TS Nguyễn Xuân Thuỷ: Quy hoạch giao thông Hà Nội cần tính chiến lược tổng thể của quốc gia
- Hà Nội loanh quanh với giải pháp giảm ùn tắc giao thông
- Cảnh ùn tắc kinh hoàng ngày đầu tuần tại Hà Nội
Hà Nội là một trong những thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất của cả nước. Nhưng sự phát triển “nóng” này đang tạo ra sự mất cân đối giữa hạ tầng, giao thông và dân số; giữa những yếu tố kinh tế - xã hội với tiêu chí tăng trưởng bền vững.
Điều này đã, đang khiến nạn ùn tắc giao thông trở thành nỗi ám ảnh của mỗi người dân, mỗi khi ra đường.
Hàng loạt các giải pháp cũng được đưa ra, kèm theo đó là một số tiền đầu tư không nhỏ. Thế nhưng, có phải giải pháp nào cũng hiệu quả, quy hoạch nào cũng chính xác?
Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT, Bộ Giao thông vận tải, chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị.
PV: Từ 1-1-2017, Hà Nội sẽ đưa tuyến buýt nhanh BRT vào hoạt động đón khách. Là một chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị, theo ông buýt nhanh BRT có là một trong những giải pháp phù hợp với thời điểm này để chống ùn tắc tại Thủ đô?
TS Nguyễn Xuân Thuỷ: Tôi đã nói cách đây mấy năm rồi, đối với hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần phải nghiên cứu kỹ, vì đây là thành phố cũ, đường quá hẹp, những tuyến đường rộng 25-30m là gần như không có.
Thứ hai là bao lâu nay mình không phát triển giao thông công cộng nên phương tiện cá nhân người ta sử dụng dày đặc rồi, giờ đưa BRT vào hoạt động, phải dành không gian cho nó sẽ là rất bất cập. Cụ thể sẽ là gây ùn tắc từ chỗ này qua ùn tắc chỗ khác.
Với ý kiến cá nhân, tôi cảnh báo Hà Nội hãy tạm ngừng phát triển buýt BRT. Hà Nội quy hoạch 8 tuyến là không thể được đâu, nó sẽ dẫn đến lãng phí và càng gây ùn tắc thêm.
PV: Nhưng có ý kiến cho rằng, nếu ta không thử làm từ bây giờ, thì phương tiện công cộng sẽ không có bước đột phá mạnh.
TS Nguyễn Xuân Thuỷ: Nếu cần phát triển phương tiện công cộng, theo tôi cần tiếp tục củng cố buýt cũ và phát triển mạnh hệ thống đường sắt đô thị.
Và đường sắt đô thị thì nên tận dụng không gian trên cao và không gian trong lòng đất (tàu điện ngầm) thì mới giải quyết được cơ bản vấn đề ùn tắc giao thông cho Hà Nội. Chứ không nên đẩy mạnh BRT vì thấy nó quá dễ, thấy chi phí của nó thấp hơn đường sắt đô thị thì tưởng là dễ dàng và hiệu quả.
PV: Một trong những giải pháp mới đây được Hà Nội đề cập đến là sẽ tính tới phương án thu phí ôtô vào nội đô. Giải pháp này liệu có khả thi không, thưa ông?
TS Nguyễn Xuân Thuỷ: Theo tôi, giải pháp này có thể thực hiện được, nhưng cần lưu ý thu xe nào và thu vào thời điểm nào cho hợp lý. Thứ nhất, chỉ nên thu trong giờ cao điểm (7-9 giờ, hoặc 15h30-18h). Thứ hai phân biệt xe nào có cơ quan trong nội thành thì không thu.
Ví dụ, cơ quan tôi là Bộ GTVT ở Trần Hưng Đạo, tôi đi từ ngoài vào làm, thì anh thu làm sao được. Cho nên, phải phân khúc ra, thì việc thu đó mới có hiệu quả. Tức là, trong giờ cao điểm, mình thu những người không phải đi làm, tức là xe nào đi chơi, đi mua sắm hoặc đi thăm bạn bè...mà mục tiêu không cần thiết lắm thì khi mình thu, họ thấy bất tiện, thì họ sẽ tự thay đổi giờ lưu thông, ùn tắc sẽ tránh được.
