Ám ảnh ùn tắc giao thông ở thủ đô

Bài 1: Mỗi năm thiệt hại trên 1 tỷ USD vì tắc đường

09:13 20/08/2022

Cơn bão số 2 quét qua Hà Nội. Phía sau trận mưa lớn là hàng loạt “tút” xuất hiện trên cõi mạng. Nào là “Kỷ lục đi làm 10km hết 3 tiếng lái xe”, “May mắn thoát khỏi cảng nước sâu Mỹ Đình sau cả tiếng chôn chân”, “Cửa nhà thành… sông, xe nối xe đứng im một chỗ”… Đọc những dòng “tút” này, ai cũng hiểu người trong cuộc vừa phải trải qua cảnh giao thông tê liệt.

Không phải ngẫu nhiên câu chuyện ùn tắc giao thông ở Hà Nội trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Trước kia, nếu không phải quá gấp, nhiều người sẽ “né” khung giờ cao điểm sáng, chiều, để tránh cảnh ùn tắc trên các trục đường chính. Ngày nay, người dân dường như không còn sự lựa chọn, bởi ùn tắc có thể diễn ra bất cứ khung giờ nào, không kể cao điểm, giữa trưa hay ngày cuối tuần. Đáng chú ý, cơ quan chức năng nói chung và Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội nói riêng dành khá nhiều kinh phí và thời gian để tìm giải pháp chống ùn tắc nhưng thực tế chưa có sự thay đổi vượt trội, người dân chưa đánh giá cao vì tắc đường vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều tuyến đường.

Ùn tắc vẫn diễn biến phức tạp

Chị Hương Lan sống ở Linh Đàm, Hà Nội nhưng chị lại làm việc ở trung tâm thành phố. Một quãng đường dài chừng 6km từ nhà đến cơ quan nhưng sáng nào chị cũng phải đi từ 6 rưỡi sáng để đến cơ quan kịp giờ làm lúc 8h kém. Hôm nào nhỡ nhàng đi muộn 10-15 phút là chị sẽ phải “trả giá”, “chôn chân” trên đường. Đấy là ngày nắng, còn những hôm mưa to, đường ngập, thời gian tắc còn lâu hơn. Chị chia sẻ: “Sống ở khu đô thị cửa ngõ phía Nam thành phố, tôi hiểu rõ tốc độ đô thị hoá kéo theo sự gia tăng dân số và phương tiện giao thông cá nhân đã gây áp lực cho hệ thống giao thông như thế nào”. Không phủ nhận việc hạ tầng giao thông khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố đang dần được cải thiện trong nhiều năm nhưng thực tế chưa theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện chóng mặt.

Dù mưa hay nắng, nhiều tuyến phố Hà Nội luôn trong tình trạng báo động về tắc đường.

Cách đây khoảng 15-17 năm, đường vào khu đô thị Linh Đàm còn vắng vẻ, chính quyền phường phải treo biển “đề phòng cướp giật”, đường Giải Phóng dài gần 5km với chiều rộng lên tới 35-40m “thêng thang” nhưng giờ cả rừng phương tiện ken cứng vào các giờ cao điểm, thậm chí cả những chiều cuối tuần. Xung quanh khu đô thị Linh Đàm mặc dù đã có thêm những cây cầu vượt sông, vượt hồ, có đường trên cao nhưng tình trạng ùn tắc giao thông vẫn nhức nhối.

Tương tự, nhiều người dân sống ở khu vực phía Tây thành phố cũng tỏ ra mệt mỏi khi nhắc đến tuyến đường mình lưu thông hàng ngày. Đường bao năm chưa thể mở rộng nhưng dân số và phương tiện thì cứ thế tăng lên. Đoạn đường Lê Văn Lương chỉ hơn 2km nhưng đếm sơ cũng có tới khoảng 40 tòa nhà, khu chung cư cao tầng với đủ loại diện tích, chiều cao chủ yếu trên 25 tầng. Điển hình như tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại, tòa nhà trung tâm thương mại Hadinco, HUD Tower, chung cư cao tầng của Công ty CP Dịch vụ và Kinh doanh bất động sản Hà Nội… với quy mô dân số lên tới hàng chục nghìn người. Điều này dẫn tới áp lực giao thông đang đè nặng lên tuyến đường. Cách đó không xa, trên đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân), dù đoạn đường chỉ hơn 1km nhưng hai bên có khoảng hơn 20 tòa nhà, khu chung cư cao tầng với đủ loại diện tích, chiều cao. Số lượng căn hộ lên tới hàng nghìn căn. Đáng nói, trong khi tuyến đường chỉ rộng khoảng 6m cho lưu thông 2 chiều đang ùn tắc nghiêm trọng, vẫn đang có khoảng 3 - 5 dự án nhà cao tầng khác tiếp tục được thi công…

Từ hiện trạng giao thông Thủ đô, có thể thấy, mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, song kết quả chống ùn tắc chưa bền vững, diễn biến phức tạp. Cụ thể, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, năm 2016 trên địa bàn thành phố có 41 điểm ùn tắc giao thông, phối hợp xử lý được 20/41 điểm; năm 2017 có 41 điểm (24 điểm chuyển tiếp năm 2016, phát sinh mới 17 điểm), phối hợp xử lý được 17/41 điểm; năm 2018 có 37 điểm ùn tắc giao thông (24 điểm chuyển tiếp năm 2017, phát sinh mới 13 điểm), phối hợp xử lý được 12/37 điểm; năm 2019 có 33 điểm ùn tắc giao thông (25 điểm chuyển tiếp năm 2018, phát sinh mới 8 điểm cuối năm 2018), phối hợp xử lý được 10/33 điểm; năm 2020 có 34 điểm ùn tắc giao thông (23 điểm chuyển tiếp năm 2019, phát sinh mới 10 điểm cuối năm 2019, phát sinh mới 1 điểm quý I/2020), phối hợp xử lý được 8/34 điểm; năm 2021 có 37 điểm ùn tắc giao thông (26 điểm chuyển tiếp năm 2020 và 11 điểm phát sinh), phối hợp xử lý được 10/37 điểm; năm 2022 có 35 điểm ùn tắc giao thông (27 điểm chuyển tiếp năm 2021 và 8 điểm phát sinh cuối năm 2021), đến thời điểm hiện tại đã phối hợp xử lý được 4/35 điểm.

