Phân định rõ xe hợp đồng và xe taxi
- Doanh nghiệp thiệt hại, Nhà nước thất thu vì “xe hợp đồng” Limousine
- Cấm xe hợp đồng nhiều tuyến phố: Xử lý Grab, Uber không dễ1
- Nới điều kiện cho xe taxi, “siết” xe hợp đồng
Các hãng gọi xe công nghệ đều phải gắn mào khi hoạt động
Bộ GTVT quy định taxi được sử dụng phần mềm để tính tiền. Với xe gắn đồng hồ, phải xuất hóa đơn cho khách theo hành trình. Với taxi tính tiền theo phần mềm, trên xe phải có thiết bị kết nối với hành khách để đặt xe, hủy chuyến. Kết thúc chuyến đi, phần mềm phải gửi hóa đơn điện tử cho hành khách và Tổng cục Thuế.
Xe taxi này phải có phù hiệu “TAXI” và được dán cố định phía bên phải mặt kính trước của xe, có hộp đèn chữ “TAXI” gắn cố định trước nóc xe, kích thước tối thiểu 15x20cm. Trong thời gian 1 tháng, xe taxi phải có thời gian hoạt động tại địa phương nơi cấp phù hiệu tối thiểu 70% tổng thời gian hoạt động trong tháng; xác định thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.
Dự thảo Bộ GTVT xây dựng cũng quy định cụ thể hơn về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Theo đó, xe này phải niêm yết chữ “XE HỢP ĐỒNG” ở trên kính trước và kính phía sau xe theo quy định. Ngoài ra, “XE HỢP ĐỒNG” cũng phải có bảng điện tử gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu 15x20cm và phải được bật sáng khi tham gia giao thông.
Ngoài ra, xe hợp đồng không được gom khách, đón khách ngoài danh sách do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được ấn định lịch trình…
Đối chiếu quy định trong dự thảo này, các hãng gọi xe công nghệ hiện nay như: Go Viet, Grab, FastGo… đều phải đăng ký là doanh nghiệp vận tải. Nếu các doanh nghiệp này hoạt động như taxi sẽ áp dụng quy định như taxi, còn nếu hoạt động như xe hợp đồng sẽ phải áp dụng quy định như vậy. Dù ở trường hợp nào, các xe này đều phải gắn mào khi hoạt động.
Bến xe khách phải sử dụng phần mềm quản lý hoạt động xe vào, ra. |
Bến xe khách phải sử dụng phần mềm quản lý hoạt động xe vào, ra
Nhằm siết chặt hoạt động của xe tăng cường, xe ra, vào bến, Dự thảo Nghị định lần này cũng quy định rõ, trước ngày 1-7-2020 đối với các bến xe khách từ loại 1 đến loại 4 và trước ngày 1-7-2021 đối với các bến xe khách còn lại phải sử dụng phần mềm quản lý bến xe khách để quản lý hoạt động xe ra, vào bến và cung cấp các thông tin trên lệnh vận chuyển của từng chuyến xe hoạt động tại bến về Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo quy định.
Với các xe ôtô kinh doanh vận tải khách du lịch, Dự thảo Nghị định cũng siết chặt bằng cách yêu cầu gắn phù hiệu “xe ôtô vận tải khách du lịch” cố định bên phải mặt trong kính trước của xe. Đơn vị kinh doanh du lịch, lữ hành và lái xe chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu cả chuyến xe. Trong thời gian một tháng, mỗi xe ôtô kinh doanh vận tải khách du lịch có điểm đầu và điểm cuối của chuyến đi không nằm trong phạm vi của một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu, điểm cuối trùng lặp.
Gắn trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải trong việc đảm bảo an toàn giao thông
Dự thảo Nghị định lần 8 còn quy định cụ thể: Khi xảy ra tai nạn giao thông từ mức nghiêm trọng trở lên mà nguyên nhân tai nạn do lỗi của người lái xe hoặc do đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, người đại diện theo pháp luật, người điều hành vận tải và bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông của đơn vị kinh doanh vận tải phải hoàn thành việc tập huấn về nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông do cơ quan cấp giấy phép kinh doanh vận tải tổ chức.
Đồng thời, doanh nghiệp vận tải không sử dụng xe ôtô khách có giường nằm hai tầng để hoạt động trên các tuyến đường cấp V và cấp VI miền núi; sử dụng lái xe kinh doanh vận tải phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm điều khiển xe khách có trọng tải thiết kế từ 30 chỗ trở lên để điều khiển xe khách có giường nằm hai tầng…
Trước đó, khi Bộ GTVT trình dự thảo lần thứ 7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nội dung dự thảo vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, một số nội dung chưa phù hợp với pháp luật hiện hành, điển hình Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao dịch điện tử.
Phó Thủ tướng, yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, rà soát kỹ nội dung dự thảo trên tinh thần phù hợp với các luật có liên quan. Bộ GTVT phải trình Thủ tướng trước 15-4.
Theo Phó Thủ tướng, nội dung dự thảo cũng phải đảm bảo các nguyên tắc như: đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, khuyến khích các thành phần kinh tế, loại hình kinh doanh vận tải ứng dụng khoa học công nghệ; loại bỏ các nội dung gây cản trở tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh vận tải, cũng như làm triệt tiêu các mô hình đổi mới sáng tạo.