Tìm giải pháp chống ngập cho TP Hồ Chí Minh

09:15 10/06/2018
Để đảm bảo công tác chống ngập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ngay từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định phê duyệt “Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước thành phố đến năm 2020”.

Đến tháng 10-2008, từ đề nghị của Bộ NN và PTNN, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục Quyết định phê duyệt “Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP Hồ Chí Minh”.

Các quy hoạch này đều xác định cụ thể từng lưu vực thoát nước, từng hạng mục công trình phục vụ thoát nước… với tổng mức đầu tư được dự kiến lên đến cả trăm ngàn tỷ đồng. Nhưng đáng tiếc,  khi lên kế hoạch triển khai, TP Hồ Chí Minh cũng không xác định được hạng mục nào cần làm trước, công trình nào sẽ làm sau dẫn đến tình trạng đầu tư tiền tỷ, ngập lụt vẫn cứ ngập.

Ngay cả những lưu vực dự án chống ngập đã được hoàn thành, ngập lụt vẫn ngày càng nghiêm trọng…

Bài 1: “Tụ” nước sau mưa hay đầu tư chống ngập kém hiệu quả?

Hàng loạt điểm ngập đầu mùa mưa

Mùa mưa chỉ vừa bắt đầu, nhưng một số trận mưa đã khiến nhiều tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh bị ngập nặng. Điều khiến người dân nghi ngờ khả năng của hệ thống thoát nước, chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh dù đã được thuê siêu máy bơm để chống ngập riêng nhưng đường vẫn bị ngập đến gần nửa mét nước sau khi mưa.

Trận mưa vào chiều tối 19-5 đã cho thấy sự yếu kém trong công tác chống ngập lụt khi ngập nước xảy ra trên diện rộng; một loạt các tuyến đường thuộc lưu vực thoát nước Nhiêu Lộc - Thị Nghè vừa mới được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để thay thế, nâng cấp hệ thống cống thoát nước và nạo vét nhiều tuyến kênh, rạch… đã bị chìm sâu trong nước hàng giờ sau mưa.

Thực tế ngập nước sau trận mưa trên là điều ai cũng thấy, nhưng trong buổi gặp gỡ báo chí vào sáng 22-5, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước mưa - Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố (Trung tâm chống ngập) đã đưa ra số liệu hết sức chủ quan do trung tâm này thống kê: Toàn thành phố chỉ có 10 điểm ngập sau trận mưa tối 19-5, còn lại 22 điểm khác chỉ là hiện tượng “tụ” nước! Về lý do vì sao số điểm ngập quá ít so với thực tế như vậy, ông Long cho hay, tiêu chí đánh giá điểm ngập được tính theo qui định của Bộ Xây dựng.

Theo quy chuẩn này, thì phải sau khi dứt mưa khoảng 30 phút, Trung tâm chống ngập mới tiến hành đo đạc tại các tuyến đường để thống kê những vị trí còn bị ngập hoặc “tụ” nước. Chỉ khi nào mưa dứt khoảng 30 phút mà đường còn ngập từ 10cm nước trở lên mới được gọi là điểm ngập.

Ngập nước sau cơn mưa chiều tối 19-5.

Ngược lại, những tuyến đường chỉ còn dưới 10cm nước sau khi dứt mưa nửa giờ sẽ không được coi là ngập. Việc đo đạc cũng phải thực hiện tại nhiều điểm để lấy độ sâu ngập nước trung bình, chứ không thể chỉ đo ở điểm trũng nhất.

Ngày 28-5, UBND thành phố đã tổ chức cuộc họp để nghe Trung tâm chống ngập báo cáo về tình hình ngập lụt những tháng đầu năm nay. Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm chống ngập đã xác nhận, từ đầu năm đến thời điểm đó có 4 trận mưa gây ngập, trong đó trận mưa lớn xảy ra vào ngày 19-5 với vũ lượng 119mm.

Trận mưa này trải rộng trên địa bàn 12 quận, huyện, gây ngập cho 32 tuyến đường. Sau cơn mưa còn 10 đường ngập 10-25cm, thời gian nước mưa rút cạn trên các tuyến bị ngập trung bình phải kéo dài 1-3 giờ, cá biệt có tuyến phải 5 giờ sau khi mưa dứt, nước mới rút hết.

