Ùn tắc gia tăng vì nhiều bất cập giao thông

08:06 17/10/2017
Phương tiện gia tăng, thời tiết bất lợi, khiến giao thông Hà Nội thời gian gần đây liên tục rơi vào tình trạng ùn ứ. Điều đáng nói, tình trạng tắc đường không còn chỉ xảy ra vào giờ cao điểm, vào ngày đi làm, mà đôi lúc còn xảy ra trong các khung giờ trước kia chưa từng bị tắc, kể cả ngày cuối tuần.

Theo báo cáo từ  Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, 9 tháng đầu năm, đơn vị này đã xử lý được 8/41 điểm ùn tắc giao thông. Cụ thể, thành phố đã giảm ùn tắc tại điểm Lò Đúc - Trần Khát Chân - Kim Ngưu, Trung Văn - Tố Hữu, Bắc cầu Chương Dương, Châu Quỳ - Quốc lộ 5, điểm Nhà máy Sữa Vinamik - Quốc lộ 5, Trần Phú - Nguyễn Văn Lộc và 2 điểm trên tuyến phố Hào Nam.

Song chính Sở GTVT Hà Nội cũng phải thừa nhận các điểm khác trên một số tuyến đường hướng tâm, vành đai, xung quanh khu vực bến xe, các khu vực có lưu lượng giao thông lớn, thi công các công trình trọng điểm... vẫn thường xuyên có nguy cơ ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm và sự cố giao thông khi thời tiết xấu.

Giao thông Hà Nội thời gian gần đây liên tục rơi vào tình trạng ùn ứ. Ảnh: Ngọc Thành

Hà Nội hiện vẫn còn tới 33 “điểm đen” thường xuyên ùn tắc, song trên thực tế, con số trên chưa bao gồm những điểm mới có thể phát sinh bất cứ lúc nào nếu việc tổ chức giao thông không hợp lý, hoặc thiếu CSGT.

Vì sao nhiều “điểm đen” tồn tại từ năm này sang năm khác vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm? Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội cho biết, cán bộ chiến sĩ CSGT vẫn tăng cường quân số, thế nhưng không thể cứ mang sức mình ra vật lộn với thực tế này. Muốn giao thông thông suốt, an toàn, cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng.

Từ đầu năm đến nay, đã nhiều lần Phòng CSGT Hà Nội có các kiến nghị về việc khắc phục bất cập giao thông gửi về Công an thành phố Hà Nội, để từ đây đề xuất với thành phố, thì sau đó phía Sở GTVT Hà Nội-đơn vị trực tiếp quản lý việc điều tiết hạ tầng giao thông của cả thành phố, mới chỉ hồi âm kiểu “nhỏ giọt”.

Cụ thể, trước khi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (gọi tắt là Quy chuẩn 41) có hiệu lực, Công an thành phố Nội đã có Công văn số 4209 gửi Sở GTVT Hà Nội để đề nghị điều chỉnh, thay thế, bổ sung hệ thống biển báo, vạch sơn cho phù hợp với Quy chuẩn mới làm căn cứ pháp lý cho lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt.

Tuy nhiên, cho đến nay, dù đã gần 1 năm Quy chuẩn có hiệu lực song phần lớn những nội dung trong kiến nghị này vẫn chưa được đơn vị chức năng liên quan giải quyết. Đơn cử Quy chuẩn 41 quy định xe ôtô chở hàng với khối lượng hàng chuyên chở cho phép dưới 1.500kg là xe ôtô con.

“Hiện chúng tôi rất vất vả trong việc phân luồng, điều chỉnh dòng phương tiện. Trên thực tế đã có không ít lái xe tải cố tình điều khiển xe tải loại dưới 1.500kg vào trong nội đô, kể cả trong giờ cao điểm. Khi CSGT kiểm tra, họ vin vào việc thực hiện theo Quy chuẩn 41”, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội bức xúc.

Ngoài những bất cập kể trên, nhằm đảm bảo giao thông những ngày cuối năm được thông suốt, giữa tháng 9-2017, Công an thành phố Hà Nội tiếp tục có văn bản gửi lên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, kiến nghị xử lý hơn 13 điểm bất cập đã đề xuất từ lâu nhưng chưa được thực hiện, kèm 8 đề xuất mới trong việc tổ chức lại giao thông.

Đó là đề xuất tổ chức giao thông 2 chiều đường Phan Chu Trinh nhằm giảm tải cho đường Hai Bà Trưng, Hàng Bài, Bà Triệu, Quang Trung; đề xuất tổ chức giao thông 2 chiều đường Đê La Thành và tổ chức lại giao thông một số nút liên quan nhằm giảm tải cho đường Nguyễn Thái Học, Kim Mã; dỡ bỏ dải phân cách tại khu vực trung tâm nút, tổ chức lại giao thông bằng hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại nút giao Nguyễn Chí Thanh-Đê La Thành;  đóng điểm mở quay đầu trên đường Nguyễn Chí Thanh, đoạn trước trụ sở Đài Truyền hình Việt Nam; xén vỉa hè để mở rộng mặt đường cho các phương tiện lưu thông hướng Đê La Thành rẽ phải đi Nguyễn Chí Thanh.

