Thiết kế “thắt cổ chai” khiến TNGT xảy ra liên tục trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây
- Ngày đầu kiểm tra, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây thu 3,3 tỷ đồng
- Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành-Dầu Giây áp dụng thu phí kín
- Không phát hiện bất thường trong việc thu phí tại cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành- Dầu Giây
Bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc Công ty CP dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) cho biết, sau vụ cướp tiền xảy ra tại trạm thu phí trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, VEC E đã tăng cường phối hợp với Công an các địa phương trên tuyến cũng như tiến hành gia cố lại một số phương tiện để đảm bảo an toàn trong quá trình thu phí.
Lý giải về tình trạng ách tắc giao thông xảy ra thường xuyên trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, bà Phương cho rằng do thiết kế mặt đường cao tốc có 2 làn xe chạy và 1 làn dừng xe khẩn cấp mỗi chiều, nhưng mặt cầu Long Thành nối từ TP Hồ Chí Minh sang Đồng Nai và ngược lại đã bị “thắt cổ chai”, chỉ còn 2 làn xe chạy mỗi chiều.
Một vụ kẹt xe trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây trong đêm do phương tiện gây tai nạn trên cầu Long Thành. |
Tốc độ chạy xe cao trong khi độ dốc cầu lên đến 4% khiến rất nhiều xe container, xe tải nặng đã phải ì ạch bò qua cầu. Trong khi tốc độ cho phép các loại phương tiện di chuyển rất cao, chỉ cần lái xe thiếu ý thức sẽ lập tức dẫn đến tai nạn trên cầu. Khi 2 làn đường trên mặt cầu chỉ còn một nửa, kẹt xe xảy ra trên tuyến cao tốc là khó tránh khỏi.
Để khắc phục tình trạng này, VEC E đã phải liên tục bố trí xe cứu hộ ở 2 đầu cầu Long Thành trên hướng xe đông. Khi xảy ra tai nạn dẫn đến kẹt xe, VEC E cũng sẽ phối hợp với Công an huyện Long Thành (Đồng Nai) chặn luồng xe vào cao tốc từ hướng Quốc lộ 51 để giảm tải lưu lượng phương tiện trên tuyến.
Trước thực trạng này, VEC E đề nghị khi có sự cố xảy ra, tài xế cần hợp tác, nhường đường để xe cứu hộ, cứu hỏa, cứu thương có thể tiếp xúc với hiện trường, nhanh chóng giải tỏa ách tắc giao thông. Lãnh đạo VEC E nhìn nhận, với đặc điểm trên, hầu như tuần nào trên cầu Long Thành cũng xảy ra tai nạn hoặc sự cố gây kẹt xe trên tuyến cao tốc.
Do đó ngoài những nỗ lực của VEC E trong kiểm soát phương tiện trên tuyến qua hệ thống camera, đòi hỏi văn hóa giao thông, trách nhiệm của tài xế khi lưu thông trên tuyến cũng cần được đặt ra. Mặc dù đây là tuyến cao tốc được đầu tư mới hoàn toàn và có sự lựa chọn hướng lưu thông khác cho tài xế, nhưng tình trạng tài xế trả tiền lẻ để cố tình kéo dài thời gian qua trạm thu phí, gây ách tắc giao thông cũng xảy ra thường xuyên.
Vì vậy, ngoài việc xử lý của cơ quan Công an, để chấm dứt tình trạng này cũng cần sự đồng lòng lên án của giới lái xe đối với những tài xế cố tình cản trở lưu thông tại trạm thu phí.
Liên quan đến chuyện việc triển khai việc thu phí không dừng, lãnh đạo VEC E cho biết trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã dành 2 làn xe qua lại trạm để phục vụ việc này cho phương tiện qua lại. Tuy nhiên đến nay, sau gần 3 năm triển khai ứng dụng này, mới chỉ có khoảng 1.000 phương tiện chịu lắp đặt ứng dụng khiến số lượng xe trả phí tự động qua lại trên 2 làn xe này hàng ngày không đạt con số trên.
Với số lượng ít xe tham gia trả phí tự động như vậy, nên VEC E đã phải mở ra để phục vụ cả với phương tiện trả phí lượt để tránh gây bức xúc cho người lái xe khi làn trả phí theo lượt khá đông, làn thu phí không dừng lại quá vắng.
Nhiều chủ phương tiện cho biết một năm chỉ có nhu cầu qua lại trạm thu phí một vài lần nên họ không có nhu cầu mở tài khoản, đóng trực tiếp số tiền một vài triệu đồng vào rồi để “chết” trong đó nên đã chọn phương án đi lần nào trả tiền lần đấy.
Đồng tình với cách suy nghĩ này, nhiều chủ phương tiện cho rằng, chỉ khi nào luật pháp bắt buộc phải lắp đặt ứng dụng trả phí không dừng, người dân mới thực hiện. Còn khi không có luật để chế tài, các phương tiện vẫn sẽ đi lần nào trả phí bằng tiền mặt lần đó là tiện nhất.
Từ thực tế trên, theo lãnh đạo VEC E, vấn đề đặt ra với Tổng cục Đường bộ là không phải cứ bắt buộc các trạm phải thực hiện thu phí không dừng đối với 100% phương tiện mới là minh bạch, mà do cách kiểm soát của cơ quan này với các trạm thu phí. Với công nghệ thông tin, không gian mạng phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc kiểm đếm số lượt xe từ xa hàng ngày qua lại các trạm thu phí đường bộ không phải là vấn đề lớn.
Từ đó, câu hỏi đặt ra là Tổng cục Đường bộ sẽ áp dụng giải pháp kiểm soát nào nhằm sớm công khai, minh bạch số tiền thu phí tại các trạm để vừa có thể đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân nhưng vẫn kiểm soát chặt chẽ với chủ đầu tư hoặc các DN làm dịch vụ thu phí.