Uber vẫn phớt lờ quy định
- Tài xế Uber dùng muỗng cướp tài sản của bà bầu
- Vận tải Uber là ngành nghề mới trong kinh tế Việt Nam
- 'Grab và Uber taxi có nhiều ưu điểm, thuận lợi hơn'
Theo Bộ GTVT, có hiện tượng một số hộ kinh doanh, đơn vị vận tải vẫn không chấp hành đúng các quy định như không có phù hiệu xe hợp đồng; ký hợp đồng với đơn vị cung cấp phần mềm không phù hợp với quy định; không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước theo quy định.
Trường hợp của Uber, trong hai năm qua, Bộ GTVT đã nhiều lần làm việc với đại diện của đơn vị này để trao đổi , hướng dẫn xây dựng Đề án gửi Bộ GTVT xem xét cho phép hoạt động thí điểm theo đúng các quy định. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Bộ GTVT và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan vẫn chưa nhận được Đề án hoạt động thí điểm của Uber như đã hướng dẫn.
Mặt khác, Công ty Uber B.V. Hà Lan hiện cũng không chịu sự quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước về ứng dụng thương mại điện tử. Lý do là vì Nghị định 52 và Thông tư 59 chỉ áp dụng đối với các website, ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam (hiện diện thương mại hoặc đăng ký tên miền Việt Nam).
Vì vậy, “Bộ GTVT không có cơ sở pháp lý để kiểm tra và đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định về kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách đối với các dịch vụ vận tải được cung cấp qua sàn giao dịch TMĐT của Uber”.
Đồng thời đưa ra một số vấn đề chưa được làm rõ trong hướng dẫn thu thuế giá trị gia tăng như theo Luật Giao thông đường bộ, dịch vụ phần mềm kết nối giữa lái xe và hành khách không được coi là dịch vụ hỗ trợ vận tải, cũng như dịch vụ vận tải. Đơn cử như với Công ty TNHH Grabtaxi, việc kinh doanh phần mềm của đơn vị này hiện nay đang được xếp loại là dịch vụ khoa học công nghệ và chịu mức thuế GTGT là 5%.
Bộ GTVT đang xin phép Chính phủ mở rộng thí điểm đưa công nghệ vào hỗ trợ, quản lý hoạt động vận tải khách theo hợp đồng. |
Tuy nhiên, trước đó, ngày 24-8-2016, Bộ Tài chính đã có công văn hướng dẫn thu thuế Uber, trong đó xác định dịch vụ phần mềm kết nối giữa lái xe và hành khách sẽ phải nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 3%, như đối với dịch vụ vận tải. Điều này sẽ gây khó khăn cho những đơn vị đơn vị tham gia thí điểm trong việc kê khai và nộp thuế đối với Nhà nước, tức là các đơn vị này không biết thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan trực tiếp thu thuế hay theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Đồng thời, có thể dẫn tới việc hiểu sai ý nghĩa pháp lý của Đề án thí điểm, vì Đề án chỉ hợp thức hoá hình thức hợp đồng điện tử giữa lái xe và hành khách, mà không nhằm tạo ra hình thức kinh doanh mới.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, tới đây, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo Thanh tra Bộ và Sở GTVT các tỉnh, thành phố tham gia thí điểm phối hợp với lực lượng Công an, cơ quan Thuế, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Mặt khác, để tiếp tục công tác thí điểm được hiệu quả, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch, tránh độc quyền, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ hướng dẫn các địa phương khác (ngoài 5 địa phương được thí điểm) có nhu cầu thực hiện thí điểm; đồng thời chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt là dịch vụ xuyên biên giới, và trong lĩnh vực thuế.