Tại nút Đê La Thành-Nguyên Hồng, Công an Hà Nội kiến nghị tổ chức cấm phương tiện rẽ trái từ Đê La Thành xuống Nguyên Hồng; cấm ôtô lưu thông theo hướng từ Nguyên Hồng đi lên Đê La Thành; di chuyển cột đèn tín hiệu giao thông tại nút Đê La Thành – Nguyễn Chí Thanh xuống vị trí trước ngã 3 Đê La Thành – Nguyên Hồng để điều khiển phối hợp chu kỳ đèn giữa 2 nút giao.

Ngoài những đề xuất trên, Công an Hà Nội còn đề xuất duy tu, sơn lại vạch sơn, gờ giảm tốc bị mờ, thiếu tại 21 vị trí tuyến, nút; đề xuất bổ sung, thay thế, điều chỉnh biển báo thiếu, chưa phù hợp tại 47 vị trí tuyến, nút; đề xuất các vấn đề khác liên quan đến công tác tổ chức giao thông như: Thảm lại mặt đường, đóng mở điểm quay đầu, xén hè... tại 35 vị trí tuyến, nút.

Cảnh ùn ứ diễn ra hàng ngày trên đường Giải Phóng-Ngọc Hồi.

Chúng tôi đã liên lạc với Sở GTVT Hà Nội để hỏi vì sao chưa thể giải quyết dứt điểm các “điểm đen” đã tồn tại từ lâu, đồng thời, hướng giải quyết những kiến nghị từ phía Công an thành phố Hà Nội, song các lãnh đạo Sở này đều “bận họp”.

Thông tin phóng viên có thể tìm hiểu được chỉ là giải pháp chung chung: Từ nay đến cuối năm 2017, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục tập trung giải quyết, xử lý và khắc phục các điểm thường xuyên có nguy cơ ùn tắc.

Cùng đó, thành phố sẽ tổ chức xây dựng gờ, gồ giảm tốc để đảm bảo ATGT tại các vị trí đường bộ giao cắt cùng mức với đường sắt; phối hợp với chủ đầu tư tập trung tổ chức giao thông phục vụ thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đặng Nhật

Dù có trụ sở sản xuất tại Hà Nội, nhưng sữa bột giả đã tung ra khắp các tỉnh, thành khi "hệ sinh thái" của Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group (Công ty Hacofood Group) và Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma (Công ty Rance Pharma) mở các chi nhánh ở nhiều địa phương. Tại Hòa Bình, các công ty này đã đăng ký công bố hàng trăm sản phẩm. Sữa giả không chỉ thuê người nổi tiếng quảng cáo, mà còn được đưa vào cơ sở y tế bán cho người bệnh.

PV Báo CAND băng theo lối mòn đã hằn dấu vết chân người, len giữa những thân cây còn vương nhựa mủ bị cứa bởi rìu, nghe mùi đất mới trộn lẫn với mùi xăng dầu hắt lên từ hốc đá. Rừng Vĩnh Ô, nằm ở Tây Vĩnh Linh (Quảng Trị), nơi từng là vành đai phòng hộ của cả một vùng đầu nguồn, giờ thở dốc dưới những mái lán phủ bạt xanh, những hầm hố khoan sâu vào lòng đất như vết thương không bao giờ lành miệng.

Theo đề xuất, giai đoạn 2016 - 2030 xét đến năm 2035, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh sẽ có 46 dự án năng lượng được đưa vào quy hoạch để xây dựng, bổ sung khoảng 14.500MW vào nguồn điện quốc gia. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm kể từ khi dự án điện mặt trời đầu tiên được chấp thuận đầu tư, đến nay trên địa bàn mới chỉ có 2 dự án hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại, số còn lại vẫn đang nằm trên giấy.

Vườn Cau Đỏ (nay thuộc Quận 12, TP Hồ Chí Minh) trước đây là vùng chiến khu. 50 năm sau ngày giải phóng, từ vùng ven thuộc Hóc Môn, giờ nơi này đã trở thành đô thị khang trang, hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày hôm qua (17/4), ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ đã có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất ngày có nơi trên 35 độ như: Yên Châu (Sơn La) 38,4 độ, Tương Dương (Nghệ An) 37,4 độ, Đông Hà (Quảng Trị) 37,5 độ, Sơn Hòa (Phú Yên) 37,4 độ… Độ ẩm tương đối thấp nhất, phổ biến 55-60%.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.