Va chạm container, “nghệ sĩ Violin đường phố” qua đời
Đó là ông Đỗ Bá Lý, SN 1935, ở phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân (Hải Phòng), người hàng ngày vẫn thả hồn vào những giai điệu du dương của cây vĩ cầm trên các con phố đất Cảng. Một tai nạn thương tâm vào trưa 28 – 7, đã cướp đi sinh mạng người nghệ sỹ già vốn mang số phận đầy đau thương…
Tiếng vỹ cầm vụt tắt
Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào trưa ngày 28-7-2017, tại chân cầu vượt Big C, thuộc phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền (Hải Phòng). Những người chứng kiến không khỏi xót xa bởi hình ảnh vô cùng thương tâm. Người đàn ông gầy gò, ốm yếu bị chiếc xe container tông phải khiến thi thể không còn nguyên vẹn. Bên cạnh nạn nhân là cây đàn violon cùng bộ loa đài với chiếc ghế gấp và chiếc ô che nắng văng tứ tung.
Mặc dù không mấy người biết rõ tên tuổi của người bị nạn nhưng hầu như ai cũng biết đó là ông già nghệ sỹ đường phố hàng ngày vẫn chơi đàn violon ở các ngã tư. Hình ảnh ông Đỗ Bá Lý kéo đàn violin trên đường phố đã trở thành quen thuộc với người dân Hải Phòng từ nhiều năm nay. Tiếng đàn của ông Lý du dương, réo rắt khiến người đường không khỏi bồi hồi, xuyến xao. Và rồi đến hôm nay sau một buổi sáng nhọc nhằn mưu sinh, trên đường trở về nhà dù quãng đường còn lại không xa nhưng ông đã không kịp gặp lại người vợ hết mực yêu thương…
Theo người đi đường cho biết lúc đó ông Đỗ Bá Lý được một người khác chở đằng sau xe máy cùng bộ đồ nghề. Khi đi đến trước cửa số nhà 203 đường Nguyễn Bình Khiêm, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền thì va chạm với xe ô tô đầu kéo BKS: 15LD-004.79 đi theo hướng từ siêu thị Big C về cầu vượt Lạch Tray. Cú va chạm bất ngờ khiến cả người điều khiển xe máy và ông Lý ngã xuống đường. Ông Lý bị bánh xe ô tô chèn qua người chết tại chỗ, còn người điều khiển xe máy cũng bị thương nặng, được đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Khi hay tin chồng mình bị nạn, bà Lâm Thị Hải năm nay 70 tuổi, vốn đã bệnh tật, đau yếu liên miên đã không chịu nổi cú sốc quá lớn đã ngất lịm đi. Nhiều người chứng kiến cảnh chia lìa đau thương này cũng đã không cầm nổi nước mắt, bày tỏ sự tiếc thương cho tiếng vĩ cầm đã tắt…
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: H.B.H |
Người nghệ sỹ cuộc đời đầy sóng gió
Ông Đỗ Bá Lý vốn được sinh ra trong một gia đình khá giả, các cụ thân sinh có đam mê nghệ thuật. Đó là lý do ông đã được làm quen với các nhạc cụ Tây phương rất sớm, từ lúc chỉ mới hơn 10 tuổi.
Ông lấy vợ khá sớm, rồi sinh liền tù tì 3 đứa con nhưng trời chẳng chiều lòng người, bà vợ đầu của ông đã sớm qua đời vì bệnh tim, bỏ lại cho ông 3 đứa con thơ dại. Khi ấy, ông đang làm nhạc công cho Đoàn ca múa kịch Hải Dương, vì con cái nheo nhóc quá nên phải bỏ về để chăm con ở Hải Phòng. Nhiều năm sau, duyên phận giúp ông gá nghĩa với bà Lâm Thị Hải, công nhân Xí nghiệp mì sợi cũ. Bà Hải cũng từng có một đời chồng, cũng một nách 3 đứa con riêng.
Sau đó ông Lý bươn chải làm rất nhiều nghề, như khuân vác, thợ phụ sửa xe máy, ô tô, làm thợ khai mỏ Apatit Lao Cai… cùng người vợ kế dốc hết sức lực nuôi dạy các con. Thế nhưng tai họa liên tiếp tai họa, những đứa con của ông bà, người thì chết sớm vì bệnh tật, người còn sống thì hoàn cảnh cũng quá nghèo, đã phiêu bạt đi nhiều nơi.
Đến năm 2001, ông Lý bị đau dạ dày nặng, phải chuyển lên bệnh viện trên Hà Nội để mổ, nhưng khi phẫu thuật, các bác sỹ lại phát hiện trong dạ dày của ông có khối u, động dao kéo vào rất nguy hiểm, thế là đành khâu lại và… để đấy. Tuy thoát được lưỡi hái tử thần, nhưng sức khỏe của ông ngày một suy kiệt. Bà Hải lúc này cũng không còn làm ở xí nghiệp nữa mà về nhà chạy chợ, buôn rau bỏ mối cho các hàng ăn. Có lúc bí bách quá, bà phải đi nhặt ống bơ ve chai bán lấy tiền nuôi chồng con.
Hình ảnh người nghệ sĩ già chơi đàn nơi ngã tư |
Trong thời gian chạy chợ buôn bán, bà Hải lại không may bị xe máy tông phải, gẫy chân. Kẻ gây tai nạn đã táng tận lương tâm bỏ mặc bà lão nằm đau đớn quằn quại giữa đường mà chạy trốn. Chỉ đến khi chị em buôn bán cùng chợ phát hiện ra, đưa bà đi cấp cứu, rồi đưa lên Hà Nội mổ đóng đinh vết gãy. Nhưng kể từ đó, bà không đi lại được nữa, việc di chuyển phải nhờ vào đôi nạng gỗ. Tiền thuốc men chạy chữa lên tới cả chục triệu đồng trong khi nhà không còn đồng nào, bí quá, ông Lý kiếm 1 chiếc sáo trúc mang ra chợ thổi, mong bà con giúp tiền chữa bệnh cho vợ. Thổi sáo xin tiền được một thời gian thì ông Lý dành dụm một ít, mua cây violin cũ mang ra ngồi kéo ở vỉa hè...
Đến nay đã quá tuổi bát thập, nhưng ông Lý vẫn phải ngày qua ngày cùng cây đàn, lang thang qua từng con phố, mua vui cho người và nuôi sống gia đình. Vậy nhưng số phận nghiệt ngã một lần nữa lại quay lưng chia lìa cuộc sống cuộc sống của người nghệ sỹ già với người vợ hết mực yêu thương.