Áp lực “đè” lên quốc lộ 1A khi phân luồng lại giao thông cao tốc Cam Lộ - La Sơn

07:00 01/04/2024

Từ khi tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi vào hoạt động đã chia sẻ, giảm tải cho quốc lộ 1A (QL1A) từ 30-40% lưu lượng phương tiện; đồng thời, cũng giúp cung đường này giảm rất nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT).

Tuy nhiên, sau liên tiếp nhiều vụ TNGT trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn gần đây, căn cứ từ nhiều cuộc họp bàn của cơ quan chức năng, Cục Đường bộ Việt Nam vừa ban hành thông báo kết luận về phương án phân luồng giao thông trên cao tốc này. Theo đó, từ ngày 4/4 tới, phân luồng, điều tiết xe khách trên 30 chỗ, xe đầu kéo, xe tải từ 6 trục trở lên không được vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn...

Phương án phân luồng giao thông vừa kể được đưa ra dựa trên cơ sở rà soát hiện trạng tuyến đường, kiểm đếm lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn và QL 1A do Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu chủ đầu tư dự án - Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, thực hiện. Theo kết quả đếm xe của Công ty CP Tư vấn Trường Sơn, lưu lượng trung bình trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn là 9.599 xe tiêu chuẩn (PCU)/ngày, đêm, “chớm” ngưỡng mãn tải. Trong khi đó, lưu lượng trên QL1A (bên phải) chạy song hành chỉ khoảng 27.000 PCU (còn dư 6.000 PCU mới mãn tải)…

Từ ngày 4/4, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu xe khách trên 30 chỗ, xe đầu kéo, xe tải từ 6 trục trở lên không vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngày 29/3 vừa qua, cơ quan này có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam về việc tham gia góp ý về phương án phân luồng giao thông cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn qua địa bàn tỉnh. Trước đó, Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có văn bản gửi cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh về việc tham gia góp ý phương án phân luồng giao thông cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn qua địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đơn vị, Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế có ý kiến cho rằng, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Tuý Loan là tuyến giao thông trọng điểm của quốc gia trên trục Bắc – Nam. Do khó khăn chung về nguồn lực, tuyến được phân kỳ đầu tư với quy mô 2 làn xe. Mặc dù điều kiện khai thác còn hạn chế nhưng do tính cơ động và thuận lợi, ngay sau khi đưa vào khai thác, tuyến cao tốc nói trên đã phát huy hiệu quả, lượng phương tiện tham gia là rất lớn và không ngừng gia tăng.

Cụ thể, năm 2022 là 1.500-2.000 xe/ngày đêm; năm 2023 là 2.500-3.500 xe/ngày đêm, đặc biệt dịp Tết (2/2024) là 5.000 - 6.000 xe/ngày đêm (tăng 100%); góp phần chia sẻ, giảm tải cho QL1 từ 30-40% về lưu lượng (nguồn trích xuất từ camera hầm Mũi Trâu). Việc chia sẻ lưu lượng này cũng đã góp phần tích cực trong giảm thiểu TNGT trên địa bàn tỉnh.

Số liệu thống kê ATGT của tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy, số người chết do TNGT trên đoạn QL1A này giai đoạn 2020-2023 là 219 người. Cụ thể, năm 2020 tai nạn làm 54 người chết, năm 2021 là 45 người chết, năm 2022 làm 80 người chết và năm 2023 có 40 người. Trước khi có cao tốc kể trên, số vụ TNGT trên QL1A chiếm tỷ lệ cao, số người chết hằng năm chiếm 48-50% trên tổng số toàn tỉnh. Sau khi cao tốc Cam Lộ - La Sơn đưa vào khai thác sử dụng, TNGT trên QL1 giảm rất nhiều, hiện nay số người chết còn chiếm khoảng 18-20%.

Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay tuyến QL1A qua địa bàn tỉnh có chiều dài 113,3km đi qua nhiều huyện, thị với quy mô 4 làn xe, trong đó có làn hỗn hợp xe thô sơ (xe máy, xe môtô, xe đạp điện…) cùng tham gia. Vào giờ cao điểm, người và lưu lượng phương tiện ở các khu công nghiệp, khu dân cư ở trung tâm huyện lỵ tham gia giao thông lớn. Dọc tuyến có 46 trường học tiếp giáp QL1A nên lượng học sinh khi đến trường và khi tan trường rất lớn.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 216 đường nhánh đấu nối với QL1A, lưu lượng phương tiện tại các điểm giao cắt lớn, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra TNGT. Do đó, khi các phương tiện xe ôtô đầu kéo, xe khách trên 30 chỗ lưu thông trên tuyến đường tránh TP Huế sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao TNGT hơn khi lưu thông trên tuyến cao tốc… Vì vậy, Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị với Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế không đồng ý với phương án phân luồng cho các phương tiện xe khách trên 30 chỗ ngồi, xe giường nằm, xe tải từ 6 trục trở lên, xe rơ mooc, sơ mi rơ mooc lưu thông xuống QL1A…