Trở lại với dự án đã được TP Hồ Chí Minh đầu tư đến vài trăm triệu USD là Dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đến nay phần thoát nước, chống ngập của dự án này đã xong. Đã có 72km cống hộp được lắp đặt; 240km cống cấp 3 với đường kính từ 200 - 800mm được cải tạo, xây dựng mới và nhiều tuyến kênh, rạch được nạo vét…

Với dự án thành phần số 5 và 6 trong dự án nâng cấp đô thị cũng vậy, mục tiêu được thành phố đưa ra trước khi quyết định cho làm dự án này là “Giảm tối đa tình trạng ngập úng cho lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm”. Trong đó, ngoài phần chi phí nạo vét, mở rộng tuyến kênh và làm hơn 11,8km cống hộp ven kênh; Thành phố còn chi cả ngàn tỷ đồng để nâng cấp, xây dựng, lắp đặt mới 25km cống tròn trong lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm.

Ngoài lưu vực này, cũng đã có đến 40km cống thoát nước cấp 2 - 3 tại 8 quận nội thành được đầu tư nâng cấp, cải tạo hoặc xây dựng mới. Vì vậy, khi các tuyến cống thoát nước vừa làm xong, ngập nước đã lại xảy ra tại chính những tuyến đường này, thì dư luận người dân đòi hỏi TP Hồ Chí Minh phải tổ chức đánh giá lại hiệu quả đầu tư để tìm ra tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trước những dự án kém hiệu quả này. 

Báo cáo sơ kết sau 2,5 năm thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020 do Trung tâm chống ngập đưa ra mới đây còn khẳng định, đến nay thành phố đã giải quyết được 15 tuyến đường trục chính thường xuyên bị ngập sau mưa, đó là tuyến Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí, quốc lộ 13, An Dương Vương, Gò Dầu, Lê Thành Phương, Mai Hắc Đế, Lương Văn Can, Hậu Giang, Lê Quang Sung, Cao Văn Lầu, Mai Xuân Thưởng, Hồng Bàng, Tân Hương, Gò Dưa.

Nhưng trái với khẳng định trên, hầu hết những tuyến đường trên đều là những tuyến bị ngập nghiêm trọng trong những trận mưa đầu mùa gần đây.

Không mưa cũng ngập, hậu quả từ kiểu chống ngập cắt khúc

Với quyết tâm tìm ra giải pháp chống ngập lụt triệt để cho thành phố, cách đây 10 năm, Bộ NN và PTNT đã phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh lập đề án “Quy hoạch thủy lợi phục vụ tìm kiếm giải pháp chống ngập lụt cho TP Hồ Chí Minh”.

Dù đề án đã huy động được 13 nhà khoa học đầu ngành của các cơ quan chuyên ngành về lĩnh vực thủy lợi tham gia, nhưng việc hoàn tất một đề án lớn như vậy chỉ trong vòng 3 tháng đã khiến không ít nhà khoa học quan tâm đến lĩnh vực này trăn trở. Nhất là khi đề án được yêu cầu nhanh chóng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành quy hoạch thủy lợi để chống ngập cho thành phố.

Góp ý với đề án, TS Hồ Long Phi, Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, đối với lưu vực trung tâm thì việc hạ thấp mực nước triều trên kênh Tàu Hũ - Bến Nghé xuống 1m có thể làm tăng hiệu quả thoát nước lên 40-60%. Tuy vậy, hệ thống thoát nước hiện tại có tiết diện quá nhỏ, cần thiết phải tăng tiết diện cống thoát cũ lên gấp 3-5 lần mới có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị rất nhanh của Thành phố. Số tiền đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng để làm cống thoát cho giai đoạn 1 của dự án này chỉ có thể giúp xóa ngập cho 5 vị trí trũng, thấp ven kênh tàu Hũ - Bến Nghé.

Trước đề án này, TS Tô Văn Trường, một cán bộ của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam thời điểm đó cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, muốn tìm ra giải pháp hiệu quả nhất để giải quyết chuyện ngập lụt cho thành phố, trước hết phải xác định rõ nguyên nhân và các yếu tố tác động, cả về không gian và thời gian. Nguyên nhân gây ngập lụt đã được chỉ rõ là do mưa, lũ và triều cường, nhưng thực tế đề án chỉ chú trọng đến giải pháp chống ngập do lũ và triều cường, bỏ qua không nghiên cứu giải pháp chống ngập do tác động của mưa.

Do đó, TS Tô Văn Trường lưu ý đề án cần bổ sung nguyên nhân gây ngập lụt do hệ thống tiêu thoát nước của thành phố quá cũ, quá tải và xuống cấp; hệ thống thu gom nước mưa, rồi hệ thống cống ngầm chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu thoát nước; việc quản lý, vận hành cũng còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện.

Cũng theo TS Tô Văn Trường, đề án trên đã không xây dựng bản đồ ngập lụt theo quan điểm khoa học và thực tế, mà chỉ dựa vào bản đồ ngập lụt do Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão thành phố xây dựng trước đó là không phù hợp.        