Thiệt hại kinh tế và áp lực đô thị hóa

Thông tin từ Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, qua một số nghiên cứu cho thấy, thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội dao động từ 1 - 1,2 tỷ USD/năm (tương đương 23.300 - 27.960 tỷ đồng/năm). Về mặt xã hội, sức khỏe người dân đô thị đang bị ảnh hưởng vì chỉ số ô nhiễm không khí gấp hơn 5 lần so với quy định. Ngoài ra, môi trường đầu tư và các vấn đề phát triển xã hội khác cũng bị ảnh hưởng...

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới ùn tắc là do mật độ dân số phân bố không đồng đều, tập trung quá đông ở nội đô; tốc độ tăng trưởng phương tiện so với tốc độ tăng trưởng hạ tầng đang bất cập; vận tải hành khách công cộng vẫn kém phát triển; tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông so với quy chuẩn mới đạt 8,65% trên tổng diện tích đất dành cho đô thị trong khi theo quy chuẩn phải đạt từ 16% - 26%...

Căn cứ vào số liệu đếm xe mới đây của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, hàng loạt tuyến đường nội thị của thành phố đang quá tải nhiều lần. Cụ thể, trên đường Lê Văn Lương hướng đi Láng quá tải 3,9 lần; đường Tố Hữu hướng đi Lê Văn Lương quá tải 1,7 lần; đường Nguyễn Trãi hướng vào trung tâm quá tải hơn 6 lần…

Ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Chúng tôi phải thực hiện công tác đếm xe trên nhiều tuyến đường để có căn cứ tổ chức lại giao thông cho phù hợp với lưu lượng hiện tại”. Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, quy hoạch cho giao thông cần phải được đi trước, sau đó mới quy hoạch đô thị, cư dân, giao thông mới không bị ùn tắc. Tuy nhiên, thực tế ở Hà Nội lại khác, các đô thị thi nhau mọc lên, giao thông phải gồng gánh quá lớn lượng phương tiện dẫn đến ùn tắc.

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15 về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định quan điểm mục tiêu phát triển và các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cho phát triển Thủ đô Hà Nội. Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, tỷ lệ đất dành cho giao thông của Hà Nội vẫn đạt tỷ lệ thấp, ùn tắc hàng ngày là nỗi ám ảnh của người dân, đất dành cho giao thông tính đến nay đạt khoảng 10,8% trên đất xây dựng đô thị, trung bình mỗi năm tăng 0,3%. Bên cạnh những kết quả đạt được, TP Hà Nội cũng nhận thức rõ công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của Thủ đô vẫn còn những tồn tại, hạn chế và thách thức. Công tác quy hoạch, quản lý
quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, phát triển đô thị còn hạn chế, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được so với tốc độ đô thị hoá, tính đồng bộ của hệ thống hạ tầng đô thị còn chưa cao, phát triển đô thị chưa toàn diện

Phạm Huyền

Sau gần 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc”, con đường cao tốc nối Khánh Hòa và Buôn Ma Thuột đã dần thành hình. Trên công trường những ngày này, không khí thi công diễn ra hối hả, khẩn trương suốt ngày đêm…

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong những ngày qua đang nỗ lực lấp đầy nội các tương lai, đề cử một số nhân vật nổi tiếng với quan điểm cứng rắn về Trung Quốc vào chính quyền, những người có khả năng sẽ tiếp tục làm mối quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng trong thời gian tới.

Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện vẫn còn hiện tượng chặt chém, lôi kéo khách du lịch - một hành vi mà theo lời Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Sở Du lịch và Công an thành phố, là “nhìn thì hết sức lịch sự nhưng lại đầy sức tàn nhẫn”…

Từng là những người mang trên mình án tích nên sau khi hoàn thành chấp hành án, trở lại địa phương, những người này rất cần sự động viên, hỗ trợ để vượt qua mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc này không hề dễ dàng, không ít đối tượng vẫn “ngựa quen đường cũ”.

Hôm nay, các tỉnh thành tại miền Bắc nền nhiệt ban ngày được dự báo ở ngưỡng 29 - 32 độ C, trời nắng hanh khô tuy nhiên đêm và sáng sớm nhiệt độ giảm. Trên biển Đông, bão số 8 được dự báo sẽ suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Chiếc xe BMW X3 đời 2016 được đưa ra đấu giá cách đây hơn 3 năm với giá bèo nhưng chỉ có 2 hồ sơ tham gia. Người trúng đấu giá là một người thân quen của ông chủ công ty được lựa chọn đấu giá. Đến nay, chủ sở hữu chính thức của chiếc xe sang này không ai khác chính là chủ nhân của công ty đã tổ chức đấu giá.

Chiều 13/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với Huỳnh Nhật Phương (SN 1982, ngụ quận Bình Thạnh) về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Các quyết định và lệnh trên đã được Viện KSND thành phố phê chuẩn.

Mỹ sẽ chính thức mở một căn cứ phòng không mới ở miền Bắc Ba Lan, khi Warsaw muốn trấn an người dân rằng NATO đảm bảo an ninh cho họ trong bối cảnh lo lắng sau chiến thắng bầu cử Tổng thống của ông Donald Trump.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文