Trong khi đó, thời gian qua trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua địa bàn Thừa Thiên Huế liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Trong đó, vụ TNGT ngày 18/2 khiến 3 mẹ con tử vong khi đang trên đường đi du xuân trở về quê. Còn vụ TNGT xảy ra đêm 10/3 khiến 2 vợ chồng trẻ chết thảm khi đang trên đường vào Bình Phước đi cạo mủ cao su thuê. Theo cơ quan điều tra, ngoài hạn chế về điều kiện hạ tầng chưa hoàn chỉnh, thì nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp vẫn do ý thức của người tham gia giao thông như: đi không đúng làn đường, vượt ẩu, dừng xe không đảm bảo quy định, không chấp hành hiệu lệnh của biển báo hiệu đường bộ, chở hàng quá tải trọng, không giữ khoảng cách an toàn …

Trao đổi với PV Báo CAND, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian qua, trước việc một số xe container, xe tải nặng… di chuyển trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn làm giảm khả năng thông hành trên tuyến (do không đạt được tốc độ tối thiểu theo quy đinh) hay bị hư hỏng khi lưu thông trên tuyến thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao gián tiếp hoặc trực tiếp gây ra tai nạn trên cao tốc này.

“Chính từ thực tế vừa kể, việc phân luồng tạm thời đã được tính toán một cách khoa học, hài hòa trên cơ sở tính toán khả năng thông hành của 2 tuyến QL1A và cao tốc, điều kiện khai thác nhằm trước mắt đảm bảo ATGT trên tuyến trong điều kiện quy mô mặt cắt ngang còn khiêm tốn. Hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thực hiện các thủ tục đầu tư mở rộng lên 4 làn hoàn chỉnh cho cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Nếu được Quốc hội thông qua và cho phép áp dụng cơ chế đặc thù thì dự kiến sẽ cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2025. Lúc đó sẽ đảm bảo khai thác một cách an toàn cho tất cả các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến, đồng thời giảm tải rất nhiều cho QL1A, nhất là đoạn qua địa bàn Thừa Thiên Huế”, đại diện Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thông tin thêm.

Theo phân tích của một số chuyên gia, trước khi có cao tốc, tất cả phương tiện bao gồm xe tải, xe khách, xe tải trọng lớn đều đi QL1A ngang qua các khu dân cư, tiềm ẩn rủi ro tai nạn rất lớn. Vì thế, Nhà nước mới nghiên cứu đầu tư nhanh chóng các tuyến cao tốc, một phần nhằm mục đích giảm tải, giảm rủi ro TNGT trên các tuyến quốc lộ. Song, do khó khăn về nguồn vốn, phải phân kỳ đầu tư nên những tuyến gọi là cao tốc hiện nay, trong đó có cao tốc Cam Lộ - La Sơn chưa đạt chuẩn, chưa được trang bị đầy đủ những hạng mục đảm bảo an toàn cho lượng lớn xe di chuyển với tốc độ cao.

Trong bối cảnh dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường chưa được triển khai, buộc phải chấp nhận coi như chưa có tuyến cao tốc, phân bổ một số đối tượng phương tiện (trong trường hợp này là xe tải, xe khách) quay trở về hiện trạng như cũ, di chuyển trên quốc lộ, trong đó có QL1A. Phương án này có thể chấp nhận được trong trường hợp quá bí bách…

Hải Lan

Báo cáo số 3003/KQLĐBIII-QL,TCGTĐB ngày 16/12 của Khu Quản lý đường bộ III gửi Cục Đường bộ Việt Nam về khắc phục thiên tai gây hư hỏng trên các tuyến quốc lộ ở địa bàn miền Trung – Tây Nguyên, có đề cập thông tin chi tiết về sự cố sạt lở ở đèo Khánh Lê gây ách tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 27C như Báo CAND đã thông tin.

Chiều 16/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) cho biết, vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Đoàn Đức Vinh (SN 1996, cư trú: xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) để điều tra về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Thông tin từ Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa cho biết đến 13h20’ chiều nay 16/12, quốc lộ 27C đoạn qua đèo Khánh Lê (thuộc địa phận xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) vẫn ách tắc do chưa thu dọn xong đất đá sạt lở tại điểm đầu tiên thì phát sinh thêm tình trạng sạt lở tại một số điểm khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文