Đề cập đến các giải pháp thoát nước của thành phố, TS Bùi Quốc Nghĩa, nguyên Trưởng phòng Thủy hải văn công trình - Phân viện Vật lý tại TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ ra rằng, để có thể chống ngập hiệu quả do mưa, nhất thiết phải giải quyết được 2 khâu cơ bản là hệ thống cống thoát nước và hệ thống tạm trữ nước mưa.

Trong đó hệ thống kênh rạch, sông hồ tạm trữ nước mưa mới là khâu quyết định. Lý do, mưa lớn thường xuất hiện vào lúc triều cường, tạo nên tổ hợp mưa - triều gây ngập nặng. Nhưng các dự án thoát nước của thành phố mới chỉ quan tâm đến hệ thống cống dẫn nước bằng giải pháp tự chảy.

Theo TS Bùi Quốc Nghĩa, để chống ngập hiệu quả cho TP Hồ Chí Minh, phải sử dụng các biện pháp chủ động như khống chế mực nước thủy triều trong hệ thống kênh, rạch ở mức hợp lý để tạo chỗ chứa nước mưa bằng cách xây đập ngăn triều. Cùng lúc cần tận dụng triệt để các điều kiện tự nhiên để tạo thêm chỗ tạm chứa nước mưa.

Như vậy, thành phố phải tập trung vào làm hệ thống chứa nước mưa trước rồi mới đầu tư vào hệ thống dẫn nước về nơi tạm trữ, chờ thủy triều rút để xả ra sông. Với cách làm của thành phố thời gian qua, TS Bùi Quốc Nghĩa cho rằng đây là cách làm ngược.

Đức Thắng

Liên quan vụ sạt lở đất đá tại một cung đoạn ở đèo Khánh Lê trên tuyến đường quốc lộ 27C nối Nha Trang (Khánh Hòa) với Đà Lạt (Lâm Đồng) như Báo CAND đã thông tin, đến 17h30' chiều nay 15/12, công tác khắc phục hậu quả vẫn còn đang được triển khai nhưng gặp rất nhiều khó khăn.

Nói đến đặc công nước là nhắc đến một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ đã đi vào huyền thoại với lối đánh thủy chiến truyền thống và độc đáo. Để trở thành những chiến sĩ đặc công nước “đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn”, CBCS Lữ đoàn Đặc công nước 5 luôn phải đối mặt với hiểm nguy.

Trong xã hội hiện đại, “deadline” không chỉ là một cụm từ quen thuộc mà còn trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người trẻ. Không ít người đã bị cuốn vào guồng quay của công việc, chạy đua với thời gian để hoàn thành nhiệm vụ, đến mức kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần, thậm chí có người phải nhập viện. Khoa học gọi đây là hội chứng “burn out” (cháy sạch). Đây là một thực trạng đáng báo động, phản ánh mặt trái của lối sống và làm việc quá tải mà người trẻ đang đối mặt.

Ngày 15/12, Công an huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) vừa phối hợp các lực lượng chức năng bắt giữ thành công 1 đối tượng quốc tịch Lào, thu giữ 18.000 viên ma túy tổng hợp sau 2 ngày đầu ra quân thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Những hạn chế, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội là vấn đề đã khiến nghị trường Quốc hội “nóng” lên tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV vừa qua. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã chính thức biểu quyết thông qua Nghị quyết về "Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội".

Đảng ủy, Ban Biên tập cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ, phóng viên, nhân viên Báo CAND xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới đồng chí Đặng Thị Huyền cùng gia đình. 

Ngày 15/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy An (Phú Yên) cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam về tội danh “Cố ý gây thương tích” đối với Võ Duy Khang (SN 2005, trú ở xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).

Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định thu hồi không có thời hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của Công ty TNHH Security 24 (địa chỉ trụ sở tại số 238 Nguyễn Duy Hiệu, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) do ông Trịnh Đình Khoa, SN 1973 ở thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định đứng tên làm Giám đốc.

Nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Công an huyện Sông Hinh (Phú Yên) ngày 15/12 cho biết, vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam về tội danh “Đe dọa giết người” đối với  Nguyễn Duy Tân (SN 1994, trú khu phố Bắc Lý, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên).

Ngày 15/12, lễ hội Nhô Lir Bong (mừng lúa mới) của người Cơ Ho S’re tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) đã được phục dựng, tái hiện trong sự hân hoan của hàng trăm người đến từ các dân tộc anh em chung sống thuận hòa trên cao nguyên Di Linh, nhân dịp Festival hoa Đà Lạt lần thứ 10 năm 2024.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文