Vẫn loay hoay với phương án xử lý trạm BOT Cai Lậy
- Trạm BOT Cai Lậy sắp thu phí trở lại1
- Tổng kiểm toán: Tháng 9 công bố kết luận về trạm BOT Cai Lậy
- BOT Cai Lậy: "Tình hình hiện rất phức tạp"
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra ngày 1-3-2018, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết bộ này đã đưa ra tới 4 phương án xử lý với trạm BOT Cai Lậy để trình Chính phủ "trong vài ngày tới".
Trong các phương án có những đề xuất, như áp dụng chính sách giảm giá vé cho phương tiện của người dân gần trạm; lập 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và tuyến đường tránh TP Cai Lậy; dừng thu phí...
Gần đây nhất, đầu tháng 4-2018, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã thông tin về việc Bộ GTVT đã trình Chính phủ “5 phương án” giải quyết trạm thu phí BOT Cai Lậy.
Cho đến nay, Trạm thu phí BOT Cai Lậy vẫn đang xả trạm. |
Ông Nhật cũng nhấn mạnh rằng, cả 5 phương án xử lý đều đã được đưa ra thảo luận hai lần tại cuộc họp giữa Bộ GTVT với các bộ, ngành, địa phương dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Trong hai cuộc họp này, đa số các bộ, ngành đều đánh giá phương án giữ lại trạm BOT Cai Lậy và tiếp tục giảm giá, mở rộng phạm vi miễn giảm là khả thi nhất.
Thế nhưng, sau khi nghiên cứu 5 phương án mà Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ để quyết định giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí BOT Cai Lậy, người dân và doanh nghiệp ở tỉnh Tiền Giang vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Không ít ý kiến vẫn đề nghị di dời trạm thu phí về tuyến tránh Cai Lậy.
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thuỷ: “Phương án hợp lý nhất là di dời trạm thu phí về tuyến tránh, còn các phương án khác khó có thể chấp nhận”.
Khi nói đến phương án được nhiều người dân cho là “tối ưu” này, Bộ GTVT cho rằng, nếu ưu tiên lựa chọn phương án đặt trạm BOT trên tuyến tránh, không thu trên QL1, các xe sẽ đi vào trung tâm TX Cai Lậy trên tuyến QL1 để trốn trạm, gây ùn tắc, gia tăng TNGT và ô nhiễm môi trường cho nội đô TX Cai Lậy khiến dự án không đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Đặc biệt, khi thực hiện phân luồng cũng gây nên phản ứng của người dân với lý do ép các phương tiện đi vào tuyến tránh có mua vé, nhất là các doanh nghiệp vận tải, kinh doanh gạo có trụ sở, giao dịch trong TX Cai Lậy. Hơn nữa, theo tính toán của đơn vị tư vấn, khi đặt trạm trên tuyến tránh, chỉ có khoảng 3.800 lượt xe lưu thông/ngày đêm, dẫn tới ngân sách Nhà nước phải hỗ trợ cho cả vòng đời dự án khoảng 1.250 tỷ đồng để đảm bảo phương án tài chính khả thi.
Đối với phương án xóa bỏ Trạm BOT Cai Lậy dùng ngân sách Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư sẽ giải quyết triệt để phản ứng của một phận người dân, nhưng chúng ta phải xét đến bối cảnh nguồn lực của Nhà nước hiện nay đang rất khó khăn, nếu lựa chọn phương án này sẽ dẫn tới hệ lụy cho các dự án khác.
Khi đó, ngân sách Nhà nước có thể phải hỗ trợ 5 dự án khác có đầu tư tuyến tránh, thu giá trên tuyến chính tương tự Cai Lậy và 6 trạm thu cả trên tuyến quốc lộ và cao tốc của 4 dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc, kết hợp cải tạo quốc lộ song hành khoảng trên 30.000 tỷ đồng. Trong điều kiện ngân sách khó khăn hiện nay, rõ ràng phương án chỉ đặt trạm trên tuyến tránh, không thu QL1 và xóa bỏ trạm BOT là khó khả thi.
Hiện nay, trạm thu phí BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đang tiếp tục xả trạm. Mỗi ngày, có hàng chục ngàn xe ô tô đi qua lại QL1A khu vực tỉnh Tiền Giang.
Trong đó có hàng ngàn xe ôtô các loại đi rẽ vào tuyến tránh Cai Lậy để tránh ùn ứ giao thông trên QL1A đoạn thị xã Cai Lậy. Đúng là không dễ để xử lý trạm BOT Cai Lậy. Trạm BOT này bắt đầu thu phí ngày 1-8-2017 nhưng cũng kể từ đó, những rắc rối, phức tạp, xung đột liên tiếp nảy sinh.
Cái khó nhất đối với BOT Cai Lậy là Bộ GTVT đã "quyết" cho nó được đặt trên tuyến đường huyết mạch - quốc lộ 1. Trong khi đó, các chủ phương tiện lại cho rằng đây là điều bất hợp lý với nguyên tắc đầu tư ở đâu thì phải thu phí ở đó.
Cả nước hiện có 88 trạm BOT, trong đó Bộ GTVT quản lý 74 trạm, các địa phương quản lý 14 trạm. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, trong số này có 9 dự án BOT được triển khai trên nền đường cũ và tuyến tránh tương tự BOT Cai Lậy. |