Vì sao giới vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu đồng loạt phản ứng?
- Xe quá khổ, quá tải cần xử lý tận gốc
- Xử lí hàng nghìn xe quá khổ, quá tải
- Phạt 108 triệu đồng đoàn xe quá khổ đi lọt trạm cân
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, quy định xử phạt với người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện vi phạm về chở quá tải trọng trục đối với xe đầu kéo kéo sơmi rơmoóc sẽ có hiệu lực.
Việc này khiến các doanh nghiệp (DN) vận tải hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh như ngồi trên lửa, bởi ngoài chuyện lái xe bị tước giấy phép từ 3 đến 5 tháng, thì mức phạt tiền áp dụng cho lái xe tối đa là 16 triệu đồng và chủ xe là 64 triệu đồng mỗi lần vi phạm là không hề nhỏ. Rồi tình trạng cầu, đường vào cảng, KCN, kho hàng đầu mối… hạn chế tải trọng quá thấp, khiến DN vận tải phải đồng loạt lên tiếng phản ứng.
Kỳ 1: Xử phạt quá tải trọng trục khi phương án cải tạo sơmi rơmoóc chưa hoàn chỉnh
Phản ánh với Chính phủ và Bộ GTVT, đại diện các DN vận tải hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, xuất phát từ quan điểm và đề xuất của Vụ Khoa học Công nghệ và Vụ Kết cấu hạ tầng, giữa năm 2014 Cục Đăng kiểm đã tham mưu cho Bộ GTVT ban hành quy định yêu cầu DN vận tải phải Điều chỉnh tăng khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông lên 33 tấn đối với 3.465 sơmi rơmoóc 2 trục chở container và điều chỉnh lên 38 tấn đối với 3.640 sơmi rơmoóc 3 trục chở container có khối lượng thiết kế không nhỏ hơn các mức trên.
Đồng thời, vị trí chốt kéo, vị trí cụm trục của 2 loại sơmi rơmoóc này cũng được yêu cầu phải thay đổi để đảm bảo cho sơmi rơmoóc không còn vi phạm về tải trọng trục khi chở một container theo tiêu chuẩn quốc tế là 30,48 tấn lưu hành trên các tuyến đường đã được nâng cấp, cải tạo đồng bộ sau khi được điều chỉnh.
Song, theo ông Thái Văn Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa thành phố, thực tế đã chứng minh rằng, sau hơn 2 năm tiến hành cải tạo sơmi rơmoóc, hàng ngàn sơmi rơmoóc 20 feet và loại 2 trục, 3 trục bị đã biến thành phế liệu, gây tốn kém cả ngàn tỉ đồng của DN vận tải trong thời điểm khó khăn.
Giữ vai trò chủ lực trong vận chuyển hàng hóa XNK, nhưng vận tải container liên tục phải chạy theo các thay đổi chính sách từ cơ quan quản lý. |
Việc chủ xe đưa các loại sơmi rơmoóc vào cải tạo mất rất nhiều thời gian, luôn nằm trong tình trạng quá tải do chỉ có một số ít DN trong nước có khả năng cải tạo sơmi rơmoóc; khiến DN vận tải phải đăng ký, xếp hàng chờ đợi để được đưa phương tiện đi điều chỉnh, cải tạo.
Ông Nguyễn Xuân Phú, Giám đốc Công ty Vận tải Liên Minh cho biết, quy chuẩn về chiều dài cơ sở của sơmi rơmoóc bị thay đổi; quy định về tải trọng của tổ hợp xe đầu kéo kéo sơmi rơmoóc cũng không phù hợp nên những sơmi rơmoóc không thực hiện việc điều chỉnh chốt kéo hoặc cụm trục rất dễ bị kiểm tra, xử phạt lỗi chở hàng quá tải trọng trục trong quá trình lưu thông.
Trong khi đó mức phạt tiền áp dụng cho lái xe tối đa là 16 triệu đồng và chủ xe là 64 triệu đồng mỗi lần vi phạm là không hề nhỏ, chưa kể lái xe còn bị tước giấy phép lái xe từ 3 đến 5 tháng. Chung lỗi lo này, ông Phạm Văn Lợi, Chi hội trưởng Chi hội Vận tải hàng rời, sắt thép và container cho rằng, điều hết sức vô lý là quy định trên đã không chỉ buộc các sơmi rơmoóc cũ phải cải tạo; mà ngay cả các sơmi rơmoóc vừa được DN đầu tư mới hoàn toàn cũng phải đưa vào cải tạo lại mới đủ điều kiện để chở một container có trọng lượng theo tiểu chuẩn quốc tế.
Đã vậy, nhiều sơmi rơmoóc cải tạo xong nhưng không sử dụng được hoặc sử dụng được nhưng không bảo đảm an toàn như trước khi chưa cải tạo.
Chưa dừng lại ở đây, giới vận tải hàng hóa tại thành phố còn phản ánh, quyết định mới của Bộ GTVT còn khiến vài ngàn sơmi rơmoóc loại 2 trục và hàng trăm sơmi rơmoóc loại 20 feet đang lưu hành vô hình trung bị loại bỏ, trở thành đống phế liệu do không đủ tải trọng để vận chuyển container tiêu chuẩn quốc tế như trước đây. Ngoài những khó khăn trên, sức ép từ khách hàng về thời gian giao nhận hàng hóa; áp lực tiến độ với các hợp đồng đã ký khiến DN vận tải không còn giải pháp nào khác hơn là buộc phải vay vốn ngân hàng để kịp thời đầu tư mới loại sơmi rơmoóc 40 feet, 3 trục để vận chuyển các container hàng hóa XNK theo yêu cầu.
Điều này đã gây ra sự lãng phí vô cùng lớn cho cộng đồng DN. Chỉ cần tạm tính với 3.465 loại sơmi rơmoóc 2 trục bị loại bỏ thành phế liệu, đã gây lãng phí 1,039 ngàn tỷ đồng của DN vận tải. Điều khiến DN vận tải càng bức xúc hơn khi trong thời gian thực hiện việc cải tạo sơmi rơmoóc cũ từ năm 2014-2016, Cục Đăng kiểm liên tục thay đổi tải trọng thiết kế, tải trọng toàn bộ tham gia giao thông của sơmi rơmoóc mới. Việc này đã đẩy DN vận tải phải chạy theo chính sách đầu tư, đổi mới phương tiện một cách tốn kém để tránh lạc hậu, không cạnh tranh được với thị trường.
Cũng theo phản ánh từ đại diện các DN vận tải, do quy định về trình tự, thủ tục cải tạo sơmi rơmoóc hết sức phức tạp, nên Bộ GTVT đã phải hai lần chấp thuận cho gia hạn kéo dài thời gian cải tạo với thiết bị này cũng như đề xuất Chính phủ cho lùi thời hạn xử phạt tải trọng trục xe để “Tạo điều kiện cho doanh nghiệp cải tạo phương tiện”.
Đến nay, sau hơn 2 năm tiến hành cải tạo phương tiện, thời gian gia hạn của Bộ GTVT hạn lần thứ hai cũng đã hết; thời hạn áp dụng xử phạt tải trọng trục cũng đã rất gần, nhưng Cục Đăng kiểm vẫn đang loay hoay chưa tìm được giải pháp nào để phù hợp để cải tạo, điều chỉnh sơmi rơmoóc loại 40 feet chở container 20 feet tiêu chuẩn mà không vi phạm tải trọng trục xe.