Bình Dương tổ chức Lễ động thổ xây dựng đường Vành đai 3

14:25 29/06/2023

Với vị trí chiến lược, đường Vành đai 3 khi xây dựng hoàn thành sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; là tuyến giao thông huyết mạch Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khi khép kín, tuyến đường này sẽ thúc đẩy giao thương giữa các tỉnh, thành phố với nhau, thúc đẩy kinh tế toàn vùng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Sáng 29/6, tại nút giao Bình Chuẩn từ Km43+680 đến Km45+000, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Lễ động thổ xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương.

Dự Lễ khởi công có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương; ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở ngành; đại diện lãnh đạo các địa phương TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương và các đại biểu nhấn nút động thổ dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương.

Phát biểu tại lễ động thổ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng, cho biết, đường Vành đai 3 là một dự án quan trọng của Quốc gia với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc và kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Dự án nhằm giảm tình trạng quá tải hạ tầng giao thông ở cửa ngõ TP Hồ Chí Minh, tăng khả năng kết nối đô thị vệ tinh, phát huy hiệu quả lợi thế các tỉnh, phát triển dịch vụ hạ tầng giao thông, phát triển dịch vụ vận tải liên vùng, mở rộng phát triển đô thị, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; giảm thời gian và chi phí đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…

Đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đòi hỏi yêu cầu cao về kỹ thuật, chất lượng, tiến độ. Để thực hiện thành công dự án, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương đề nghị chủ đầu tư làm việc với nhà thầu thi công, tư vấn giám sát triển khai ngay các giải pháp thi công đồng bộ, đảm bảo tiến độ, chất lượng… Đồng thời, khẩn trương hoàn thành các thủ tục để động thổ các gói thầu còn lại của dự án thành phần 5 chậm nhất trong tháng 9-2023.

Phối cảnh một nút giao trong dự án đường Vành đai 3 (đoạn qua Bình Dương).

Tại lễ động thổ, Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương đề nghị các cơ quan đoàn thể, chính quyền TP Thủ Dầu Một, TP Dĩ An và TP Thuận An cần tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án trên địa bàn tỉnh trong năm 2023, đảm bảo bàn giao ít nhất 70% mặt bằng cho các gói thầu tổ chức động thổ xây dựng.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, Dự án có tổng chiều dài 76,34km, đi qua 4 tỉnh, thành phố, gồm: Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, được chia thành 8 dự án thành phần vận hành độc lập. Tổng mức đầu tư là 75.378 tỷ đồng.

Đoạn qua tỉnh Bình Dương tổng chiều dài 26,6km, tổng mức đầu tư 19.280 tỷ đồng, đi qua địa bàn TP Dĩ An, TP Thuận An và TP Thủ Dầu Một. Trong đó, đoạn nút giao Tân Vạn dài 2,393km, đoạn Bình Chuẩn - sông Sài Gòn dài 8,9 km, đoạn trùng đường Mỹ Phước – Tân Vạn dài 15,3km (đã được tỉnh Bình Dương đầu tư xây dựng, hiện tại đang khai thác với quy mô 6 làn xe đường đô thị, chưa đầu tư trong giai đoạn này).

Tuyến đường có quy mô đầu tư 8 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật. Giai đoạn hoàn thiện, phần đường cao tốc có quy mô 8 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 100 km/h. Đối với phần đường song hành hai bên bố trí tối thiểu 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe hỗn hợp mỗi bên, vận tốc thiết kế 60 km/h.

Tuyến Vành đai 3 đoạn đi qua tỉnh Bình Dương gồm 2 dự án thành phần: Dự án thành phần 5 - Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương (bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi) có tổng mức đầu tư là 5.752 tỷ đồng và dự án thành phần 6 (bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) có tổng mức đầu tư là 13.527,82 tỷ đồng. 

Phối cảnh một nút giao trong dự án đường Vành đai 3 (đoạn qua Bình Dương).

Riêng đối với nút giao Bình Chuẩn đoạn từ Km43+680 đến Km45+000, công trình có đường ô tô cao tốc, đường đô thị cấp I, cầu đường bộ cấp III, hầm giao thông cấp III. Tổng chiều dài nút giao là 1,32km, tổng vốn đầu tư 571,125 tỷ đồng (trong đó chi phí xây lắp 488,936 tỷ đồng), từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Công trình có quy mô gồm: Đường cao tốc giai đoạn hoàn chỉnh, bề rộng nền đường Bn=74,5m; 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100 km/h; đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), cấp đường ô tô đô thị 60 km/h. Nút giao được bố trí hào kỹ thuật, hệ thống chiếu sáng, hệ thống an toàn giao thông… Dự kiến, dự án sẽ được đưa vào khai thác từ năm 2026.

Dương Bình

* Báo CAND đoạt 2 giải A, 2 giải B Giải Búa Liềm Vàng trong CAND

Chiều 25/12, tại Hội nghị tổng kết công tác đảng năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 trong Đảng bộ Công an Trung ương, Bộ Công an đã trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa Liềm Vàng) trong CAND và Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong CAND năm 2024.

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文