Thiện huyện An Dương dài chừng 3km vòng qua Trạm thu phí số 2 - quốc lộ 5, từ nhiều năm nay trở nên quá tải bởi lượng xe cơ giới với mật độ lớn qua lại suốt ngày đêm. Theo ước tính của người dân ở đây mỗi ngày có đến hàng trăm lượt xe ôtô qua lại làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ tầng giao thông. Nguyên nhân tình trạng này là do mức thu phí trên quốc lộ 5 tăng từ giữa năm 2016, nhiều chủ xe đi vòng qua đường làng để trốn vé.
Một tuyến đường khác nữa là tỉnh lộ 208, qua địa bàn xã An Hòa, huyện An Dương. Đây là tuyến đường huyết mạch quan trọng của huyện An Dương và thành phố Hải Phòng, có mật độ giao thông cao, phục vụ nhu cầu sản xuất, vận chuyển hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp của nhân dân địa phương và khu vực lân cận. Để “né” Trạm thu phí số 2 – quốc lộ 5, mỗi ngày có đến hàng nghìn lượt xe tải, xe chở container qua lại, khiến tuyến đường này quá tải, làm hư hỏng nghiêm trọng kết cấu mặt đường, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.
Nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện An Dương và Tiên Lãng xuống cấp nghiêm trọng do xe ôtô tránh trạm thu phí đi vào. |
Hạn chế bằng cách nào?
Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Vũ Đức Cảnh cho biết, khi trạm thu phí chưa đi vào hoạt động thì UBND huyện đã có văn bản xin ý kiến các sở, ban, ngành về việc tháo gỡ khó khăn cho đường làng xã Đại Thắng và xã Tiên Cường là nơi có các phương tiện tìm cách né trạm thu phí. Theo đó chủ đầu tư là Công ty Tasco đã hỗ trợ cho xã một trạm barie nhưng chỉ giúp cho xã tránh được các loại xe quá khổ quá tải, còn lại các phương tiện khác thì thật khó cấm.
Ông Vũ Đức Cảnh cho biết thêm, trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng vào cuộc, để hạn chế các phương tiện trốn vé đi qua, trước mắt huyện giao cho Công an kiểm tra xử lý các phương tiện theo quy định cho phép, đồng thời có biện pháp kiểm soát kiểm tra xử lý các phương tiện vi phạm.
Trong khi đó ở xã Lê Thiện, huyện An Dương, vì không cấm được phương tiện qua lại đã có một thời gian người dân “sáng kiến” lập chốt thu tiền của các phương tiện để lấy kinh phí tu bổ sửa chữa đường.
Chủ tịch UBND xã Lê Thiện Phạm Văn Hải cho biết tình trạng xe tránh trạm thu phí ùn ùn đi qua đường làng thời gian qua không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của bà con mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ tầng giao thông nông thôn vốn đã yếu kém. Nhiều tuyến đường giao thông được xây dựng theo chương trình nông thôn mới do lượng phương tiện cơ giới trọng tải nặng thường xuyên đi qua đã phá nát. Người dân trong làng bức xúc nhiều lần ra chặn đường, thậm chí xô xát với các chủ phương tiện…