Tôi cũng xin nhấn mạnh, thu thì không thu tràn lan, không thu của người đi làm. Phân đoạn như thế, cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người dân lưu thông cũng như sự phát triển kinh tế.
PV: Mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội có nói rằng, “Hà Nội đang nhìn thấy “thảm họa” tiến dần phía mình mà không biết làm cách nào chạy thoát. Mỗi lần Hà Nội có sự kiện quan trọng thì điều đầu tiên lo lắng chính là vấn nạn ùn tắc”. Để giải quyết vấn nạn này, theo ông đâu là giải pháp hữu hiệu?
TS Nguyễn Xuân Thuỷ: Lâu nay tôi đã nói, giải pháp phải lâu dài, cơ bản và tận gốc. Chứ không phải giải pháp chỉ là giáo dục văn hoá giao thông.
Biện pháp thứ nhất phải có chiến lược, phát triển phải có tầm nhìn cho chỉn chu, bài bản. Thứ hai, chiến lược phải được nhà nước, hay Bộ GTVT quản lý, chứ không nên để Hà Nội quản lý.
Hiện nay chúng ta coi giao thông Hà Nội là của Hà Nội, là của địa phương là sai. Như thế làm mất đi tính chiến lược, tính tổng thể của quốc gia. Bởi thực tế cả Quốc gia phải lo cho giao thông Hà Nội, và TP Hồ Chí Minh, vì hai thành phố này đảm đương gần 40% GDP của cả nước. Phải đặt vị trí như thế, mới đủ sức đầu tư cho nó.
Thứ 3, đầu tư chống ùn tắc giao thông, là phải đầu tư cả tỷ USD/năm, chứ không phải vài nghìn tỷ đồng, và coi như thế là ổn. Từ nay đến năm 2020-2030, mỗi năm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phải được trích khoảng 1 tỷ-1,5 tỷ USD thì mới giải quyết được vấn đề ùn tắc.
Đầu tư là để phát triển giao thông công cộng, trong đó đường sắt đô thị cực kỳ quan trọng và cực kỳ đắt. Đắt thế nhưng phải đầu tư, chứ không nên đầu tư nhỏ giọt như xe buýt nhanh BRT được. Vì dân người ta chỉ biết đi, giờ không có đường người ta buộc phải đi lên vỉa hè.
Sau đó, đường sá phải mở rộng ra, muốn phát triển, đường phải đạt từ 20-25m. Hạ tầng cầu đường phải mở rộng. Các trục chính, các trục vành đai, các trục mở ra cửa ô thành phố phải được mở rộng ra, chứ không ùn tắc sẽ càng mạnh. C
uối cùng, chúng ta phải từng bước từng bước phát triển giao thông công cộng lên, như thế dân mới tự bỏ bớt phương tiện cá nhân đi phương tiện công cộng, chứ không thể cấm họ không đi xe máy, không đi ôtô. Cấm là điều cấm kỵ. Vì giao thông động chứ không phải giao thông tĩnh. Anh cấm người ta không đi, để không ùn tắc, như thế nói gì là giao thông nữa.
PV: Về vấn đề quy hoạch tầm nhìn, mới đây Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng nhắc đến việc sẽ xây dựng khoảng 8 tuyến tàu điện ngầm, tương đương khoảng 300km, với giá trị mỗi tuyến khoảng 2 tỷ USD/ tuyến. Nhưng đến nay chưa làm được km nào. Cá nhân ông có kỳ vọng nhiều vào giải pháp này trong tương lai?
TS Nguyễn Xuân Thuỷ: Bây giờ chúng ta vẽ ra nhiều quá. Ở các nước người ta không bao giờ tự nhiên vẽ ra viễn cảnh quy hoạch khoảng 300km tàu điện ngầm cả.
