Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo khẩn sau vụ sập cầu Phong Châu
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có Công điện số 35/CĐ-BGTVT về việc tập trung khắc phục sự cố cầu Phong Châu Km18+300, Quốc lộ 32C (tỉnh Phú Thọ) và ứng phó với tình hình mưa, lũ sau bão số 3 (siêu bão Yagi).
Về khắc phục sự cố cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ), Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Sở GTVT Phú Thọ và các cơ quan, đơn vị có liên quan của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương điều động nhân lực, phương tiện, thiết bị, vật tư tham gia khắc phục sự cố; tổ chức tìm kiếm cứu nạn; tổ chức phân luồng đảm bảo giao thông và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam khẩn trương thực hiện việc thông báo, công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa theo quy định, tổ chức điều tiết đảm bảo giao thông thủy tại khu vực.
Về ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão số 3, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị của ngành tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo của bộ tại Công điện số 31/CĐ-BGTVT ngày 4/9/2024 và Công điện số 34/CĐ-BGTVT ngày 7/9/2024 về tập trung ứng phó bão số 3 và khắc phục hậu quả mưa, lũ sau bão. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó với mưa lũ, trong đó tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất, mưa lũ, sập cầu; tìm kiếm người mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình người bị nạn.
Người đứng đầu các đơn vị khẩn trương rà soát, kịp thời phát hiện để có phương án đảm bảo an toàn giao thông, tránh xảy ra các sự cố bất ngờ đối với các công trình hạ tầng giao thông nằm trong khu vực bị ảnh hưởng của mưa lũ, nhất là các cầu đường bộ, đường sắt (cầu yếu, xây dựng lâu năm), các khu vực xung yếu dễ bị sụt trượt, lở đất, đứt đường.
Bộ GTVT giao cơ quan, đơn vị của ngành chủ động bố trí nhân lực, phương tiện, thiết bị, vật tư tại khu vực trọng điểm, xung yếu để sẵn sàng tổ chức cứu nạn, cứu hộ và khắc phục nhanh nhất sự cố do mưa, lũ gây ra, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt, đặc biệt trên các tuyến giao thông trọng điểm; phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương tổ chức phân luồng hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy siết; cử người trực chốt, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí ngập nước sâu, sạt lở đất gây mất an toàn giao thông.
Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Tống công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc căn cứ điều kiện, tình hình diễn biến thủy văn trên tuyến luồng, tăng cường công tác kiểm tra tuyến luồng, kịp thời có biện pháp thu hồi, đưa phao báo hiệu bị trôi dạt về đúng vị trí, khôi phục báo hiệu hư hỏng để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền hoạt động trên luồng.
Ba cơ quan trên phải kịp thời khôi phục các đặc tính kỹ thuật của báo hiệu hàng hải, đường thủy nội địa tại các khu vực xuất hiện vật chướng ngại đột xuất, ảnh hưởng đến lưu thông tàu, thuyền trên luồng; kịp thời công bố thông báo luồng về sự thay đối của tuyến luồng tại các khu vực xảy ra sự cố, tuyến luồng có thay đổi lớn.
Các đơn vị này cần chủ động, phối hợp với các cơ quan, đơn vị đảm bảo an toàn hàng hải, giao thông đường thủy nội địa để tổ chức phân luồng giao thông tại các khu vực xảy ra sự cố; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan của địa phương trong việc bảo vệ tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải, đường thủy nội địa .