Thu phí tự động không dừng vì sao vẫn chậm triển khai?
- Điều tra làm rõ hành vi gây rối của lái xe tại trạm thu phí BOT
- Một số trạm thu phí BOT có hiện tượng che giấu doanh thu, trốn thuế
- Hiến kế đảm bảo ANTT tại các trạm thu phí BOT phát sinh phức tạp
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho thấy, trên cả nước có 96 trạm thu phí BOT, trong đó 74 trạm do Bộ GTVT quản lý, còn lại do UBND các tỉnh, TP quản lý.
Đáng nói, sau nhiều năm triển khai việc thu phí tự động không dừng thì đến nay, cả nước mới lắp đặt được tại 29 trạm ETC với 109 làn. Tại sao lại có sự chậm trễ này khi thu phí ETC được xem là “cứu cánh” giúp việc thu phí minh bạch, tránh tình trạng gian lận, vốn gây bức xúc trong dư luận nhiều năm qua.
Rất ít trạm thu phí BOT triển khai dịch vụ thu phí không dừng. |
Ngoài ra, việc triển khai thu phí ETC còn giúp tiết kiệm thời gian cho lái xe và tiến tới hạn chế sử dụng tiền mặt. Đã nhiều lần, Bộ GTVT có văn bản yêu cầu triển khai, thậm chí, Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng tiến độ thu phí ETC vẫn vô cùng chậm trễ. Vậy đâu là nguyên nhân thực tế?
Ngay từ năm 2015, Bộ GTVT đã bắt đầu tính đến chuyện thu phí không dừng, trước hết trên QL1 và QL14 qua Tây Nguyên. Và, cũng thời điểm này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ký hợp đồng độc quyền (chỉ có 1 nhà đầu tư thực hiện) với Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (Công ty VETC- Công ty con của Công ty CP Tasco) thực hiện. Toàn bộ số tiền thu phí không dừng từ VETC sẽ được đổ về tài khoản của VETC tại BIDV, sau đó mới đổ về tài khoản của các ngân hàng rót vốn cho BOT.
Nhưng có một thực tế, các ngân hàng mới là “ông chủ” thực sự của các dự án BOT. Bởi, hầu hết các dự án BOT đều được ngân hàng rót tới 80%-90% vốn đầu tư. Và đây chính là một trong những lý do khiến các ngân hàng đầu tư vào BOT không thấy thích khi tiền lại chỉ đổ về một ngân hàng BIDV. Chính vì thế, các nhà đầu tư BOT cũng khó có thể triển khai khi đối tác cho vay không hài lòng.
Theo ông Trần Anh Tú, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi - nhà đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) cho biết, trên toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có 64 làn thì đến nay, Vidifi đã phối hợp với VETC triển khai thu phí tự động tại 32 làn. Song, số lượng lái xe sử dụng làn thu phí ETC rất thấp.
Ông Tú cho biết, Vidifi đã báo cáo Bộ GTVT không đầu tư 100% (64 làn) số làn thu phí ETC trên tuyến cao tốc này, bởi rất lãng phí. Nếu 100% lái xe qua trạm sử dụng thu phí ETC thì 32 làn thu phí không dừng đã đầu tư cũng đáp ứng đủ, khi đó, Vidifi sẽ đóng các làn thu phí một dừng lại. Doanh nghiệp này bày tỏ, việc thu phí theo công nghệ ETC là rất hiện đại. Và, đến nay, doanh nghiệp cũng đang triển khai tại 50% số làn trên tuyến.
Tuy nhiên, việc thanh toán qua thẻ ETC rất không tiện lợi. Bởi, người dùng sẽ phải nộp tiền vào tài khoản ETC của Công ty VETC mở tại ngân hàng BIDV, dù người dùng đã có tài khoản tại các ngân hàng khác nhau. Như vậy, vô hình chung tạo cơ hội cho VETC và ngân hàng “chiếm dụng” tiền mặt của người dân. Với lượng xe lên đến 3,8 triệu ôtô thì dù mỗi người chỉ nạp vào số tiền nhỏ như 100.000 đồng, 200.000 đồng cũng trở thành số tiền rất mặt rất lớn.
“Hơn nữa, nếu triển khai thu phí ETC thì nhà đầu tư BOT sẽ giao toàn bộ quyền thu phí cho Công ty VETC. Điều này đồng nghĩa với việc, nhà đầu tư bỏ hàng nghìn tỷ đồng ra làm dự án, xong lại giao cho một công ty khác quản lý, thu phí không khác gì “đem con bỏ chợ” nên nhiều nhà đầu tư BOT không yên tâm, cảm thấy có rủi ro”, ông Tú chia sẻ.
Đứng về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đến thời điểm này vẫn còn tới 500 làn thu phí cần phải lắp đặt công nghệ ETC.
Bên cạnh đó, dự án thu phí không dừng giai đoạn 2 gồm 23 trạm, hiện công tác đấu thầu để lựa chọn nhà cung cấp cũng đang bị chậm do nhiều thủ tục. Một trong những nguyên nhân theo ông Huyện là do phương án tài chính và năng lực của nhà cung cấp dịch vụ không đảm bảo. Nguồn thu hàng tháng từ dự án của VETC, nhà cung cấp dịch vụ đang phải bù lỗ hàng tháng 8-9 tỷ đồng. Đến nay, VETC phải bù lỗ 160 tỷ đồng.
Vì lý do này, đến giữa năm 2018, BIDV (ngân hàng cung cấp tín dụng cho dự án) đã ngừng cung cấp tín dụng nên VETC không có tiền nhập vật tư, lắp đặt thiết bị theo tiến độ. Vì lý do này, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh phương án tài chính, dẫn đến mất nhiều thời gian điều chỉnh phương án tài chính của dự án BOO và BOT, chưa kể sau khi điều chỉnh phải đàm phán ký một loạt phụ lục hợp đồng.
Tổng cục Đường bộ cũng nhận định, do dự án thu phí ETC có nhiều bên tham gia, ràng buộc bằng nhiều hình thức hợp đồng.
“Bộ GTVT ký hợp đồng theo hình thức BOO với nhà cung cấp dịch vụ (Công ty VETC) và ký hợp đồng BOT với nhà đầu tư. VETC lại ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với nhà đầu tư BOT. Ba chủ thể nêu trên ký 3 hợp đồng với 3 hình thức khác nhau dẫn tới chồng chéo. Trong khi hành lang pháp lý chưa đầy đủ, dẫn đến khó khăn trong chế tài xử lý trách nhiệm các bên”, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ phân tích thêm.