Xe quá tải lại “nhờn thuốc”
- Kiên quyết xử lý lái xe quá tải không hợp tác, gây lộn xộn
- Triệt phá đường dây bán logo “giải cứu” xe quá tải
- Cảnh sát hình sự sẽ tham gia xử lí xe quá tải
- Xử lý xe quá tải: Lực bất tòng tâm
- Mở cao điểm xử lý xe quá tải
Tại hội thảo, các đại biểu đều có chung nhận định: Xe chở quá tải, xe quá khổ sau một thời gian được “dẹp” tới 80%, thì gần đây lại hoạt động mạnh trở lại trên nhiều tuyến đường.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam bày tỏ, sau một thời gian vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành địa phương, đặc biệt là Bộ GTVT và Bộ Công an, tình trạng xe quá tải đã gần như được dẹp bỏ.
Đến đầu năm 2016, xe quá tải chỉ còn khoảng 10-15%, chủ yếu hoạt động ở các huyện vùng núi, vùng sâu và các khu mỏ. Tuy nhiên, đến hiện tại, xe quá tải đã hoạt động mạnh mẽ trở lại. Trên nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, xe quá tải xếp hàng đi lại nườm nượp. Cuộc chiến chống xe quá tải cũng đang có biểu hiện “chìm xuồng”.
Đặc biệt theo ông Nguyễn Văn Thanh, doanh nghiệp, lái xe chở quá tải lại “nhờn thuốc”. “Một số doanh nghiệp có dấu hiệu đứng trên bờ phá sản do xe đầu tư mới không có hàng để chạy vì xe chở hàng quá tải diễn biến phức tạp, tinh vi. Tập trung nhiều nhất ở các khu Cảng nội địa, kho hàng, khu công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho hay.
Ngoài bức xúc về xe quá tải đang hoành hành trở lại thì tình trạng cấp phép cho xe chở hàng siêu trường, siêu trọng cũng khiến cộng đồng các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bức xúc. Đại diện Công ty Hồng Quyên (Nam Định) cho rằng, thủ tục xin cấp phép xe siêu trường, siêu trọng vẫn có sự “vênh nhau” giữa Tổng cục Đường bộ và Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Trong khi phía Đăng kiểm cho chở hàng theo đúng khối lượng xe chuyên chở nhưng các Cục Quản lý đường bộ lại yêu cầu giảm so với thiết kế. Chưa kể, các doanh nghiệp vận tải phải đi khảo sát, thẩm định tải trọng cầu, đường và nộp hồ sơ về Tổng cục Đường bộ nhưng thời gian cấp phép lưu hành lại quá ngắn (từ 1-3 tháng).
Ngay sau khi nghe doanh nghiệp phản ánh, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam truy Cục Quản lý đường bộ 3: “Cầu sập thì Tổng cục trưởng sẽ chịu trách nhiệm, nhưng tại sao lại không cấp phép cho các doanh nghiệp mà bắt doanh nghiệp phải đi khảo sát, thẩm định lại tải trọng cầu đường”?.
Đại diện Cục Quản lý đường bộ 3 phân trần, đường, cầu trên quốc lộ đã được công bố tải trọng công khai. Tuy nhiên, tuyến đường liên kết giữa các tuyến đường xã, huyện có sự khác nhau nên phải đi khảo sát, thẩm định thì mới có cơ sở để cấp phép.
Xe chở quá tải chạy nghênh ngang trên đường Lê Văn Lương kéo dài. Ảnh: Nguyễn Thiêm. |
Sau khi nghe các ý kiến, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, tải trọng cầu đường đã công bố trên toàn quốc, khi biến động tải trọng cầu thì các đơn vị phải cập nhật. Hơn nữa, chu kỳ cấp phép xe quá tải trọng, xe quá khổ, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng gần nhau, nên nếu tải trọng cầu không biến động thì không nên bắt doanh nghiệp đi khảo sát, thẩm định lại.
Tuy vậy, về ý kiến mong muốn kéo dài thời gian cấp phép xe siêu trường, siêu trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sẽ giữ nguyên là 3 tháng, song công tác cập nhật tải trọng cầu, đường sẽ phải thường xuyên cập nhật để các doanh nghiệp có đầy đủ thông tin.
Cùng đó, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ tiếp tục xây dựng kế hoạch liên ngành giữa lực lượng Công an và Thanh tra GTVT để tiếp tục duy trì “cuộc chiến” chống xe quá tải như trước đây. Hoặc tăng thẩm quyền cho lực lượng Thanh tra GTVT trong việc xử lý xe quá tải.
Bên cạnh đó, các Hiệp hội Vận tải ôtô cũng đề nghị tăng cường kiểm tra tại các đầu mối nhà ga, bến cảng, khu mỏ ngay từ lúc xếp hàng, đồng thời quy trách nhiệm cho lãnh đạo chính quyền sở tại về việc bảo vệ kết cấu đường thuộc địa phương mình.