Thông xe kỹ thuật hầm đường bộ Cổ Mã và động thổ hầm đường bộ Cù Mông
Hầm đường bộ Cổ Mã dài 500 m, được thiết kế theo tiêu chuẩn hầm qua núi của Nhật Bản và tiêu chuẩn Việt Nam 5729-2012, gồm hai tuyến hầm xuyên núi song song, cách nhau 30m, mỗi đường hầm rộng 9,75m với 2 làn xe mỗi chiều, vận tốc thiết kế mỗi giờ 80km, tổng vốn đầu tư 784 tỷ đồng. Điểm khởi đầu dự án ở phía Nam xã Đại Lãnh và kết thúc ở phía Bắc xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa; được đầu tư theo hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) và xây dựng – chuyển giao (BT). Sau hai năm xây dựng, công trình đã hoàn thành trước thời hạn 2 tháng.
Thông xe kỹ thuật hầm đường bộ Đèo Cả. |
Dự án hầm đường bộ Đèo Cả bao gồm hầm Cổ Mã và hầm Đèo Cả được khởi công từ giữa tháng 11/2012, với tổng vốn đầu tư 11.738 tỷ đồng. Tổng chiều dài toàn tuyến 13,4 km, trong đó hầm đường bộ Đèo Cả dài 3,9km, hầm đường bộ Cổ Mã dài 500m, còn lại là cầu và đường dẫn 9km. Đến thời điểm này hầm đường bộ qua đèo Cả đã được thi công được hơn 55% và sẽ thông hầm vào tháng 9.2016.
Cùng ngày, Bộ giao thông vận tải, UBND tỉnh Bình Định và Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả tổ chức lễ động thổ xây dựng hầm đường bộ Cù Mông trên tuyến QL1A nối liền hai tỉnh Bình Định – Phú Yên, theo hình thức BOT và BT. Theo thiết kế, toàn tuyến dự án dài 6,62 km, trong đó đường hầm Cù Mông dài 2,6 km, tổng nguồn vốn đầu tư 3.921 tỷ đồng.
Được biết đường bộ qua đèo Cù Mông dài hơn 9 km, có độ dốc cao, vòng của bán kính hẹp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ Cù Mông kết nối với dự án hầm đường bộ Đèo Cả, Cổ Mã, không chỉ rút ngắn thời gian vận hành của các phương tiện giao thông, nâng cao hiệu quả khai thác đường QL1A, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông trên những cung đường đèo và tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng ở khu vực Nam Trung bộ.