“Tháo gỡ” phát sinh khó xử lý khi cấp phù hiệu xe tải nhẹ dưới 3,5 tấn

09:58 01/08/2018
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, trong quá trình tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính đối với hồ sơ đề nghị cấp phù hiệu xe tải cho phương tiện tham gia kinh doanh vận tải, các đơn vị vận tải hàng hóa đã phát sinh tình huống mới. Điều này đã khiến cả đơn vị quản lý lẫn người đi xin phù hiệu gặp “khó”.

Cụ thể, Nghị định số 86/NĐ-CP của Chính phủ, và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT quy định phương tiện gắn thiết bị giám sát hành trình (GSHT) phải đảm bảo đúng quy định, được cơ quan đăng kiểm chứng nhận đảm bảo, đồng thời phải được cơ quan đăng kiểm kiểm tra theo quy định.

Tuy nhiên, có một tình huống thực tế phát sinh, khi thực hiện đăng kiểm xe theo quy định, tại thời điểm kiểm tra lưu hành, chủ phương tiện chưa có nhu cầu sử dụng phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải nên chưa lắp đặt thiết bị GSHT và không cung cấp các thông tin về thiết bị GSHT cho cơ quan đăng kiểm. Do vậy cơ quan đăng kiểm không kiểm tra thiết bị GSHT theo quy định. Và tại Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện sẽ không được cơ quan đăng kiểm xác nhận có lắp thiết bị giám sát hành trình.

Song đến thời điểm này, chủ phương tiện lại muốn đưa phương tiện tham gia kinh doanh vận tải nên lắp đặt thiết bị GSHT và đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, phù hiệu vận tải (phương tiện này đã được khám lưu hành và đang còn thời hạn). Tuy nhiên, các phương tiện này sẽ không đủ điều kiện cấp phù hiệu vận tải, do thiết bị GSHT lắp đặt trên xe chưa được cơ quan đăng kiểm kiểm tra theo quy định.

Để thực hiện việc kiểm tra thiết bị GSHT tại cơ quan đăng kiểm, đơn vị vận tải sẽ phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh của phương tiện (khoảng vài ngày, tùy theo quy mô phương tiện từng đơn vị) và mất thêm một khoản lệ phí khám lưu hành theo quy định.

Do vậy, để tháo gỡ cho các đơn vị vận tải, Sở GTVT kiến nghị Bộ GTVT cho phép cấp phù hiệu vận tải hàng hóa đối với phương tiện còn thời hạn lưu hành, đã lắp đặt thiết bị GSHT thuộc đơn vị vận tải hàng hóa đã được khám lưu hành trước thời điểm Sở GTVT cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. Đến chu kỳ khám lưu hành tiếp theo, đơn vị vận tải hàng hóa có trách nhiệm đưa phương tiện đến cơ quan đăng kiểm để tổ chức kiểm tra việc lấp đặt thiết bị GSHT được lắp trên xe theo quy định.

Sẽ “tháo gỡ” vướng mắc cho một số trường hợp xe tải nhẹ dưới 3,5 tấn xin cấp phù hiệu.

Không cấp phù hiệu vận tải hàng hóa đối với phương tiện còn thời hạn lưu hành, đã lắp đặt thiết bị GSHT thuộc đơn vị vận tải hàng hóa đã được khám lưu hành sau thời điểm Sở GTVT cấp Giấy phép KDVT bằng xe ôtô. Đến chu kỳ khám lưu hành tiếp theo, đơn vị vận tải hàng hóa có trách nhiệm đưa phương tiện đến cơ quan đăng kiểm để tổ chức kiểm tra việc lắp đặt thiết bị GSHT được lắp trên xe theo quy định.

Trước thực tế trên, Bộ GTVT cho rằng, các địa phương khi tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ của đơn vị vận tải đề nghị cấp phù hiệu xe ôtô kinh doanh vận tải có thể xảy ra các trường hợp phát sinh so với quy định. Trên tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Bộ GTVT đồng thuận với đề xuất của Sở GTVT Hà Nội.

Cụ thể, trường hợp 1, khi Sở GTVT tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ của đơn vị vận tải đề nghị cấp phù hiệu xe ôtô kinh doanh vận tải: Đủ thành phần hồ sơ theo quy định, phương tiện đã gắn thiết bị GSHT của xe ôtô (có hoạt động và đảm bảo truyền dẫn chính xác, đầy đủ dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trên Giấy chứng nhận Kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện đề nghị cấp phù hiệu đã được cơ quan đăng kiểm xác nhận.

Trường hợp 2, khi Sở GTVT tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ của đơn vị vận tải đề nghị cấp phù hiệu: đủ thành phần hồ sơ theo quy định, phương tiện đã gắn thiết bị GSHT của xe ôtô, tuy nhiên trên Giấy chứng nhận Kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện đề nghị cấp phù hiệu chưa được cơ quan đăng kiểm xác nhận. Vì lý do, phương tiện đã được kiểm định trước mốc thời gian quy định thuộc đối tượng xe ôtô kinh doanh vận tải (còn thời hạn lưu hành) và phương tiện phải gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Trường này, tại thời điểm hiện tại chỉ áp dụng đối với xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn và mốc thời gian tính đến trước ngày 1-7-2018 (không tính theo thời điểm Sở GTVT cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ôtô) và thống nhất, Sở GTVT làm thủ tục cấp phù hiệu cho phương tiện theo quy định.

Bộ GTVT cũng giao Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận danh sách do Sở GTVT gửi đến và đăng công khai trên Trang thông tin điện tử của Cục; đồng thời chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm hướng dẫn chủ phương tiện thực hiện khai báo đúng đối tượng là xe ôtô kinh doanh vận tải và thực hiện theo đúng quy định.

Phạm Huyền

Do ảnh hưởng của bão số 3 gây ra, đêm 7 và rạng sáng 8/9, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc mưa giông kèm theo gió mạnh. Dọc theo tuyến đường đèo dốc từ Km13-Km21 lên khu du lịch Tam Đảo, huyện Tam Đảo, nhiều cây thông và các cây cổ thụ khác đã gãy đổ, đất đá sạt lở chặn ngang đường.

Tâm bão Yagi đã đi qua tỉnh Quảng Ninh, gây ra thiệt hại nặng nề, các lực lượng chức năng đang nỗ lực khắc phục hậu quả, sớm nhất có thể cấp điện và mạng viễn thông trở lại, để người dân khôi phục cuộc sống sinh hoạt và sản xuất.

Nhiều nhà cửa tốc mái, cây cối bật gốc đổ la liệt, không điện, không nước và không sóng viễn thông trong nhiều giờ cho đến nay. Đó là những gì bão cơn Yagi vừa đi qua… để lại cho Hải Phòng.

Sáng 8/9, Đại tá Nguyễn Hồng Thái, Trưởng Công an huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình cho biết, anh cùng đồng chí Lường Văn Thi, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc và lãnh đạo ban, ngành đang đến hiện trường vụ sạt lở làm 5 người thương vong.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文