Vì giao thông phát triển đến đâu, đô thị phát triển đến đâu thì đường sá mở ra đến đấy. Chứ không phải tự nhiên làm 300km, thì dân người ta cười. Vì ai cũng biết đó chỉ là bánh vẽ cho người dân thôi.
Đến năm 2016, thế giới người ta có hàng nghìn km tàu điện ngầm, mình chưa có cây số nào mà lãnh đạo cứ nói sẽ có 300km hay đến năm 2020 sẽ đảm bảo được 40% phương tiện công cộng cho người dân lưu thông...
Đó là một viễn cảnh, một kỳ vọng không tưởng. Đến năm 2020, may ra mình mới có một tuyến tàu điện ngầm khoảng 10-12km thôi. Chứ còn đừng nghĩ sẽ đảm đương được 20-30% nhu cầu đi lại của nhân dân, rồi bắt người dân không đi xe máy vào nội thành... điều đó là không thực tế.
PV: Vậy theo ông, dưới góc nhìn của người nghiên cứu về giao thông, từ nay đến năm 2020-2025, Hà Nội nên cải thiện những vấn đề gì để bộ mặt giao thông có một kết quả tốt hơn? Vấn đề quy hoạch đã thực tế chưa?
TS Nguyễn Xuân Thuỷ: Tuyến đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội đến năm 2018-2019 mới xong, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông đến giữa năm 2017 mới khai trương... Chỉ bấy nhiêu thôi cho thấy, đến năm 2020 giao thông sẽ chưa có gì là nổi bật.
Trong khi đó, giai đoạn này có thể tăng từ 1200 ôtô buýt lên khoảng 2000-2500 phương tiện, mà phương tiện này càng tăng càng dễ ùn tắc vì hạ tầng vẫn chưa phát triển là bao.
Cho nên, nếu nghe Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nhắc đến vấn đề đến năm 2020-2030 cấm xe máy vào nội đô, vì lúc này giao thông công cộng có thể đáp ứng 40-50 nhu cầu, là không thực tế. Mà thực tế, xe buýt chỉ đáp ứng được khoảng 20% -25%. Như thế, 75-80% người dân đi bằng gì. Đương nhiên là họ phải đi bằng xe máy, hoặc ôtô cá nhân.
Viễn cảnh đặt ra là vẫn tiếp tục ùn tắc. Mà ùn tắc ngày càng nặng nề hơn nếu không có giải pháp mạnh mẽ. Người dân là một thể thụ động. Có đường thì người ta đi, có xe thì người ta chạy. Chứ không thể quản lý không tốt, chiến lược không hay thì lại quay sang cấm người dân.
Còn về quy hoạch hiện nay không thực tế. Nói đến năm 2020-2030 là đảm đương 30-40% là không thực tế, hoặc đến lúc đó có 8 tuyến tàu điện ngầm, thì làm sao thực tế được.
Một tuyến tàu điện ngầm ở TQ người ta xây 5 năm mới được hơn 20km, còn ở ta, 5-7 năm nay quy hoạch rồi nhưng chưa thực hiện được tuyến nào cả. Như vậy là quá chậm. Người dân đang kỳ vọng vào cái chưa có thực.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đi họp nói là xe buýt đã chạy nhanh hơn được 5 phút, và coi đó là thắng lợi, là kết quả. Đây là một điều rất đùa và xem thường nhân dân, không tôn trọng người dân.
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: nguy cơ sẽ dễ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn cục bộ nếu Hà Nội cấm hàng loạt phương tiện giao thông vào giờ cao điểm để vận hành tuyến buýt nhanh. Hệ thống xe buýt nhanh là loại phương tiện giao thông tiên tiến, phù hợp với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc vận hành tuyến buýt nhanh tại Hà Nội sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi hệ thống giao thông chật hẹp, lượng phương tiện quá đông. “Sao đưa 1 loại phương tiện công cộng vào vận hành mà phải ưu ái quá nhiều thứ, cấm nhiều xe, đó có phải là giải pháp tốt?”, ông Liên đặt câu hỏi. Hà Nội cần triển khai thí điểm để tìm ra những giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này. |